Người xưa hay nói “tích đức thất đức”, “hành thiện tích đức”, vậy rốt cuộc thì đức là gì? Tại sao lại được cổ nhân coi trọng đến vậy?
Đức là gì?
Theo tiếng Hoa thì chữ Đức – 德 gồm bộ Xích – 彳(bước nhỏ), chữ Thập – 十 (mười), chữ Mục – 目 (mắt), chữ Nhất – 一 (một), và chữ Tâm – 心 (tim) hợp thành.
Trong “Thuyết văn giải tự” có giải nghĩa rằng: “Đức, thăng dã”, nghĩa là “Đức có nghĩa là lên cao”. Câu này có hàm ý rằng, đạo đức, tâm tính của con người cần thăng hoa lên cao.
Mà muốn tâm tính thăng hoa lên cao thì phải không ngừng tu dưỡng hằng ngày, do đó chữ Đức mới có bộ Xích – 彳, nghĩa là bước đi từng bước nhỏ. Ý muốn nói rằng, sự đề cao của con người phải liên tục không ngừng lại, tiến bộ từng chút một.
Bên phải chữ Đức là “Thập mục nhất tâm” – 十目一心 – mười mắt một lòng.
Chữ Nhất – 一 tuy chỉ một nét đơn giản nhưng lại là phức tạp nhất. Trong “Thuyết văn giải tự” thì chữ Nhất được giải nghĩa nhiều nhất, trong đó có nói rằng: “Ban đầu Thái cực, Đạo hình thành từ Nhất, tạo thành phân chia Trời Đất, hóa thành vạn vật”. Do đó chữ Nhất là thủy tổ của vạn vật, là cội nguồn của tất cả mọi vật. Từ Nhất phái sinh ra âm dương, phái sinh ra Trời Đất. Chữ Nhất này chính là để phân chia Trời Đất, trên là Trời, dưới là Đất.
Còn chữ Thập là “Thập phương thế giới, tứ diện bát phương”, nghĩa là “Thế giới 10 phương, 4 mặt 8 phương”.
Như vậy ở trên chữ Nhất là “Thập Mục”, nghĩa là khắp trên Trời đều là con mắt. Còn ở dưới chữ Nhất là chữ Tâm – 心, nghĩa là ở dưới đất là nhân tâm – tâm con người. Do vậy có nghĩa là mắt Trời đang nhìn vào lòng người.
Cổ nhân nói “Trên đầu ba thước có Thần linh”, “Mắt Thần như điện”, chính là nói mắt Trời ở đâu cũng có, khắp Trời đều đang nhìn xuống dưới Đất.
Từ đây có thể thấy rằng, bất kể có người nhìn thấy hay không, có pháp luật truy cứu hay không, thì hành vi của con người đều phải hợp với lẽ Trời, đây mới là Đức chân chính.
Lão Tử giảng: “Vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quý Đức”, nghĩa là “Vạn vật không gì là không tôn quý Đạo và Đức”. Vạn vật không có Đạo thì không sinh, không có Đức thì không thành. Vạn vật có thể sinh sôi phát triển đều là nhờ vào sự dưỡng dục của Đạo Đức.
Theo Phật Gia thì đời người sướng hay khổ đều được quyết định bởi Đức. Đức nhiều hay ít sẽ quyết định phúc phận và vận mệnh của con người. Bởi vậy mà người xưa hay nói “có đức mặc sức mà ăn”, “Người có đức thì được, kẻ thất đức thì mất”.
Vậy như thế nào mới là một người có đức?
Trong “Thượng thư – Cao Đào mô” có nói về 9 loại phẩm đức: “Khoan dung mà lại cẩn thận; ôn hòa nhưng vẫn có chủ kiến riêng; cẩn trọng mà lại cung kính; có khả năng trị loạn mà lại thận trọng; biết tiếp thu ý kiến nhưng vẫn cương nghị; làm người chính trực mà lại có thái độ ôn hòa; thẳng thắn khoáng đạt nhưng biết giữ chừng mực; ngay thẳng không nghiêng lệch mà lại đầy đủ; kiên cường bất khuất mà lại phù hợp với đạo nghĩa”.
Trong “Thượng thư – Hồng phạm” viết về Tam Đức: “Một là chính trực, hai là cương khắc, ba là nhu khắc”.
Trong “Chu lễ – Địa quan” có viết về Lục Đức – 6 loại đức hạnh: “Tri, nhân, thánh, nghĩa, trung, hòa”.
Trong “Luận ngữ” Khổng Tử nói về Ngũ Đức: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
Nâng cao đạo đức thì xã hội mới có thể tốt đẹp trở lại
Người xưa tôn kính Thần Phật, tuân theo Đạo mà giữ được Đức, nhờ vậy mà phúc phận nhiều. Trong con mắt của người xưa thì Đức là một thứ rất thực chất, vậy nên mới nói “tích đức”; thật khác với người ngày nay khi nói về Đức thì lại cho là thứ hư vô, tồn tại trong tưởng tượng của con người.
Khi không coi trọng Đức thì người ta rất dễ phóng túng bản thân, tùy tiện muốn gì làm nấy. Nhìn vào xã hội ngày nay khi mà đạo đức trượt dốc; pháp luật đề ra ngày càng nhiều, đến mức đụng đâu cũng sợ phạm luật, vậy nhưng tại sao người ta vẫn cứ phạm pháp? Các nhà quản lý đau đầu không tìm ra giải pháp, càng làm càng rối. Vấn đề thực sự chính là nằm ở đạo đức. Đạo đức con người nếu có thể đề cao trở lại thì xã hội tự nhiên sẽ tốt đẹp.
Có người ngày nay chế giễu: “Đức là gì? Có mài ra ăn được không?”. Đức quả thực có thể mang lại mọi thứ cho con người; người vô đức thì rồi cái gì cũng mất, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Tổng hợp