Trong lịch sử Phật học, có một vị cao tăng nổi tiếng, tên Kumarajiva (Cưu – Ma – La -Thập) (344 -413). Vị sư Tây Tạng này tinh anh xuất chúng, trí huệ uyên thâm. Chỉ vì tranh giành ông, những bậc đế vương Trung nguyên đã hai lần phát động chiến tranh.
Tiểu sử của Kumarajiva
Kumarajiva xuất thân trong một gia đình quý tộc ở nước Khâu Từ, thuộc Tân Cương ngày nay. Mẹ của ông tên Jiva. Bà là công chúa Khâu Từ. Bà nổi tiếng thông minh và xinh đẹp. Trên người bà có một nốt ruồi son. Biểu thị tương lai có thể sinh được một quý tử trí huệ phi phàm. Quốc vương 36 nước Tây Vực lần lượt đến cầu hôn, nhưng đều bị bà từ chối.
Năm bà 20 tuổi, có một chàng trai tên Kumārāyana đến từ Thiên Trúc (Ấn Độ ngày nay). Chàng là người có khí phách phi phàm, trí tuệ uyên thâm, đạo đức cao thượng. Chàng là con của một vị tể tướng. Khát khao tu Phật, Kumārāyana từ bỏ cơ hội thừa kế chức tể tướng. Chàng vượt một quãng đường dài xa xôi hiểm trở và đến với đất nước Khâu Từ.
Lúc đó tại vương quốc này, Phật giáo đang ở giai đoạn phát triển huy hoàng nhất. Các thành viên trong hoàng thất đều tín ngưỡng Phật pháp. Quốc vương hay tin Kumārāyana tới thì vô cùng vui mừng. Đích thân ra ngoại ô nghênh đón và bái ông làm quốc sư.
Vừa gặp ông, bà Jiva đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bà muốn thành thân với ông nếu không sẽ không lấy chồng. Bà giục quốc vương đi cầu hôn. Trước thái độ kiên quyết của bà, quốc vương đã đồng ý. Đây có lẽ là duyên phận. Người xuất gia rốt cuộc lại hoàn tục. Kumārāyana kết hôn với bà Jiva, không lâu sau bà mang thai.
Kumarajiva được dự đoán là người có trí huệ phi phàm từ khi còn trong bụng mẹ
Kỳ lạ thay! Sau khi mang bầu, khả năng lĩnh ngộ Phật pháp của Jiva tăng lên nhiều. Bà nghe nói tại chùa Tước Lê có nhiều cao tăng đắc đạo. Bà thường xuyên cùng các vương tôn quý tộc trong hoàng thất tới đây dâng cúng vật phẩm, ăn chay và nghe pháp. Đột nhiên bà thông tuệ được tiếng Phạn khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Có người hiểu biết nói: “Đứa con trai mà bà đang mang thai nhất định là một người rất có trí huệ.“
Sau khi có am hiểu sâu sắc hơn với Phật pháp, sinh con xong bà đột nhiên có suy nghĩ muốn xuất gia. Lúc này chồng bà kiên quyết phản đối, không đồng ý mà nói: “Ta vốn xuất gia, nàng muốn ta hoàn tục. Giờ nàng lại muốn xuất gia vậy ta biết làm thế nào?“. Thật đúng là oan gia. Không còn cách nào khác, họ lại tiếp tục cuộc hôn nhân.
Xuất gia từ nhỏ
Một lần dạo chơi ngoài thành, bà Jiva nhìn thấy một mảnh xương cốt khô rải rác trong một nghĩa địa. Cảm nhận sâu sắc một kiếp người, dù có vinh quang sáng lạn đến đâu, nếu không thể tu luyện đắc được chính quả. Đến cuối cùng quay đầu lại, bất quá chỉ là một đống xương khô, nên lần này bà hạ quyết tâm xuất gia.
Kumārāyana vẫn không đồng ý, bà liền tuyệt thực. Đến tối ngày thứ sáu, chỉ thoi thóp còn chút hơi thở. Chồng bà nhìn thấy vậy, sợ rằng nếu không đồng ý vợ sẽ chết nên đành chấp thuận. Được như ý nguyện, bà Jiva đưa con trai lớn là Kumarajiva khi đó 7 tuổi cùng xuất gia.
Tài trí phi phàm
Kumarajiva là người tài trí kiệt xuất. Sáu tháng biết nói, ba tuổi biết đọc. Năm tuổi có kiến thức uyên thâm và khả năng ghi nhớ siêu phàm. Nghe sư phụ giảng giải kinh văn, liền lập tức có thể sáng tỏ. Bà Jiva sau khi xuất gia thì vô cùng dũng mãnh tinh tấn. Rất nhanh bà chứng đắc được quả vị La Hán, có được thần thông.
Vì là em của quốc vương, nên bà được rất nhiều người tới cúng dường. Để tránh tình trạng này, hai năm sau bà Jiva đưa con trai tới vương quốc Kệ Tân.
Tại vương quốc này, Kumarajiva được đại pháp sư tài đức trí huệ bậc nhất là Bandhu Datta chỉ dạy Phật pháp tiểu thừa. Đại pháp sư này là em họ của quốc vương nước Kệ Tân, nổi danh các nước. Mọi người ở khắp mọi nơi đều tôn trọng. Vị pháp sư thường xuyên khen ngợi Kumarajiva trước mặt quốc vương khiến quốc vương tò mò.
Quốc vương liền cho mời Kumarajiva vào cung. Quốc vương triệu tập một nhóm người đến biện luận với ông. Thấy Kumarajiva chỉ là một đứa trẻ nên coi thường. Kết quả Kumarajiva nhanh chóng nắm bắt được sơ hở của họ, bác bỏ tới nỗi những người này á khẩu không nói nên lời. Tất cả đều xấu hổ, phủ phục xuống đất kính lễ. Quốc vương lại càng kinh ngạc bội phục. Ngày ngày mang cho Kumarajiva nhiều đồ ăn ngon. Mỗi ngày còn sắp xếp 15 hòa thượng chăm sóc đối xử với Kumarajiva như một người thầy.
Hai mẹ con họ ở lại đây ba năm. Năm Kumarajiva lên 12 tuổi, bà liền đưa con quay về nước Khâu Từ. Nhiều người có chức vị rất cao ở các vương quốc xa gần đều tới thỉnh mời Kumarajiva đến nước mình nhưng Kumarajiva đều từ chối.
Tương lai báo trước chỉ làm pháp sư uyên bác
Ngày nọ, khi bà Jiva đưa con tới vùng núi phía bắc của nước Nguyệt Thị (tên một nước ở Tây Vực), gặp một đại hòa thượng. Khi vừa thấy Kumarajiva, đại hoà thương rất đỗi ngạc nhiên và nói với bà: “Hãy cẩn thận bảo vệ tiểu hòa thượng này. Nếu năm 35 tuổi cậu ấy không phá giới, có thể đại hưng Phật pháp, cứu độ vô số người. Nếu không thủ giới, chỉ có thể làm một pháp sư uyên bác, thông hiểu các kinh điển Phật pháp mà thôi”.
Bạn có thể thắc mắc: Là một vị Phật Đà làm hưng thịnh Phật pháp cứu độ vô số chúng sinh và một pháp sư uyên bác, thông hiểu kinh điển Phật pháp có gì khác nhau? Sự khác biệt quả thực rất lớn.
Cũng giống như Lục Tổ Huệ Năng của Thiền Tông dù không biết chữ, nhưng vẫn có thể ngộ đạo tu hành như thường. Mục đích lớn nhất của người tu Phật tu đạo là gì, là thoát khỏi bể khổ của thế gian, đến bờ bên kia của niết bàn, tu thành chính quả. Đắc được quả vị của Phật là điều vô cùng đặc biệt. Bởi nếu đắc được quả vị ở cảnh giới cao, còn có thể cứu độ người khác.
Nơi trần dù có học vấn cao tới đâu, học thuộc trôi chảy kinh Phật, lý giải tốt cỡ nào. Nhưng không làm được yêu cầu của Phật Pháp thì cũng không thể tu thành, không thể đắc được quả vị Phật. Nhìn từ góc độ nhà Phật, sự khác biệt giữa Phật đà và người phiên dịch Kinh thư là một trời một vực.
Sang Sa Lặc học Đại Thừa Phật giáo
Sau đó hai mẹ con họ đi tới các vương quốc như Sa Lặc, Ôn Túc… Tại Sa Lặc, Kumarajiva đã gặp pháp sư Đại thừa xuất sắc Xuye Asuma và theo học. Phật pháp Đại thừa chủ trương phổ độ chúng sinh. Phật giáo Tiểu thừa chỉ có thể giải thoát chính mình. Tại đây ông đã tinh thông âm dương, chiêm bói cát hung qua các vì sao…
Quốc vương nước Sa Lặc đã thỉnh mời Kumarajiva đăng đàn giảng giải “Kinh Chuyển Pháp Luân”, gây chấn động ở các nước Tây Vực.
Tại vương quốc Ôn Túc thuộc Aksu, Tân Cương ngày nay, có một người tu đạo nổi tiếng, tự nhận tài hùng biện của mình là vô song. Người này đánh trống tuyên bố nếu ai có thể thắng ông, ông ta sẽ tự chém đầu mình. Kumarajiva tình cờ đi ngang đó và hỏi ông ta hai vấn đề khiến ông ta ngây người không nói nên lời, đành phải “khẳng khái” tự chuẩn bị chặt đầu, Kumarajiva đã kịp thời ngăn cản. Điều này càng làm cho Kumarajiva nổi tiếng.
Quay lại Khâu Từ hoằng dương Phật pháp
Lúc này, quốc vương nước Khâu Từ đứng ngồi không yên. Ông cho rằng một người có danh vọng như vậy không thể để vân du mãi bên ngoài, nhất định phải quay trở về. Quốc vương đích thân tới nước Ôn Túc đón hai mẹ con Kumarajiva trở về. Kumarajiva đã thuyết giảng rộng rãi kinh điển Đại thừa, khiến dân chúng tứ phương vô cùng ngưỡng mộ.
Một thời gian sau, bà Jiva nói với quốc vương: “Vương quốc Khâu Từ sẽ sớm suy tàn. Tôi muốn đến Thiên Trúc, tiếp tục tu học Phật pháp.” Bà có Thần thông và có thể đoán trước được những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Trước khi rời đi, bà nói với Kumarajiva: “Các kinh điển của Phật pháp Đại thừa phải được hồng dương tại Đông Thổ. Điều này chỉ có thể nhờ vào con. Nhưng con sẽ gặp phải những điều khó khăn, không có lợi cho con. Con nghĩ sao?“
Kumarajiva nói: “Bồ tát có cảnh giới xả thân vì mọi người. Để truyền bá Phật giáo Đại thừa ở phương Đông, dù con phải vào nơi dầu sôi lửa bỏng cũng không hối hận”. Vì vậy, bà Jiva đã một mình đến Ấn Độ. Sau đó chứng đắc được quả vị cao hơn.
Kumarajiva ở lại vương quốc Khâu Từ trong 20 năm. Ông tiếp tục nghiên cứu Kinh điển Đại thừa, thấu triệt và thể ngộ được những điều huyền bí bên trong. Quốc vương nước này đã làm một chiếc ghế hình sư tử bằng vàng cho ông. Mỗi năm đều dùng đăng đàn thuyết pháp, danh tiếng dần dần lan sang Trung Quốc.
Vị pháp sư giẫm trên lưng quốc vương
Thời đó vào khoảng 1700 năm trước, vương quốc Khâu Từ giàu có sung túc. Dân chúng vô cùng sùng bái tín ngưỡng Phật pháp. Đại pháp hội phật giáo diễn ra một năm một lần. Trong một dịp đại hội, quốc vương nước này mời một vị cao tăng có địa vị cao quý tới tuyên giảng Đại thừa Phật pháp. Quốc vương các nước xung quanh hay tin đều tìm tới.
Trong phòng giảng pháp có đặt một chiếc ngai vàng chạm khắc hình tượng sư tử. Các vị quốc vương quỳ ở một bên ngai vàng chờ đợi sự xuất hiện của vị cao tăng Kumarajiva. Khi Kumarajiva xuất hiện ở cửa, có lẽ ngoài dự đoán của mọi người, đó vẫn là một thanh niên anh tuấn. Lúc này, tất cả các vị quốc vương đều cung kính nằm trên nền đất, thỉnh cầu vị thanh niên giẫm lên lưng họ, từng bước tiến tới ngai vàng.
Cuộc chiến tranh giành Kumarajiva đầu tiên
Vùng Trung Nguyên lúc bấy giờ là thời kỳ Thập lục quốc thời Đông Tán. Quốc gia hùng mạnh nhất miền Bắc Trung Quốc là Tiền Tần. Hoàng đế Tiền Tần là Phù Kiên.
Ngày nọ quan chép sử báo với hoàng đế: “Có một ngôi sao lạ xuất hiện ở Tây Vực. Điều này cho thấy sẽ có một người đại trí huệ, đạo đức cao thượng đến trợ giúp Trung Quốc“. Hoàng đế tin rằng loại thiên tượng này ứng với sự xuất hiện của Kumarajiva nổi tiếng trên thế giới. Ngài cử tướng quân Lữ Quang dẫn hơn 70.000 người chinh phạt nước Khâu Từ, để có được vị tăng nhân này.
Trước khi lên đường hoàng đế đặc biệt dặn dò: “Trẫm nghe nói tại Tây Vực có ngài Kumarajiva am hiểu sâu sắc mọi sự vật trong vũ trụ. Ngài còn giỏi thuật âm dương ngũ hành. Ta rất muốn có được sự trợ giúp của ông ấy. Hiền tài là vật báu của quốc gia. Nếu đánh chiếm được vương quốc Khâu Từ, hãy lập tức đưa ngài về đây. Bậc đế vương phải thuận theo thiên lý mà trị quốc, lấy yêu thương bách tính làm gốc. Không phải vì mưu đồ lợi ích mà đi chinh phạt nước khác. Lần này ta chỉ vì để mời được người có đạo chính trực mà thôi“.
Lữ Quang dẫn quân đi về phía tây, nhưng vẫn chưa đến nước Khâu Từ. Kumarajiva đã phát hiện và nói với nhà vua: “Chẳng bao lâu nữa sẽ có một kẻ thù mạnh từ phía đông tới. Tốt nhất là đối xử với nó một cách tôn trọng và không nên đối đầu“. Quốc vương tỏ ra xem thường và kiên quyết nghênh chiến.
Sau nửa năm chiến đấu gian khổ, Lữ Quang đánh bại được nước Khâu Từ và các nước khác đến viện trợ, Kumarajiva bị bắt.
Vi phạm sắc giới, không thể chứng đắc quả Phật
Lữ Quang không tin vào đạo Phật. Khi nhìn thấy Kumarajiva, cảm thấy vị tăng nhân tuổi đang còn trẻ không có vẻ tài ba như mọi người truyền tụng, nên giở trò đùa dai ép buộc Kumarajiva phải kết hôn với em họ mình là công chúa nước Khâu Từ. Vị tăng nhân kiên quyết từ chối nên Lữ Quang nghĩ ra cách ép khiến Kumarajiva say khướt. Sau đó đưa hai người vào một căn phòng, Kumarajiva vì vậy đã phá sắc giới.
Phật giáo của Đức Thích Ca Mâu Ni chú trọng đến việc tuân giữ giới luật. Phá giới sao còn có thể đắc chính quả? Đối với Kumarajiva, nỗi đau và sự hối hận do phá giới mang lại là không thể nào diễn tả bằng lời.
Truyền Phật pháp tới Đông Thổ
Tuy nhiên điều làm người ta cảm thấy bội phục, chính là dù như vậy ông vẫn kiên định giữ đúng lời hứa truyền Phật pháp tới Đông Thổ, không lùi bước.
Cho dù Lữ Quang yêu cầu ông cưỡi một con bò to khỏe, một con ngựa hung ác để làm trò vui cho mình. Nhưng ông vẫn không vì thế mà thay đổi, nhẫn nhục chịu đứng, không thay đổi chút sắc mặt nào. Lúc này viên tướng quân mới nhớ đến lời căn dặn của đức vua, cảm thấy tự hổ thẹn mà dừng những hành động này lại.
Trên đường về, quân của Lữ Quang hạ trại dưới chân núi, Kumarajiva nhắc nhở: “Nên dời quân đến nơi cao hơn. Nếu không sẽ gặp tai họa.” Lữ Quang không chịu nghe. Đêm đó mưa to như thác, lũ quét bùng phát, hàng ngàn binh lính chết đuối, Lữ Quang lúc này mới cảm thấy sự kỳ lạ của Kumarajiva .
Kumarajiva cũng nói với Lữ Quang: “Nơi này nguy hiểm không nên ở lâu. Hãy nhanh chóng lên đường càng sớm càng tốt. Trên đường đi sẽ tìm được một nơi phù hợp để trú ẩn“. Lần này Lữ Quang rất ngoan ngoãn và nhanh chóng rút quân.
Kumarajiva làm quân sư cho nhà Hậu Lương
Khi đến Lương Châu, Lữ Quang biết rằng Phù Kiên đã dẫn một triệu quân tấn công nhà Đông Tấn và muốn thống nhất Trung Quốc. Nhưng ông đã đại bại trong trận Phì Thủy. Sau đó bị tướng quân Diêu Trường ép tự vẫn. Diêu Trường xưng đế, lập nên nhà Hậu Tần.
Lữ Quang ra lệnh cho quân lính mặc tang phục, thương tiếc tưởng nhớ. Sau đó dừng tại Lương Châu xưng vương, lập nên nhà Hậu Lương. Lữ Quang cho phép Kumarajiva sống ở Lương Châu, bày mưu tính kế cho mình. Kumarajiva ở lại Lương Châu 17 năm. Ông vừa học vận âm, ngữ pháp của tiếng Hán. Ông cũng tìm đọc các kinh điển tiếng Hán, thu thập kinh Phật bằng tiếng Phạn và tiếng của các dân tộc phía Bắc và phía Tây Trung Quốc. Cả đời còn lại dành hết tâm sức cho việc nghiên cứu các sách Phật giáo.
Cuộc chiến tranh giành Kumarajiva lần hai
Sau khi Diêu Trường xưng đế, cũng nghe nói đến danh tính của Kumarajiva nên cử người đến Lương Châu thỉnh mời ông. Gia tộc Lữ Quang cho rằng Kumarajiva là người đa mưu túc trí. Sợ rằng người khác trọng dụng ông, như thế sẽ gây bất lợi cho đất nước nên không chịu cho đi.
Diêu Trương từ giã cõi đời với niềm tiếc nuối chưa thể gặp được Kumarajiva. Con trai Diêu Trường lên ngôi. Để hoành thành tâm nguyện ấp ủ của cha đã dấy binh tấn công Lương Châu năm Hoằng Thủy thứ ba cũng là năm 401. Đây là cuộc chiến tranh thứ hai trong lịch sử xuất phát từ việc tranh giành Kumarajiva.
Hậu Lương không địch lại Hậu Tấn mà đầu hàng. Khi Kumarajiva 58 tuổi, ông được hộ tống tời Trường An (nay là Tây An Thiểm Tây). Chúng tăng biết được ông sắp rời Lương Châu, hàng vạn người dẫn theo người già trẻ nhỏ đến dâng hương tiễn biệt. Các sa di tiễn đưa đi rất xa, khóc lóc từ biệt.
Dịch kinh thư ở Trường An
Hoàng đế nhà Hậu Tần là Diêu Hưng đích thân ra ngoài thành đón tiếp, tôn ông làm quốc sư. Diêu Hưng thu xếp ông ở trong vườn Tiêu Dao dưới chân núi Khuê Phong.
Từ tháng 2 năm Hoằng Thủy thứ tư (402) thời Hậu Tần, ông bắt đầu dịch kinh Phật theo yêu cầu của hoàng đế. Ông cùng 800 cao tăng tinh anh đại đức thời đó tham gia dịch thuật.
Kumarajiva có thể đọc thuộc lòng hầu hết các tác phẩm kinh điển và hiểu tường tận ý nghĩa của Kinh điển. Các kinh điển Phật giáo nổi tiếng như “Kinh Kim Cương”, “Kinh A Di Đà”, “Bát Nhã Tâm Kinh”, … đều là thành quả của Kumarajiva và những người trợ giúp. Kinh mà ông dịch thuật rất chính xác, khiến phật tử dễ dàng đọc thuộc lưu loát.
Kumarajiva thực sự là một cao tăng đặc biệt, câu chuyện 2 đế vương của Trung Nguyên phát động chiến tranh để tranh dành ông là như vậy.
Theo Soundofhope