Đường đời một người tuy đã được định sẵn nhưng vẫn có biến số, nếu biết hành thiện tích đức thì có thể thay đổi số phận của bản thân.
Số phận đã định sẽ không có phúc khi về già
Tào Bân là một vị đại tướng của triều đại nhà Tống, ông có công lớn trợ giúp Tống Thái Tổ bình định thiên hạ. Một lần nọ, Tào Bân gặp được một vị cao nhân học vấn uyên bác, rất giỏi xem tướng tên là Trần Đoàn.
Trần Đoàn xem qua tướng mạo của Tào Bân rồi nói: “Ông thời niên thiếu được giàu sang phú quý, nhưng khi về già lại không có phúc. Sau này mỗi lần xuất binh ông nên đối xử khoan dung độ lượng, gieo trồng một chút phúc đức cho tuổi già”.
Tào Bân rất tin tưởng Trần Đoàn nên ghi nhớ và cho là thật. Về sau, Tào Bân được lệnh dẫn quân chinh phạt Giang Nam. Bởi vì không muốn nhìn thấy cảnh dân chúng lầm than nên ông cáo bệnh ở nhà.
Bạn bè và tướng sĩ liên tục đến hỏi thăm bệnh tình của ông. Tào Bân nói với các tướng sĩ rằng: “Bệnh của ta không thuốc gì chữa khỏi được. Nhưng nếu mọi người thành tâm thành ý thề nguyện rằng, khi đến Giang Nam quyết không được giết hại một người nào. Nếu làm được như vậy thì bệnh của ta tự nhiên mà khỏi”.
Các tướng sĩ nghe xong thì dâng hương phát tâm thệ nguyện đúng như vậy. Nào ngờ lời này của Tào Bân lại đến tai người dân Giang Nam và khiến họ cảm động; họ rủ nhau mang lương thực nghênh đón quân sĩ triều đình. Nhờ vậy mà trận chiến này không cần dùng đến võ lực mà giành lại được Giang Nam; bảo toàn được hàng ngàn hàng vạn sinh mệnh.
Lựa chọn thiện lương thay đổi số phận
Sau khi chiến thắng trở về. Tào Bân gặp lại Trần Đoàn, Trần Đoàn nói với ông rằng: “Thật kỳ lạ! Mấy năm trước tôi nhìn tướng mạo của ông thì khẳng định là không có phúc khi về già. Nhưng bây giờ tướng mạo của ông lại thay đổi rồi; ánh kim quang hiện đầy trên khuôn mặt. Nhất định là ông sẽ có thêm bổng lộc và kéo dài thọ mệnh”.
Tào Bân hỏi lại: “Ông nói kim quang là có ý gì?”
Trần Đoàn nói: “Kim quang là ánh sáng hiển hiện của đức. Người tích được đại đức thì mới có kim quang; không chỉ tuổi thọ tăng thêm mà còn để phúc đức lại cho con cháu”.
Tào Bân quả nhiên ứng với lời tiên đoán của Trần Đoàn; về già được hưởng phúc, sống an nhàn, thọ 69 tuổi; ông được phong là Tế Dương Quận Vương. Con cháu của ông cũng được hưởng phúc, ông có 9 người con thì có 3 người đều là tướng lĩnh nổi tiếng; cháu chắt đời sau cũng đều rất vinh hiển.
Mỗi người sinh ra đều đã có định số
Có một câu chuyện nổi tiếng nữa về thay đổi số phận được ghi chép lại, đó là câu chuyện của viên quan Viên Liễu Phàm thời nhà Minh. Viên Liễu Phàm tên thật là Viên Hoàng (1533 – 1606). Vào năm 15 tuổi, có lần Viên Liễu Phàm đến chùa Vân Tự và gặp được một ông lão họ Khổng. Khổng tiên sinh là đệ tử của Thiệu Ung – nhà tiên tri nổi tiếng Trung Hoa; vì vậy Khổng tiên sinh cũng rất giỏi thuật toán số.
Khổng tiên sinh đã xem cho Liễu Phàm một quẻ bói. Ông nói: “Con lúc chưa thi đỗ tú tài thì thi huyện đứng thứ 14, thi phủ đứng thứ 71, thi đề học đứng thứ 9”. Năm sau Liễu Phàm đi dự thi ba cấp này thì thứ hạng đúng như Khổng tiên sinh dự đoán, không sai chút nào.
Sau đó Khổng tiên sinh còn xem họa phúc cho Liễu Phàm. Ông nói rằng: “Sau khi con là cống sinh (tức là học trò giỏi thời xưa được chọn qua các kì thi sát hạch ở tỉnh, được cấp lương ăn để chuẩn bị đi thi Đình) thì sẽ được chọn làm huyện trưởng tại Tứ Xuyên. Sau khi đảm nhiệm chức huyện trưởng tại Tứ Xuyên được ba năm rưỡi thì con từ chức hồi hương. Vào giờ sửu ngày 14 tháng 8 năm 53 tuổi thì mất; tiếc là trong mệnh của con không có con”.
Viên Liễu Phàm cẩn thận ghi chép lại những lời tiên đoán của Khổng tiên sinh. Từ đó về sau từng việc từng việc đều ứng nghiệm. Viên Liễu Phàm càng thêm tin rằng đời người là có định số hết rồi, không có cách nào cải biến được.
Tu tâm dưỡng tính có thể thay đổi số phận
Cho đến một ngày Liễu Phàm gặp được thiền sư Vân Cốc. Thiền sư nói với Liễu Phàm rằng:
“Một người dù trong mệnh đã định là khổ cực, nhưng nếu làm được việc đại thiện thì sức mạnh của việc thiện này có thể biến khổ hạnh thành sung sướng; biến nghèo hèn đoản mệnh thành phú quý trường thọ. Ngược lại, một người dù trong mệnh đã định là hạnh phúc, sung sướng, nhưng nếu như họ làm việc đại ác thì sức mạnh của việc ác này sẽ biến phúc trở thành họa; biến phú quý trường thọ thành nghèo hèn đoản mệnh. Vậy nên, làm việc ác thì tự nhiên phúc sẽ giảm, làm việc thiện thì tự nhiên phúc sẽ tăng”.
Những lời nói này của thiền sư Vân Cốc làm cho Liễu Phàm tỉnh mộng. Ông bắt đầu tìm cách để thay đổi bản thân mình. Ông từ một người tùy tiện hồ đồ, đã trở thành một người cung kính cẩn thận. Cho dù ở một mình trong phòng tối không có ai thì cũng không tùy tiện làm việc sai trái mà phạm tội với trời. Khi bị người khác khinh ghét phỉ báng thì cũng nhẹ nhàng bỏ qua; không so đo tính toán.
Một năm sau khi đến kỳ thi Đình, theo tiên đoán của Khổng tiên sinh thì ông sẽ xếp hạng 3, nhưng không ngờ ông lại xếp thứ nhất. Khổng tiên sinh đoán ông không thi đỗ cử nhân, nhưng không ngờ kỳ thi hương năm đó ông đã đỗ cử nhân.
Hành thiện tích đức đắc phúc báo
Vậy là từ đó về sau Liễu Phàm càng yêu cầu nghiêm khắc với bản thân mình hơn; không được thấy việc thiện nhỏ mà không làm, không được thấy việc ác nhỏ mà làm; lúc nào cũng nhìn lại bản thân để sửa đổi; tận sức tu tâm hành thiện tích đức.
Vào năm Tân Tỵ, vợ Liễu Phàm sinh được một người con trai đặt tên là Thiên Khải. Từ đó ông càng tin vào lời của thiền sư Vân Cốc, ra sức làm việc thiện. Mấy năm sau, đến năm Bính Tuất, ông lại thi đỗ tiến sĩ, Bộ lại bổ nhiệm cho Liễu Phàm làm chức quan huyện lệnh.
Đến năm 53 tuổi ông cũng không có tai họa gì giống như Khổng tiên sinh tiên đoán; ngay cả ốm đau cũng không. Ông sống khỏe mạnh cho đến năm 74 tuổi thì qua đời.
Vậy ra con người có thể thay đổi số phận đã định trước, chỉ cần tu tâm dưỡng tính, hành thiện tích đức thì nhất định sẽ được phúc báo.
Tổng hợp