Sau trận chiến long trời lở đất tại Kỳ Sơn giữa quân Thục Hán và quân Ngụy, Gia Cát Lượng có nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tại Ngũ Trượng Nguyên, Gia Cát Lượng quan sát được “Tướng tinh dục truỵ” (ngôi sao ứng với tể tướng sắp rơi xuống), nói rằng mình biết đạo cầu an, nhưng không biết ý trời như thế nào? Vậy đối với sự an bài của Thiên thượng, tâm trạng thái độ của Thần cơ diệu toán Khổng Minh như thế nào?
- “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, hàm ý chân thực là gì?
- Nhiều người đã hiểu sai hàm ý của câu “nhân định thắng thiên”
Trong trận Xích Bích, nhờ khả năng định liệu tính toán như thần, chỉ bằng mưu tính một trận, Khổng Minh đã định thế cuộc thiên hạ chia ba. Mười năm chăm lo xây dựng, trọng đạo trượng nghĩa, Khổng Minh thành tâm thi hành công lý, thưởng thiện phạt ác, phán quyết phân minh, công bằng vô tư, khuyên răn dạy bảo, vì vậy mọi người đều kính sợ và mến mộ. Tuy nhiên, thất bại trong gang tấc tại gò Ngũ Trượng Nguyên, khiến việc Khổng Minh cúc cung tận tụy, gây dựng đại nghiệp cho nhà Hán cuối cùng không thể hoàn thành.
Trận chiến kinh thiên động địa tại Kỳ Sơn
Tư Mã Ý phát động lực lượng lớn tấn công doanh trại quân Thục tại Kỳ Sơn. Mặc dù binh lực quân Thục Hán nhỏ, nhưng quân sĩ đều quyết tâm chiến đấu hy sinh, không sợ cường địch. Họ nói với nhau: “Ân nghĩa của Gia Cát tiên sinh, lấy chết báo đáp cũng không đủ”. Tới ngày lâm trận, binh sĩ đều tiên phong xông lên trước, lấy một địch lại mười. Kết quả đánh thắng quân Ngụy.
Tư Mã Ý nếm mùi thất bại, mất doanh trại ở bờ Nam sông Vị, lòng quân hoảng loạn tháo chạy. Lúc này quân Thục từ bốn phương tám hướng xuất hiện, khiến quân Ngụy mười phần bị thương tới tám chín, người chết vô số; chỉ số ít chạy tới bờ Bắc sông Vị trốn thoát.
Ở trên núi thấy Ngụy Diên dụ quân của Tư Mã Ý tới Kỳ Cốc, Gia Cát Lượng tính toán kỹ càng, dẫn dụ cha con Tư Mã Ý vào Thượng Phương cốc bằng cách cho người thông báo toàn bộ lương thực quân Thục đều ở trong đó. Khi cha con họ vào hang, quân Thục ném rơm rạ, củi lửa chặn bịt hai đầu; hạ lệnh cho quân phóng hỏa thiêu chết. Trong thoáng chốc lửa bùng lên, Khổng Minh tin chắc lần này Tư Mã Ý sẽ phải bỏ mạng.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Chẳng ngờ khi đó cuồng phong gào thét, mưa lớn tầm tã khiến toàn bộ ngọn lửa đều bị dập tắt. Cha con Tư Mã nhờ đó chạy thoát khỏi Thượng Phương cốc. Tới lúc này Khổng Minh ngửa mặt lên trời mà than: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên, không thể cưỡng cầu”. Có nghĩa rằng trời xanh đã có sắp đặt, an bài, con người nhỏ bé không thể thay đổi. Thần cơ diệu toán như ông cũng chỉ có thể nghiêng mình tâm phục khẩu phục.
Người đời sau có thơ than: “Cửa Kỳ Cốc gió to lửa rực. Trời bất ngờ trút xuống mưa ngay. Nếu như đạt được kế hay. Sơn hà sao lọt vào tay Tấn Triều”. Vậy mới thấy mọi việc nơi thế gian sớm đã có định số.
Vài năm sau, xảy ra trận chiến cuối cùng của Khổng Minh tại gò Ngũ Trượng. Mùa xuân năm Hậu Chủ thứ 12, Gia Cát Lượng chiếm cứ gò Ngũ Trượng, giao đấu với Tư Mã Ý tại bờ Nam sông Vị hơn một trăm ngày. Tư Mã Ý án binh bất động, mãi không xuất trận.
Trong khoảng thời gian này, Khổng Minh nghe tin Đông Ngô xuất binh tiến đánh Tào Ngụy, nhưng không làm được gì nên lại đành phải rút quân trở về. Vừa nghe xong thì Khổng Minh đột nhiên ngã nhào xuống đất bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, ông than rằng: “Ta tâm hỗn loạn, bệnh cũ tái phát, sợ rằng không tiếp tục sống được nữa!”
Thần cơ diệu toán cũng không thể cải được ý trời
Đêm đó, Ông ra khỏi trướng, ngẩng mặt lên trời xem thiên văn, nhìn thấy độ sáng và vị trí của sao “tướng tinh dục trụy” (ngôi sao ứng với tể tướng sắp rơi xuống): “Trong 3 chòm sao, sao khách rực sáng, sao chủ thăm thẳm ẩn khuất, sao tướng ở bên, ánh sáng tối mờ”, khiến ông vô cùng kinh ngạc, biết rằng dương thọ đã tận, sinh mệnh đã tới bước cuối rồi.
Khương Duy khuyên ông tế trời cầu phúc tiêu tai: “Mặc dù thiên tượng như vậy, nhưng thừa tướng sao không dùng phương pháp cầu phúc tiêu tai để vãn hồi?”
Khổng Minh trả lời: “Ta biết thuật cầu phúc tiêu tai, nhưng không biết ý Trời ra sao?”
Thế là, Khương Duy dẫn 49 người bảo vệ ngoài trướng; Khổng Minh ở trong lập đàn hương hoa vật phẩm tế lễ. Trên mặt đất xếp 7 ngọn đèn lớn, bên ngoài đặt 49 đèn nhỏ, bên trong đặt một đèn bổn mệnh.
Khổng Minh thành tâm cầu nguyện, mong Thiên thượng nhân từ, chiếu cố cho tâm nguyện “Trên báo đáp ân chủ, dưới cứu giúp người dân, giành lại vật cũ, kéo dài lộc nhà Hán”. Cúng tế hoàn tất, Khổng Minh ban ngày bày mưu tính việc quân cơ; ban đêm lại ở trong trướng làm phép cầu phúc giải tai ương.
Sống chết có mệnh, không thể cưỡng cầu
Phép thuật cầu nguyện phải trải qua bảy đêm liên tục. Khổng Minh cầu nguyện trong trướng cho đến đêm thứ 6, thấy ngọn đèn chủ đã sáng; trong lòng ông cảm thấy bừng lên hy vọng. Đúng lúc này, tướng Ngụy Diên đi như bay lao tới báo tình hình quân cơ, khiến ngọn đèn chính vụt tắt. Khổng Minh quăng kiếm than: “Sống chết có mệnh, không thể cầu mà được!” Tháng 8 năm đó, Khổng Minh qua đời trong quân doanh.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, dù là thành bại hay sinh tử của một cá nhân, đại cục của một đất nước, đều là do Thiên Thượng an bài và đặt định; rất có thể sự sắp đặt đó ngược lại với mong muốn của cá nhân.
Khổng Minh một mặt lo lắng “Kéo dài phúc lộc nhà Hán”; mặt khác, cũng bằng lòng với số mệnh, sinh hay tử, đi hay ở không ngại ngần. Nhưng ông đặc biệt coi trọng phân biệt thiện ác, đó cũng là điều Thiên Thượng coi trọng! Lòng trung nghĩa và đức độ của Khổng Minh, vượt quá khỏi thành trụ hoại diệt của triều đại; làm tấm gương đức độ giữa thiên địa, đời đời lưu truyền bất diệt.
Thần cơ diệu toán khổng Minh để lại tấm gương trung nghĩa
Trong dòng sông dài của lịch sử chúng ta đều thấy, khi đến thời mạt thế của một triều đại hay một quốc gia, là lúc nhân tâm đạo đức bại hoại; loạn tượng xảy ra khắp nơi, các chủng tai ương dịch bệnh cũng theo đó mà ập đến, làm thế gian đảo lộn. Đây cũng là quy luật tuần hoàn thành – trụ – hoại – diệt ở nhân gian.
Mặc dù nhìn qua thấy thiên tai dường như ngẫu nhiên; kỳ thực đều là tai họa mà nhân loại phải hứng chịu. Đây chính là quá trình tịnh hoá và báo ứng những tội nghiệp con người tự tạo ra ở nhân gian. Ngôi sao ứng với hoàng đế trong những năm cuối triều đại nhà Hán không còn sáng, tặc thần loạn quốc, thiên tai dịch bệnh liên miên, muôn dân lầm than; trang sử thuộc về Hán triều đã khép lại.
Nếu như nói, con người trong quá trình mưu sự có thể thực sự làm được điều gì, thì chỉ có quay trở về bản tính thiện lương thuần tịnh lúc sơ khai; đề cao tầng thứ của sinh mệnh. Đó cũng là điều đáng coi trọng nhất trong việc giáo hoá của thần cơ diệu toán Khổng Minh.
Khi cảnh giới sinh mệnh càng cao thì càng có thể tương thông với Trời Đất; càng có thể ngộ được nội hàm ở các cảnh giới khác nhau của câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, không cần mưu sự mà vẫn có thể được hưởng phúc báo, tích đức hành thiện chính là đã thuận theo ý trời.
Theo Epoch Times