Chúng ta đều đã quá quen thuộc với cây thông Noel, nhưng không phải ai cũng biết được tại sao cây thông lại được chọn làm cây Giáng sinh.
Theo các tài liệu lịch sử và truyền thuyết, cây Giáng sinh xuất hiện từ thế kỷ thứ 8. Nó có liên quan đến Cơ Đốc giáo, thông qua những câu chuyện về Thánh Boniface.
Sự tích Thánh Boniface và cây sồi
Thánh Boniface (675–754) tên khai sinh là Wynfreth, là một tu sĩ người Anh, tu theo dòng thánh Benedict, tới Đức để truyền bá đạo Cơ Đốc.
Dù trải qua vô vàn thử thách nhưng ông đã thành công trong việc cải đạo cho các các nhóm ngoại đạo người Đức của đế quốc Frank.
Thánh Boniface sau đó tới Rome và gặp Giáo hoàng Gregory II. Khi trở về Đức vào năm 723, lúc đang du hành qua Geismar, ông rất thất vọng vì người dân xứ đó lại quay trở lại với tôn giáo cũ của họ. Để chuẩn bị cho ngày Đông chí, họ chuẩn bị hiến tế một cậu bé tại cây sồi dành riêng cho Thor, con trai của Odin.
Thánh Boniface phẫn nộ khi thấy mạng sống của một cậu bé vô tội sắp bị lấy đi. Ông cầm chiếc rìu và chặt vào cây sồi to lớn. Cái cây đổ xuống một cách dễ dàng, gãy làm bốn trước khi đổ xuống.
Mọi người kinh ngạc nhìn, nhận ra bàn tay của Chúa và thấy Thor không hạ gục Boniface. Họ hỏi Thánh Boniface rằng họ nên làm gì để đánh dấu ngày hạ chí và tổ chức lễ Giáng sinh. Thánh Boniface chỉ vào một cây thông gần đó, chiếc cây duy nhất đã không bị tổn thương một cách kỳ diệu lúc cây sồi đổ, dặn họ rằng hãy tôn kính cây đó như cây Thánh.
Thánh Boniface còn nói thêm: “Những chiếc lá xanh của nó tượng trưng cho hòa bình và sự bất tử. Thân cây tượng trưng cho Thiên Quốc của đức Chúa Trời vì hình nón hướng lên trời”.
Người ta kể rằng Thánh Boniface sau đó đã treo những quả táo lên cây để tượng trưng cho Vườn Địa Đàng và đặt những ngọn nến thắp sáng trên đó để biểu thị cho ánh sáng của Chúa.
Nguồn gốc của cây Giáng sinh
Câu chuyện của Thánh Boniface nhanh chóng lan truyền khắp xứ và người ta còn gọi cây thông là “cây thiên đường”. Đến thời trung cổ, “cây thiên đường” đã trở thành một phần của nghi lễ Thiên Chúa giáo ở Đức. Vào dịp Giáng sinh, người ta treo táo lên cây thông để kỷ niệm ngày 24 tháng 12.
Người ta cũng treo những tấm bánh xốp lên, tượng trưng cho dấu hiệu cứu chuộc của Cơ Đốc giáo và những ngọn nến tượng trưng cho Chúa Kitô và ánh sáng của Đức Chúa Trời.
Trước đây, để trang trí cho ngày lễ Giáng sinh, người ta thường tạo ra các cấu trúc hình kim tự tháp làm bằng gỗ với các kệ để đựng các bức tượng nhỏ và nến.
Họ sẽ trang trí xung quanh bằng những chiếc lá xanh và đặt một ngôi sao trên đỉnh tượng trưng cho Ngôi sao Bethlehem đã dẫn đường cho ba nhà thông thái đến nơi giáng sinh của Chúa Giêsu. Người ta còn làm các thiên thần và đặt một thiên thần lên trên cùng, để mô tả cảnh thiên thần Gabriel đã báo tin cho những người chăn cừu về sự ra đời của Chúa.
Các tháp gỗ có thể xoay chuyển và thường được sử dụng trong các vở kịch kể câu chuyện về Thánh Boniface và cây sồi, cũng như những câu chuyện Kinh Thánh cho những người không biết đọc.
Sau này, người ta dùng cây Thiên đường thay cho các cấu trúc gỗ hình kim tự tháp, và gọi là cây Giáng sinh hay “cây thông Noel” .
Lịch sử ghi lại cây Giáng sinh đầu tiên là vào năm 1419. Chúng được trang trí bằng táo, đồ ăn vặt và bánh quy gừng nướng với nhiều hình dạng khác nhau. Nó được làm bởi Hội những người học nghề làm bánh ở Freiburg, Đức.
Lần đầu tiên cây thông Noel được trang trí và đặt trong nhà vào lễ Giáng sinh là do Martin Luther (1483–1546).
Câu chuyện về Martin Luther và cây thông Noel
Martin Luther là một linh mục, nhà thần học, tác giả thánh ca, giáo sư người Đức. Ông còn được biết đến như là người thúc đẩy cuộc cải cách Tin lành thế kỷ 16.
Chuyện kể rằng vào một đêm mùa đông năm 1536, Martin Luther đang đi bộ qua một khu rừng thông gần nhà ở Wittenberg, ông nhìn lên bầu trời và bị mê hoặc bởi cảnh tượng hàng ngàn ngôi sao nhấp nháy như những viên ngọc lấp lánh xuyên qua những cành cây.
Quá kinh ngạc nên ông đã lấy một cây thông trong rừng mang về nhà và thắp nến. Ông kể cho gia đình nghe về trải nghiệm của mình trong rừng và cho biết cái cây lấp lánh dưới ánh nến là lời nhắc nhở về bầu trời đầy sao nơi Chúa Giêsu giáng sinh.
Một số người cho rằng truyền thuyết về Martin Luther chỉ là một câu chuyện dân gian và không có giá trị gì, mặc dù đây là một câu chuyện đẹp.
Đến năm 1605, cây Giáng sinh đã trở nên rất phổ biến ở Đức.
Cây Giáng sinh đầu tiên ở Anh
Nữ hoàng Charlotte, vợ của Vua George III, được ghi nhận là người đầu tiên ở Anh dựng cây thông Noel trong nhà.
Năm 1800, Nữ hoàng Charlotte dự định tổ chức một bữa tiệc Giáng sinh lớn dành cho những gia đình giàu có, quyền quý và con cái của họ.
Nghĩ đến một món quà sẽ mang lại cho bọn trẻ nhiều niềm vui, nên bà dựng một cây thông được trang trí bằng nến thắp sáng, kẹo, đồ ăn vặt và dây kim tuyến ở giữa phòng khách.
Tiến sĩ John Watkings, một trong những người từng tham dự bữa tiệc của nữ hoàng, đã miêu tả về sự kiện này: “Trên cây thông được treo những chùm kẹo, hạnh nhân và nho khô bọc trong giấy; hoa quả và đồ chơi được sắp xếp một cách trang nhã; toàn bộ được chiếu sáng bằng nến sáp. Sau khi cả nhóm đi dạo xung quanh và chiêm ngưỡng, mỗi đứa trẻ nhận được một phần kẹo cùng một món đồ chơi, rồi tất cả đều vui vẻ trở về nhà.”
Kể từ đó, cây thông Noel đã trở nên cực kỳ phổ biến trong giới quý tộc và tầng lớp thượng lưu.
Khi Nữ hoàng Charlotte qua đời vào năm 1818, truyền thống trang trí cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, phải đến những năm 1840, xã hội chính thống ở Anh mới biết đến phong tục này và áp dụng nó.
Từ những năm 1850, cây Giáng sinh đã trở thành một phần không thể thiếu của ngày lễ Noel, và tới tận ngày nay điều đó vẫn được duy trì và phổ biến trên khắp thế giới.
Theo Vison Times