Giả đò thì cũng giống như giả vờ, nhưng hình như không nghiêm trọng như giả dối. Có thể nhiều người nghĩ là nó tiêu cực, nhưng đôi khi tôi lại thấy nó có ích với mình lắm.
Chuyện nàng Tây Thi nhăn mặt
Ngày xưa lúc còn nhỏ nghe cha tôi kể câu chuyện “bắt chước nhăn mặt” làm tôi cười bò lê bò lết. Chuyện kể rằng ở bên Tàu có nàng Tây Thi đẹp lắm; mà khi nàng đau bụng, nàng nhăn nhó thì khuôn mặt nàng càng đẹp hơn nữa. Biết vậy nên mỗi khi nghe nàng kêu la vì đau là người ta truyền tai nhau bu lại chiêm ngưỡng dung nhan nàng đông nghẹt.
Có nàng hàng xóm xấu gái thấy vậy, những tưởng khi đàn bà đau bụng nhăn mặt thì đẹp hơn nên nàng ta cũng bắt chước theo; giả đò kêu la đau đớn rồi nhăn nhó. Ai dè khi người ta trông thấy thì hốt hoảng bỏ chạy vì tưởng ma quỷ hiện hình.
Bây giờ nghĩ lại thì thấy chẳng đáng cười nữa; giá tôi là cô nàng xấu gái kia không biết chừng tôi cũng bắt chước Tây Thi thử một lần. Vì thật ra con người (hay con gì không phải con người) cũng có tính bắt chước trời phú; đó như là một cơ sở đặt định ra để duy trì sự tiếp nối.
Tuy nhiên con người không đơn giản bắt chước để học cách sinh tồn như con vật; mà con người bắt chước vì nhiều lý do khác nữa. Như nàng xấu gái kia là muốn thu hút sự chú ý của người khác chẳng hạn,…mà khi bắt chước không phải với lý do chính đáng để duy hộ sự sinh tồn thì người ta cũng hết gọi là bắt chước mà chuyển qua gọi là “giả đò”.
Công dụng thần kỳ của việc ‘giả đò’
Một ngày nọ tôi đọc trong một cuốn sách nào đó một nhà văn đã nói về công dụng thần kỳ của việc giả đò. Tôi thú thực là đã bắt chước theo ông nhà văn ấy lắm lần mà lần nào cũng có những kết quả tốt đẹp.
Vào hồi tôi mười lăm mười bảy tuổi, thời đó hở cái là buồn mà toàn là những lý do nhỏ mọn: Làm rớt mất vài đồng tiền ở đâu không nhớ; mặt nổi lên mấy hột mụn hay thợ lỡ cắt đầu tóc hơi ngố quá, rồi bạn bè chọc… cũng đều mang tới nỗi buồn cho tôi.
Nhưng sau khi học được bài học giả đò, mỗi khi “buồn” như vậy tôi sẽ chạy ra cánh đồng sau nhà; giả đò vừa tung tăng nhảy chân sáo vừa ca hát khe khẽ trong miệng; nhìn ngắm trời xanh với mây trắng bồng bềnh phía trên và tưởng tượng những cảnh thần tiên vui vẻ. Chẳng mấy chốc lòng tôi thơi thới lắm; và tôi vui lên thiệt.
Tôi nhớ nhà văn ấy còn nói đại khái là tâm trạng nó quyết định cái vẻ bên ngoài. Ví như một người đang rầu rĩ thì bước đi của họ cũng chậm chạp, lê thê. Nhưng cái hành động bên ngoài nó cũng có tác dụng ngược lại với cái tâm trạng trong lòng. Qua những thí nghiệm của mình tôi thấy lời ấy thiệt là chí lý; chẳng ai có thể vừa nhảy nhót ca hát với một vẻ mặt tươi cười mà trong lòng vừa rầu rĩ cho được. Cái đó rất khó!
‘Giả đò’ còn giúp tôi yêu thương con gái của mình
Lần đi siêu âm đứa con thứ hai, vì đứa đầu là con gái nên tôi mong mỏi đứa thứ hai là trai để đủ nếp đủ tẻ. Nhưng thai nhi lại là con gái và tôi thoáng một nỗi thất vọng trên đường về nhà. Tuy nhiên tôi lại có một nỗi lo lắng kỳ ngộ như vầy, khi người ta nói “tôi đi guốc trong bụng ông” thì có nghĩa là biết tỏng trong lòng họ nghĩ gì; mà cái đứa bé bốn tháng tuổi kia nó đã nằm hẳn trong bụng tôi thì tôi nghĩ gì tôi sợ rằng nó cũng biết hết; nhỡ cái mầm oán giận cắm vào máu thịt nó bây giờ thì sau này tôi có hối cũng muộn.
Vậy là tôi dừng lại ngay sự thất vọng buồn bã của mình mà giả đò vui vẻ hớn hở. Tôi tỏ ra vui sướng như mình sắp có một đứa con mà mình biết trước nó sẽ trở thành thiên tài vậy; và tất nhiên như vậy thì tôi mong chờ nó lắm chứ sao.
Về đến nhà tôi vui vẻ cho gia đình hay tôi sắp chào đón thêm một cô con gái. Mới đầu họ còn thấy lạ là làm sao tôi vui được như vậy; nhưng rồi họ cũng tin tưởng rằng tôi vui thật bởi vì lúc đó đúng là tôi đã vui trở lại thực.
Cô em chồng tài giỏi, xinh đẹp
Chồng tôi có một người em gái, cô ấy là một cô gái rất đặc biệt: Khuôn mặt cô hiền dịu khả ái, đôi mắt tinh anh; vầng trán cao, mũi thẳng, môi miệng cân đối, da dẻ trắng trẻo và hình dáng cao ráo xinh đẹp.
Cô còn tài hoa không thể tưởng tượng được. Cô khéo may vá, cô có thể tự thiết kế và may ra những mẫu trang phục tinh tế chuyên nghiệp lạ thường dù cô chưa bao giờ đi học về nghề may. Cô lại còn biết vẽ tranh, những tranh cô vẽ rất thật và rất đẹp. Cô hát hay, nấu ăn khá tỉ mỉ. Hầu như tất cả những cái gì cô thích cô đều có thể tự học được. Cô là một kỹ sư xây dựng.
Nhưng cái mà tôi phục cô không phải là cái tài mà là tính tình của cô. Cô rất kiệm lời, hiếm khi nào tôi nghe cô nói gì về người khác và càng không bao giờ cô nói gì về bản thân mình. Hỏi cô một câu nào tôi phải chờ hơi lâu một chút vì cô thường không trả lời nhanh; dường như trước mỗi câu trả lời cô đều có sự cân nhắc. Mà cái mục đích của việc cân nhắc đó đa phần là vì không muốn vô tình đụng chạm hay tổn thương tự ái người khác. Điều này thì về sau tôi mới nhận ra được chứ lúc ban đầu tôi khó chịu lắm; vì tưởng cô không muốn trả lời, lầm là do cô chảnh.
Tôi bị tâm tật đố giày vò
Tính tôi vốn bộp chộp lắm mà khi ở gần cô tôi cũng không còn có thể bộp chộp được. Cô từng nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi, cô nói: “Muốn nhanh thì phải từ từ”. Khi tôi hỏi cô làm sao cô có thể làm được cái này, cái nọ, cô đáp: “Thì cứ làm từ từ rồi nó cũng ra hà”. Cô nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng nhẹ nhàng; và dường như tôi chưa bao giờ thấy cô nổi nóng sau nhiều năm quen biết… chỉ có khi lái xe thì cô phóng hơi nhanh.
Cô là một người thành công trong học vấn, trong sự nghiệp và trong đời sống… mà tất cả những bí quyết của cô có thể gói gọn lại trong hai chữ: ‘Từ từ’. Cái ‘từ từ’ của cô là cái từ từ minh triết chứ không phải cái từ từ chậm chạp của kẻ vụng về hay lười biếng.
Và xin thú thực, tôi ghét cô lắm!
Tại sao thì không nói chắc ai cũng hiểu, có một người phụ nữ nào lại thích nổi một người phụ nữ mà từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đều hơn mình đâu? Tôi không ưa cô, nhưng tôi luôn phải chôn giấu điều ấy sâu tận đáy lòng vì tôi biết như vậy là hèn mọn. Nhưng sống như vậy quả thực là khổ sở lắm; cái đố kỵ với sự vẹn toàn của người khác nó giày vò người ta hơn rất nhiều thứ khổ nạn trên đời như đau ốm hay nghèo túng…
Tôi lại phải dùng hạ sách ‘giả đò’
Và tôi thầm lo sợ nếu mãi như vậy thì mình dễ trở thành kẻ tiểu nhân mất; nên tôi phải tìm cách tự cứu lấy mình. Tôi nhớ lại kế “giả đò”; hòng làm cho thái độ bên ngoài có thể cải biến được tâm trạng bên trong. Tôi giả đò yêu quý cô, thương mến cô, ngưỡng mộ cô; tôi dành lời khen chân thật nhất cho tất cả những thành quả thực sự đáng nể mà cô tạo được; tôi nhìn nhận hết thảy những tính tốt của cô và những thành công của cô.
Tôi nhận ra một điều là con người ta có thể dễ dàng phủ định người khác nhưng lại rất khó có thể phủ định chính mình; mà tôi thì cứ tỏ ra quý cô mãi nên lâu dần tôi cũng không thể tự phủ định tôi nữa. Dần dà tôi quý cô thật, ngưỡng mộ cô thật; và tôi hiểu rõ ràng là cô rất xứng đáng với sự ngưỡng mộ đó. Một ngày kia tôi giật mình nghĩ: “Người tốt đến vậy, tài đến vậy mà mình không thể quý trọng thì mình là thứ rác rưởi gì đây?”
Vạn bất đắc dĩ, bạn cũng thử ‘giả đò’ một lần xem sao
Một ngày mẹ chồng tôi thắc mắc hỏi: “Con không có tính đố kỵ nhỉ?”
Bà chưa bao giờ nhận thấy điều đó xuất hiện ở tôi nên hỏi vậy vì bà biết xung quanh có lắm người đố kỵ với đứa con gái rất đặc biệt của bà. Tôi chỉ cười mà không biết trả lời ra sao cả; bà nào biết tôi đã phải dùng đến hạ sách “giả đò” để vượt qua những ngày tháng bị tâm đố kỵ đó hành hạ.
Tâm tật đố, tâm đố kỵ thì chắc là ai cũng có, chỉ là khác nhau kẻ ít người nhiều; kẻ biết nó xấu và cố bài trừ; kẻ cho là bình thường và bị nó cuốn vào đau khổ. Nếu tâm bạn rất tốt và có thể vượt qua được nó rồi thì thôi; bằng chưa có cách nào vượt qua nó thì mời bạn thử dùng hạ sách “giả đò” này của tôi xem sao.