Một người thực sự ưu tú cũng giống như là mưa xuân tốt lành hay một bản nhạc êm dịu, mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu cho người khác.
- Quân tử như ngọc quý, ôn hòa mà sáng suốt
- Bậc quân tử như hoa mai đỏ trong tuyết lạnh, như tùng bách xanh tốt quanh năm
Người càng ưu tú càng làm cho người khác thấy thoải mái
Trong “Thái căn đàm” có viết: “Trong xử thế, nhường người một bước là cao; lùi lại một bước tức là sắp có sự tiến bộ; đối đãi với người, khoan dung một phần là phúc; làm lợi cho người là cái gốc cho lợi ích của chính mình”.
Cũng có người nói: “Người càng ưu tú càng làm cho người khác thoải mái”. Quả thực, bất kể gặp phải vấn đề lớn như thế nào, người ưu tú đều có thể hóa giải nó bằng một năng lực vô hình. Để cho người khác cảm thấy thoải mái, đây cũng là một nhân cách lớn nhất của đời người. Người có thể làm cho người khác cảm thấy dễ chịu thì nhất định là sẽ biết cảm thông và thấu hiểu người khác.
Tử Hạ, học trò của Khổng Tử, đã đánh giá Khổng Tử là “Nhìn xa thì thấy trang nghiêm, đến gần thì thấy ôn hòa”. Sức hấp dẫn của người quân tử đến từ sự phong phú, ôn hòa bên trong, nó là một chủng cao quý phát tán ra xung quanh và khiến mọi người cảm thấy dễ chịu.
Một người từ ngoài vào trong có thể chia làm 5 tầng: Dáng vẻ, năng lực, tính khí, phẩm cách, tâm tính. Nhìn người trong thiên hạ thì cũng từ 5 tầng này mà ra: Bắt đầu bởi vẻ bề ngoài, kính trọng bởi tài hoa, hợp nhau bởi tính cách, lâu dài bởi nhân phẩm, có thể đi đến cuối cùng là nhờ thiện lương.
Người thực sự ưu tú thường tỏ ra rất bình thường
Trong cuộc sống, có hai loại người hoàn toàn trái ngược nhau. Có người chỉ sợ người khác thoải mái, tận lực khiến cho người khác khó chịu; họ chỉ cần chính bản thân họ thoải mái là được rồi. Lại có người luôn sợ người khác khó chịu, cố sức để làm hài lòng người khác, dù cho chính bản thân mình phải chịu mệt mỏi.
Bên cạnh bạn có ai giống như vậy không? Họ có thể rất bình thường, có lẽ tài năng cũng không xuất chúng, nhưng lại có một sức hấp dẫn rất đặc biệt; khiến cho bạn muốn đến gần họ, buông tâm phòng bị, bày tỏ hết bí mật trong lòng. Họ khiến cho bạn cảm thấy vô cùng thoải mái, giống như nghe một bản nhạc êm dịu; giống như uống một ly trà đậm đà hương sắc; giống như một đóa hoa lặng lẽ khai nở, cứ thế để cho thời gian lặng lẽ trôi…
Người tầng thứ càng cao càng biết tôn trọng người khác
Người tầng thứ càng cao càng biết tôn trọng người khác. Bạn không để cho người khác thoải mái, người khác cũng lại khiến cho bạn không thoải mái. Nhiều người cứ đi khắp nơi làm cho người khác khó chịu, họ thể hiện ra những tính cách ích kỷ của bản thân và nói rằng đó là sự chân thật; họ lấy việc áp chế người khác để thể hiện sự ưu việt của bản thân. Thực ra người càng khiêm tốn, càng từ bi lại càng được người khác đánh giá cao. Bạn càng cố thể hiện thì chỉ càng khiến người khác chê cười.
Có một vị đại sư từng nói rằng: “Nếu thực sự là người tu Đạo, sẽ không nhìn ra thế gian”. Không nhìn ra thế gian là bởi vì chỉ quan tâm động tĩnh lòng mình, xem tâm thái có thanh tịnh hay không.
Trong “Thái căn đàm” có viết: “Văn chương đến chỗ cực điểm, không gì khác chính là vừa vặn; nhân phẩm đến chỗ cực điểm, không gì khác chính là bản nhiên”. Đạt tới bản nhiên thì cũng như đắc Đạo. Chúng ta có thể không phải là người đắc Đạo, nhưng ít ra cũng biết nhìn vào nội tâm của mình để sửa đổi dần dần.
Người thực sự ưu tú chính là người có tu dưỡng
Cổ nhân nói “đại trí nhược ngu”, người thông minh nhất lại giống như là ngốc nghếch. Cái ngốc này không phải là ngốc thật, mà là biết thuận theo tự nhiên; thể hiện ra là cái bản tính ngây thơ thuần chân của con người; tưởng là ngốc nghếch nhưng lại phù hợp với Đạo. Mà phù hợp với Đạo thì tự nhiên sẽ làm cho người khác cảm thấy thoải mái.
Mâu thuẫn giữa người với người thì đa phần đều đến từ sự khác biệt về quan điểm. Người càng ưu tú lại càng có thể bao dung với sự khác biệt; vì vậy mà ai nói chuyện với họ cũng cảm thấy được tôn trọng. Đối với người ưu tú thì đúng sai không quá quan trọng, vì suy nghĩ người ta sẽ thay đổi theo thời gian; quan trọng là đối phương đang muốn sửa đổi để tốt hơn, như thế là được rồi!
Sở dĩ người tâm địa hạn hẹp hay làm người khác khó chịu là vì họ hay tranh luận đúng sai, luôn tự cho là mình đúng. Họ tự bao dung lấy chính mình đã là điều khó khăn, nên thật khó mà có thể bao dung thêm được ai nữa.
Người thực sự ưu tú chính là một người có tu dưỡng, nó xuất phát từ bên trong chứ không phải là hình thức bên ngoài.
Theo Vision Times
Xem thêm video: