Người xưa cho rằng giữ lời hứa là việc rất hệ trọng, quân tử không thể thất hứa, làm không được thì không thể tùy tiện nói.
- Quân tử như ngọc quý, ôn hòa mà sáng suốt
- Bạn có là người quân tử không? 8 phẩm chất của người quân tử
Âm thầm nhận lời, hết lòng thực hiện
Vào thời nhà Hán, khi Chu Huy đang học trường Thái Học (cấp học cao nhất thời xưa) thì làm quen với một vị bằng hữu tên là Trương Kham. Trương Kham khâm phục phẩm hạnh của Chu Huy, nên rất coi trọng anh. Nhưng Chu Huy cho rằng mình chỉ là một cậu học trò trường Thái Học, trong khi Trương Kham quan chức hiển hách; vì vậy không dám cùng ông qua lại quá thân mật.
Có một lần, Trương Kham nói với Chu Huy rằng, anh thực là một người biết tự kiềm chế, đáng tin cậy, tôi có thể đem vợ con của tôi phó thác cho anh. Bởi vì Trương Kham là một vị tiền bối đức cao vọng trọng, nên đối với những lời xem trọng này thì Chu Huy không biết nên phản ứng như thế nào; chỉ biết chắp tay cung kính mà đáp lễ vậy thôi.
Sau khi Trương Kham qua đời, bởi vì là quan thanh liêm nên không có lưu lại tài sản gì. Chu Huy nghe nói gia đình của ông rất khó khăn, nên thường xuyên qua lại ghé thăm; cũng lấy tiền lương của ông mà biếu tặng.
Con trai của Chu Huy không hiểu nên mới hỏi cha: “Cha và Trương Kham có kết giao thâm sâu lắm ạ? Con từ trước đến nay cũng chưa từng nghe qua việc này”. Chu Huy nói: “Trương Kham từng có lời ủy thác đối với cha, trong tâm cha thì đã nhận lời rồi!”.
Vô tư giúp người, ông Trời ban phúc
Chu Huy còn có một người bằng hữu tên là Trần Ấp. Trần Ấp qua đời rất sớm, để lại một người con trai tên là Trần Hữu. Chu Huy vì vậy mà cũng hết sức trợ giúp cho con trai của Trần Ấp.
Một lần nọ, Thái thú Nam Dương mời con trai của Chu Huy ra làm quan. Chu Huy không để con trai của mình làm mà lại đề cử Trần Hữu.
Có một năm, Nam Dương phát sinh nạn đói, Chu Huy lấy hết tiền tài trong nhà ra cứu đói cho người dân xung quanh. Về sau Chu Huy làm đến chức thượng thư; con trai của ông là Chu Hạm làm thừa tướng; cháu trai của ông là Chu Mục làm thứ sử Ký Châu. Mọi người nói rằng đây là do Chu Huy biết giữ lời hứa, lấy việc trợ giúp người khác làm niềm vui nên mới được hưởng phúc như vậy.
Giữ lời hứa, không tham tiền tài
Lại có một câu chuyện khác kể về Dương Công, cha của danh thần Dương Bác thời nhà Minh. Dương Công là một thương nhân, từng tại Hoài Dương làm ăn buôn bán. Lúc ấy có một vị từ Quan Trung đi đến để buôn bán muối, mang theo 1000 đồng tiền vàng gửi tại nhà của Dương Công; nhờ Dương Công tạm thời giữ giúp.
Không ngờ vị thương nhân bán muối này lại một đi không trở lại. Dương Công không biết làm sao mới phải; liền đem một ngàn đồng vàng này chôn ở trong chậu hoa, phía trên vẫn trồng hoa như bình thường. Sau đó ông phái người đến Quan Trung tìm hiểu. Về sau tìm thấy nhà của vị thương nhân kia; nhưng không ngờ là người này đã qua đời, trong nhà chỉ có một người con trai.
Dương Công sau khi biết được việc này, liền mời con trai của vị thương nhân đó đến nhà mình, chỉ vào số tiền trong bồn hoa và nói: “Đây là cha của anh lúc sinh tiền đã ký thác cho tôi. Bây giờ giao lại cho anh mang về!” Con trai của vị thương nhân cảm thấy rất ngạc nhiên, không dám nhận.
Dương Công nói: “Đây là tài vật của nhà anh, hà tất phải từ chối?” Vì vậy đã nói ra nguyên do. Con trai của vị thương nhân vô cùng cảm động, khấu đấu tạ lễ rồi mang số tiền kia trở về nhà.
Con cháu hiển đạt, lưu danh muôn đời
Về sau Dương Công sinh được một người con trai tên là Dương Bác, thi đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Lại bộ thượng thư. Con trai của Dương Bác là Dương Tuấn Dân cũng đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư. Dương Công nhận ký thác mà không tham lam, mặc dù cũng không có ai làm chứng, chẳng trách cuối đời con cháu hiển đạt, được lưu danh muôn đời.
Người xưa giữ lời hứa, ngôn hành nhất trí, đối với một lời giao phó thì có thể suốt đời không quên.
Theo Epoch Times
Xem thêm Video: