Site icon Nguyện Ước

“Lợi tức của tình yêu” – Câu chuyện đầu tư cảm động

"Lợi tức của tình yêu" - Câu chuyện đầu tư cảm động

Cuộc sống giống như một tiếng vọng, bạn cho đi những gì bạn sẽ nhận lại được thứ đó; bạn gặt hái những gì bạn gieo và bạn sẽ nhận được những gì bạn cho đi (ảnh: Pixabay).

Cuộc sống giống như tiếng vọng. Bạn cho đi điều gì bạn sẽ nhận lại được điều đó. Quá trình đầu tư cũng vậy, dưới đây là câu chuyện cảm động về sự đầu tư bằng thiện tâm.

Đó là vào thời gian cách đây 15 năm; tôi tới công tác tại thành phố này, sau khi bàn xong chuyện làm ăn. Một hôm tôi đến trung tâm thương mại để mua một vài món quà cho đồng nghiệp.

Thông thường, tôi thích mang theo một số đồng xu khi đến trung tâm mua sắm; vì đôi khi có những người ăn xin gần đó, tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu tôi cho một hoặc hai đồng xu. Hôm nay cũng vậy, trong túi vẫn còn một ít tiền xu nên tôi đã phân phát mười mấy đồng cho đám trẻ ăn xin gần đó.

Ngay lúc đó, tôi thấy một cậu bé đang nhìn tôi và giơ cao một tấm biển; không nghi ngờ gì nữa, cậu bé đang cố gắng thu hút sự chú ý của tôi.

Hành trình đầu tư khởi nguồn từ lòng tốt

Tôi bước lại gần, đó là một cậu bé khoảng mười ba tuổi; quần áo xộc xệch nhưng sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng. Không giống như những người khác có một chiếc vò tráng men trong tay; tấm biển của cậu trên đó vẽ một cậu bé đang đánh giày và mặt kia có ghi: “Cháu muốn một chiếc hộp đánh giày”.

Hành trình đầu tư khởi nguồn từ lòng tốt (ảnh: pinterest).

Lúc đó tôi đang kinh doanh đầu tư; vẫn còn thời gian nên tôi hỏi cậu bé cần bao nhiêu. Cậu bé nói: “125 tệ”. Tôi lắc đầu và nói đắt quá.

Cậu bé nói không đắt, rằng cậu đã đi chợ đầu mối 4 lần mới thấy; cần mua hộp chuyên dụng, ghế ngồi, dầu làm sạch, bàn chải mềm và hơn chục loại xi đánh giày. Không đủ 125 tệ thì không đủ để mua những thứ này. Cậu bé nói tiếng địa phương và nói một cách thận trọng.

Tôi hỏi trong tay cậu bé giờ có bao nhiêu tiền. Không cần nghĩ ngợi, cậu bé đáp mình đã có 35 nhân dân tệ, còn thiếu 90 nhân dân tệ.

Tôi nghiêm túc nhìn cậu bé, cậu ấy thực sự không phải là kẻ lừa dối. Vì vậy tôi rút ví lấy ra 90 tệ và nói: “90 tệ này coi như tiền đầu tư của tôi. Có một điều kiện, từ thời khắc cậu nhận tiền của tôi; tôi và cậu sẽ là đối tác và bạn bè. Tôi ở thành phố này 5 ngày; trong thời gian này, cậu không chỉ phải trả lại tôi 90 tệ, còn trả tôi 1 tệ tiền lãi. Nếu cậu đồng ý với điều kiện này, số tiền sẽ là của cậu”.

Cậu bé nhìn tôi thích thú và đồng ý.

Bắt tay thực hiện kế hoạch

Cậu bé kể, cậu học lớp 6 và chỉ đi học 3 ngày một tuần. Những ngày còn lại phải chăn gia súc và giúp mẹ làm ruộng nhưng điểm của cậu chưa bao giờ trượt khỏi tốp ba; vì vậy cậu là người giỏi nhất.

Khi tôi hỏi tại sao lại mua hộp đánh giày, cậu bé nói: “Vì nhà cháu nghèo quá; cháu muốn tranh thủ thời gian nghỉ hè ra ngoài kiếm tiền để có tiền đóng học phí”.

Tôi ngưỡng mộ nhìn cậu bé, rồi cùng cậu đến chợ đầu mối để mua một chiếc hộp đánh giày và nhiều đồ dùng đánh giày khác.

Cậu bé mang bộ dụng cụ đánh giày, chuẩn bị bày ra ngay lối vào trung tâm thương mại.

Tôi lắc đầu nói: “Là đối tác, để thu hồi vốn của mình, tôi có nghĩa vụ nhắc cậu chọn địa điểm kinh doanh phù hợp. Bên trong trung tâm thương mại có những máy đánh giày miễn phí và nhiều người biết đến”.

Cậu bé nghiêm túc suy nghĩ về điều đó và hỏi: “Chọn khách sạn đối diện thì sao ạ?”

Tôi nghĩ, “Đây là một thành phố du lịch; ngày nào cũng có những chuyến xe chở người đến thuê ở trong khách sạn đó. Họ đã mệt mỏi sau chuyến hành trình và nhất định muốn giày của mình sạch sẽ khi ra ngoài vào ngày hôm sau”. Nghĩ tới đây tôi đồng ý với ý kiến của cậu bé. 

Chiến lược kinh doanh thông minh

Thế là cậu bé yên vị ở gần cửa khách sạn, đặt cái hộp đánh giày xa cửa một chút; nhìn quanh và nói với tôi: “Sao chú không để cháu trả 1 tệ tiền lãi bây giờ? Chắc chú cũng muốn biết mức độ phục vụ của cháu tới đâu phải không ạ”.

Cậu bé nhanh chóng hoàn thành tốt công việc của mình (ảnh: cafef.vn).

Tôi bật cười thành tiếng, tên tiểu tử này thật là lanh lợi, muốn đánh giày cho tôi, lại muốn dùng tiền đánh giày bù trừ vào 1 tệ tiền lãi kia.

Tôi rất thích sự thông minh này của cậu bé; vì vậy ngồi xuống cái ghế của cậu và nói: “Nếu cậu đánh giày không sạch, là minh chứng cho thấy cậu đang nói dối, và tôi đang đầu tư vào một người không trung thực; cũng minh chứng rằng tôi đang đầu tư thất bại”.

Thằng bé lắc lắc đầu mỉm cười, nói rằng đã tập đánh giày ở nhà cả tháng rồi. Ở nông thôn ít người có giày da; cậu đi tới từng nhà xin đánh giày cho họ từng đôi từng đôi một. 

Sau một vài phút, tôi gật đầu hài lòng, nhìn vào đôi giày da sáng bóng. 

Tôi lấy một cây bút đỏ trong túi và viết hai chữ lớn lên má trái và phải của cậu ấy: “Tốt nhất.” Cậu bé vô cùng thích thú.

Những tiến triển khả quan của cuộc đầu tư

Đúng lúc này, một chiếc xe buýt nhỏ và một chiếc xe du lịch đến; cậu bé nhanh chóng chạy tới, trên lưng có chiếc hộp đánh giày, chỉ vào mặt và lần lượt nói với những hành khách: “Đây là sự khen ngợi của khách hàng dành cho cháu, các cô các bác có muốn thử không ạ? Cháu sẽ biến đôi giày của mọi người sạch như mới”.

Và cứ như vậy, cậu bé bận rộn với công việc của mình…

Hôm sau khi tôi đến khách sạn đã thấy cậu bé có mặt ở đó từ sớm; nó hào hứng kể hôm qua kiếm được 50 tệ, trả lại tôi 18 tệ, 3 tệ tiền ăn thì còn tiết kiệm được 29 nhân dân tệ.

Tôi vỗ đầu cậu bé và khen ngợi vì cậu đã hoàn thành tốt công việc.

Cậu bé nói: “Tối qua cháu không phải ngủ dưới gầm cầu mà ngủ ở ngoài cửa hàng; nhưng không phải trả 5 tệ tiền chỗ nằm”.

Tôi nghi ngờ hỏi, tại sao cậu không trả tiền chỗ nằm?

Cậu bé cười đắc ý và nói: “Cháu đã giúp họ đánh mấy chục đôi giày rồi; nên tối nay có thể ngủ trong cửa hàng mà không cần trả tiền trọ”.

5 ngày trôi qua nhanh chóng, tôi phải rời thành phố. Trong 5 ngày này, cậu bé vẫn trả 18 tệ một ngày, đủ 90 tệ.

Cậu bé biết tôi là giám đốc một công ty đầu tư ở Bắc Kinh; cậu nói khi tốt nghiệp đại học sẽ đến Bắc Kinh tìm tôi. Rồi đưa bàn tay đen nhỏ xíu của mình ra, tôi cũng đưa tay ra nắm chặt lấy tay cậu.

Khó khăn trong sự nghiệp

Trong nháy mắt, 15 năm trôi qua.

Tôi rời công ty đầu tư ban đầu, bắt đầu lập một công ty kinh doanh của riêng mình.

Hôm đó, tôi đang bận rộn tới sứt đầu mẻ chán ở văn phòng, vì lý do ngoài ý muốn làm tổn thất tiền một lô hàng lớn; việc quay vòng vốn gặp khó khăn, các bên đều tới đòi nợ. 

Cậu bé đánh giầy năm xưa giờ đã có công ty riêng (ảnh: vandieuhay).

Tôi vừa đặt điện thoại xuống thì cô thư ký bước vào nói buổi trưa có một thanh niên rủ tôi đi ăn trưa. Tôi hỏi đó là ai mà không nhìn lên; cô thư ký lấy ra một chiếc móc chìa khóa và để trên bàn của tôi. Nhìn móc khóa, tôi sửng sốt, trên đó là một chú gấu bằng thủy tinh; trên trán chú gấu có khắc ba chữ: “Tôi là giỏi nhất.”

Tôi nhớ lại, chiếc móc chìa khóa này là món quà mà tôi đã nhét vào lòng bàn tay của cậu bé đánh giày làm phần thưởng khi chia tay cậu vào 15 năm trước.

Đến trưa, tôi bước vào khách sạn, một thanh niên mặc vest, đi giày da đứng cạnh bàn ăn dành cho hai người. Cậu mỉm cười tinh tế và hơi cúi người về phía tôi.

Đầu tư thành công nhất trong cuộc đời

Từ gương mặt chàng thanh niên, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của cậu bé đánh giày năm xưa. Trong khi uống trà, cậu bé lấy ra một tấm séc trị giá 5 triệu nhân dân tệ và nói: “Cháu muốn đầu tư vào công ty của chú và thu lại lợi nhuận trong vòng 5 năm”.

5 triệu nhân dân tệ, đó thực sự là cái phao cứu sinh với tôi trong thời điểm hiện tại.

Người thanh niên cười nói: “15 năm trước chú đã dạy cháu phương thức sinh tồn bằng cách tích lũy. Từ hộp đánh giày đó, cháu đã tích lũy được nhiều bài học. Bây giờ, cháu đã có công ty riêng, 5 triệu tệ này đầu tư vào công ty chú; cháu nghĩ cháu có quyền yêu cầu một khoản lợi tức ngoài mức quy định”.

Tôi ngẩng đầu hỏi muốn bao nhiêu, chàng thanh niên tỉnh bơ trả lời: “1 nhân dân tệ”.

Tôi ngả người ra ghế với nụ cười trên môi.

90 tệ, đổi lại 5 triệu tệ, đây chắc chắn là trường hợp thành công nhất trong sự nghiệp đầu tư của tôi.

Cuộc sống như một tiếng vọng

Cuộc sống giống như một tiếng vọng, bạn cho đi những gì bạn sẽ nhận lại được thứ đó; bạn gặt hái những gì bạn gieo và bạn sẽ nhận được những gì bạn cho đi. Chỉ cần bạn phó xuất bạn sẽ được hồi đáp. Câu chuyện trên là một bức chân dung về việc luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người.

Thành công không chỉ là bạn có được bao nhiêu, mà quan trọng hơn là bạn giúp đỡ người khác được bao nhiêu (ảnh: istockphoto).

Tất cả thành công trên thế giới này đều đến từ việc hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Những người có thành quả cao trong sự nghiệp hãy học cách giúp đỡ và đánh giá cao sự thành công của người khác.

Thành công không chỉ là bạn có được bao nhiêu, mà quan trọng hơn là bạn giúp đỡ người khác được bao nhiêu, có bao nhiêu người cảm động và trưởng thành bởi bạn.

Cho dù bạn có đầu tư bao nhiêu trong cuộc đời, dù đã thành công hay không. Nhưng chắc chắn rằng sự chân thành và tấm lòng lương thiện luôn là đầu tư có lãi nhất.

Theo Vision times