Người xưa có câu: “Một điều nhịn chín điều lành”; nhẫn nhịn không phải là nhu nhược mà là người đó đang sở hữu tấm lòng nhân hậu, bao dung.
Từ những kinh nghiệm xương máu của thực tế cuộc sống mà người Hán đã sáng tạo ra cách viết chữ nhẫn: chữ đao (con dao) ở trên và chữ tâm (con tim) ở dưới. Lưỡi dao ấy ở ngay trên tâm. Và nếu như khi gặp mâu thuẫn mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đau đớn; có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…
Hai câu chuyện về lòng nhẫn nhịn dưới đây là minh chứng cho thấy giá trị của “lùi một bước” để một đời an nhiên.
Tấm lòng đại nhẫn của Hàn Kỳ
Hàn Kỳ là tể tướng thời Bắc Tống. Tính tình của Hàn Kỳ rất chất phác và đôn hậu, lòng dạ rộng rãi, luôn khoan dung độ lượng đối xử với mọi người. Ông từng nói: “Việc lớn muốn thành phải nhẫn việc nhỏ”. Vào thời Hàn Kỳ đóng quân tại Định Châu, có một lần ông đang ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm một ngọn nến đứng bên cạnh ông để chiếu sáng.
Binh sĩ này đứng cầm nến nhưng mắt lại nhìn đi chỗ khác, không ngờ nến bị nghiêng và đổ xuống đầu làm cháy tóc của Hàn Kỳ. Hàn Kỳ chỉ dùng ống tay áo dập lửa và lại tiếp tục viết thơ. Một lát sau, ông phát hiện binh sĩ cầm nến ban nãy đã được đổi thành người khác. Bởi vì, cấp trên của binh sĩ ban nãy sợ bị trách phạt nên đã cho đổi người. Hàn Kỳ thấy vậy lập tức nói:
“Không cần đổi, bây giờ cậu ấy đã biết cầm nến rồi!”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đoàn đều hết sức bội phục lòng bao dung độ lượng của Hàn Kỳ.
Nhẫn nhịn bởi hiểu quy luật vạn vật tồn vong là có quy luật
Lúc Hàn Kỳ đóng quân ở Đại danh phủ, có người biếu ông hai chiếc cốc ngọc quý giá. Họ nói rằng đó là bảo vật có một không hai trên thế gian. Hàn Kỳ liền dùng bạch kim để cảm tạ người biếu ngọc. Ông rất yêu thích hai chiếc chén ngọc này, mỗi khi có tiệc chiêu đãi khách, ông đều cho người mang chén ngọc ra để trưng bày cho mọi người cùng được thưởng thức.
Một hôm, Hà Kỳ có việc tiếp đón 2 vị khách quý. Ông đã dùng hai chiếc chén ngọc này để mời khách uống rượu. Nhưng đột nhiên một người hầu trong lúc đi lại đã không cẩn thận đã đụng phải cái bàn và làm hai chiếc chén ngọc rơi vỡ. Những vị khách đều giật mình; còn người hầu kia thì vô cùng sợ hãi và đã sẵn sàng chấp nhận chịu sự trừng phạt.
Hàn Kỳ khi ấy sắc mặt không thay đổi. Ông cười và nói với những vị khách: “Sự tồn vong của bất kể vật nào đều là có quy luật!”.
Sau đó ông lại quay sang nói với người hầu rằng: “Ngươi là do sơ xuất mà gây nên, thực sự không phải ngươi cố ý. Có ai mà không sơ suất đâu?”. Tất cả những người chứng kiến đều bội phục đức hạnh và lòng khoan dung của ông mãi không thôi.
Tâm nhẫn nhịn tai họa tự khắc rời xa
Vương Dương Minh là một nhà hiền triết lỗi lạc của triều Minh. Ông tinh thông Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo; hơn nữa còn dẫn quân chinh chiến. Có thể nói ông là người văn võ toàn tài. Tâm học của ông từng có ảnh hưởng sâu rộng ở cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Vào những năm Chính Đức nhà Minh, Chu Thần Hào khởi binh phản kháng triều đình. Vương Dương Minh dẫn quân chinh phạt bắt được Chu Thần Hào, lập công lớn. Nhưng lúc ấy, Giang Bân là người mà Hoàng đế sủng tín lại vô cùng ghen tị với công trạng của Vương Dương Minh.
Giang Bân cho rằng Vương Dương Minh muốn tranh danh vọng với mình liền tung tin đồn: “Ban đầu Vương Dương Minh và Chu Thần Hào cùng làm phản. Sau này nghe nói triều đình phái quân đi nên mới bắt Chu Thần Hào.”
Vương Dương Minh nghe được những lời này thì cũng không cố gắng tuyên dương bản thân. Ông giao Chu Thần Hào cho Tổng đốc Trương Vĩnh, lại báo cáo lên Hoàng đế rằng công lao bắt Chu Thần Hào là của binh sĩ và Trương Vĩnh. Cũng bởi vậy mà Vương Dương Minh tránh được bị Giang Bân hãm hại.
Vương Dương Minh cáo bệnh đến chùa Tịnh Tử tĩnh dưỡng. Sau khi Trương Vĩnh trở lại, triều đình đã ra sức ca ngợi lòng trung thành và nghĩa cử nhường công lao của ông.
Vương Dương Minh “lùi một bước” mà tránh được họa không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác; nhờ đó bảo toàn được đại cục.
Nhẫn nhịn là chìa khóa của hạnh phúc
Người xưa có câu “Lùi một bước, biển rộng trời cao, nhường ba phân trời quang mây tạnh” vậy. Trong kiếp người ngắn ngủi này, nếu học được cách nhẫn nhịn, cuộc sống của chúng ta trở nên vui vẻ. Khi đó chúng ta mới biết trân trọng và càng thấy hạnh phúc khi có được cơ hội làm người.
Trong giá đình vợ chồng nhẫn nhịn nhau sẽ tạo được hoàn cảnh “thuận vợ thuận chồng”; không khí gia đình vì thế mà trở nên hạnh phúc. Trong môi trường xã hội, bạn bè nhẫn nhịn nhau sẽ ít mâu thuận; từ đó mà thêm bạn, bớt thù. Hạnh phúc chẳng từ đó mà ra?
Khi đỗi diện với thiếu sót của người khác ta nên chỉ rõ cho người khác thấy hạn chế của họ; tuy nhiên không nên dùng thái độ chì chiết xoáy sâu vào nhược điểm của người khác. Hãy dùng lòng khoan dung, rộng lượng để có thể tha thứ cho người khác. Vì vậy, nhẫn nhịn không chỉ là trí huệ mà còn là ý chí đại nhẫn của người quân tử.
Nhẫn nhịn không phải là hèn nhát hay nhu nhược; nhẫn nhịn là biểu hiện của tấm lòng bao dung rộng lớn luôn biết lấy thiện đãi người.