Giữa thời đại hào nhoáng, danh sư thì dễ kiếm, minh sư mới khó tìm. Minh sư như ngọn đèn dẫn lối, xua tan mê mờ, soi sáng con đường thoát khỏi những cạm bẫy của nhân sinh.
Con người thời nay đều theo đuổi danh lợi, mọi ngành nghề trong xã hội đều xuất hiện rất nhiều người nổi tiếng.
Thế nhưng, người mê danh lợi cũng bị danh lợi làm khổ, hỏi thế gian có mấy người “làm thầy” mà giữ được chí hướng thanh đạm, không dao động trước vinh nhục, tâm hồn bình lặng như nước?
Bởi thế, không phải người thầy nổi tiếng nào cũng hiểu rõ đạo lý. Danh sư thì dễ kiếm, minh sư mới khó tìm.
Thế nào là minh sư?
Lão Tử nói: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh.” Nghĩa là: Biết người là kẻ trí, biết mình là sáng suốt.
Một người nếu bị danh lợi trói buộc, cho dù có ánh hào quang của thiên tài, cũng khó mà đắc được trí tuệ hiểu người và tự hiểu chính mình. Cả đời cũng không cách nào đạt đến cảnh giới tinh thần của bậc minh triết.
Một người muốn minh tỏ chính mình, là người có thể tu, có thể ngộ, ấy là điều kiện tiên quyết.
Chữ ngộ – 悟 trong Hán tự gồm bộ tâm – 心 bên trái, và chữ ngô – 吾 bên phải – tức là cái tôi. Một người phải ngộ trước, nhìn rõ bản ngã sâu trong nội tâm, sau đó mới có thể tự hiểu mình.
Vì vậy, người nổi tiếng thì nhiều, nhưng người sáng suốt thì không nhiều; còn minh sư thì lại càng hiếm – có duyên mới gặp, không thể cưỡng cầu.
Chữ minh – 明 bên trái là nhật – 日, bên phải là nguyệt -月. Mặt trời và mặt trăng đều là nguồn sáng của thế gian. Người sáng suốt và minh sư, nơi họ đến, tựa như ngọn hải đăng giữa đêm đen, soi sáng khắp mười phương thế giới.
Người làm thầy, làm gương cho người khác, nhất định phải có năng lực truyền dạy đạo làm người, truyền thụ tri thức, và giải đáp những khúc mắc trong học vấn. Nếu không có những năng lực ấy, e rằng sẽ mang tiếng là làm hỏng học trò.
Cổ nhân có câu: “Người làm thầy có thể chia làm ba hạng: bậc thượng sĩ lấy đạo mà chỉ dẫn người, bậc trung sĩ lấy đức mà chỉ dẫn người, bậc hạ sĩ lấy kỹ xảo mà chỉ dẫn người.”
Bậc thầy thượng sĩ tôn kính đại đạo, pháp lý phân minh, có thể dẫn người hướng đạo – đó mới là bậc minh sư chân chính.
Bậc thầy trung sĩ coi trọng đức hạnh, tận lực khuyên răn, dẫn người hướng thiện – cũng xứng đáng là người thầy khai sáng.
Còn người thầy hạ sĩ thì chỉ đề cao tiểu xảo, thích gây chú ý, lấy lòng đám đông, dẫn học trò vào con đường sai lạc – vừa hại người, vừa hại mình, không xứng đáng làm thầy.
Từ khi đến thế gian này, suốt chặng đường từ tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học, tôi đã từng gọi không dưới một trăm người là “thầy, cô giáo”. Thế nhưng, những người thầy ấy đều có một điểm chung: Họ chỉ giảng dạy những kiến thức khoa học trong khuôn khổ lớp học, mà không ai truyền dạy đạo làm người, lại càng không thể nói đến chuyện giải đáp những thắc mắc của nhân sinh.
Người thầy hướng dẫn khóa nghiên cứu sinh là người đầu tiên khai mở cho tôi cách suy nghĩ về cuộc đời. Dù ông rất chú trọng việc tu dưỡng đạo đức cá nhân, nhưng vẫn không thể trả lời được câu hỏi của tôi: “Con người vì sao mà sinh ra? Vì sao lại chết đi?” Ông chỉ khuyên tôi rằng: “Muốn trở thành một học giả xuất sắc và hiểu biết rộng, thì phải đi vạn dặm đường, đọc vạn quyển sách”.
Từ đó, tôi tuân theo lời chỉ điểm ấy, chu du qua biết bao danh sơn đại xuyên, gặp được những đạo sĩ đang tu luyện ở Hoa Sơn, Lao Sơn, và các tăng nhân ở Ngũ Đài Sơn. Thế nhưng, những người tu hành ấy – dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ – đều thú thật rằng họ sống trong đạo quán, chùa chiền chỉ để kiếm miếng cơm qua ngày, chẳng có pháp nào để nói, cũng chẳng có đạo nào để truyền.
Khi tôi hỏi đến pháp môn tu luyện, gần như ai cũng chỉ đáp lại bằng nụ cười lạnh nhạt. Chỉ có đạo sĩ ở Hoa Sơn là có vẻ hòa nhã hơn một chút, thấy tôi một lòng cầu đạo, ông đành miễn cưỡng nói một cách mơ hồ:
“Đọc vạn quyển sách không bằng đi vạn dặm đường; đi vạn dặm đường không bằng gặp vô số người; gặp gỡ vô số người không bằng có minh sư chỉ đường; mà có minh sư chỉ đường cũng không bằng tự mình khai công khai ngộ.”
Dù đã rong ruổi khắp núi nam biển bắc, tôi vẫn không tìm được một minh sư chân chính.
Ánh sáng soi khắp cõi nhân sinh
Mãi cho đến khi Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) được phổ truyền khắp thế gian, tôi mới vô cùng vinh hạnh được đón nhận cuốn sách Chuyển Pháp Luân do Sư phụ Lý Hồng Chí biên soạn.
Những pháp lý uyên thâm trong sách đã giải đáp hết thảy mọi nghi hoặc trong cuộc đời tôi; Chân Đạo Phật Pháp đã dẫn dắt tôi bước lên con đường phản bổn quy chân. Cuối cùng, tôi đã tìm được vị minh sư mà mình hằng mong mỏi.
Nhìn lại hành trình đằng đẵng tìm kiếm minh sư khiến tôi không khỏi cảm khái, niềm vui khi thoát ra khỏi bóng tối của nhân sinh mê mờ vẫn luôn thường trực trong trái tim.
Đối với những người vẫn đang lạc lối giữa đêm đen, tôi muốn chân thành gửi đến họ lời nhắn nhủ: Minh sư như đèn sáng – chỉ khi tìm được minh sư chân chính, con người mới thực sự có thể thoát khỏi bóng tối.
Theo Vision times