Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, dường như ai cũng có thể cảm nhận một bầu không khí nhộn nhịp khác hẳn ngày thường.
Tết nay có lẽ đã khác nhiều so với Tết xưa, cuộc sống khấm khá hơn, người ta cũng không cần phải chờ đến ngày Tết để được ăn món gì đó. Nhưng không khí ngày tết vẫn khiến tâm người ta rộn ràng, khiến ai đi xa cũng mong ngóng để trở về quê nhà; khiến ai dù bận rộn đến mấy cũng muốn chuẩn bị một chút gì đó cho gia đình có không khí xuân. Cái vui nhất có lẽ chính là cảm giác ấm áp khi cả gia đình quây quần bên nhau cùng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ đón Tết.
Vậy còn phong vị Tết xưa thì như thế nào? Trong cuốn “Nếp cũ – Làng xóm Việt Nam”, nhà văn Toan Ánh đã miêu tả một bầu không khí “kỳ dị” nhưng cũng rất thiêng liêng trong ngày Tết. Chúng ta cùng đọc để xem không khí ngày Tết thời xưa như thế nào:
Ăn Tết
Ăn Tết là một cái thú. Mặc dầu có những người khổ sở lắm. Vì Tết, khi năm cùng tháng tận đã phải chạy ngược chạy xuôi, lạy van hết chỗ này đến cửa khác để vay chỗ nọ mà đập trả chỗ kia cho đến lúc giao thừa mới yên tâm được mà tết với nhất. Lại càng có nhiều người công nợ quá rồi, chạy không đâu tiền trả thì đành liều trốn nợ, đến đêm ba mươi, mới dám lò dò về nhà, thấy khách nợ không còn ai thì bấy giờ mới đóng cửa lại để lo thu dọn mà ăn Tết.
Cái cửa đêm ba mươi đóng lại như thế là một cái gì yên trí lắm đối với con nợ khỏi bị réo róc, chẳng được lâu thì ít ra cũng được đến ngày hạ cây nêu. Bởi trong mấy ngày Tết, nếu cho người ta chẳng kiêng cho mình thì cũng phải kiêng cho người ta để đừng to tiếng đừng giận hờn khiến giông cả năm.
Kể ra nếu từ xưa không có lối kiêng cữ như thế thì có lẽ bây giờ chúng ta cũng nên bày ra cho có để người ta vui sống với nhau, ít nào cũng được lấy năm ba ngày trong một năm, còn hơn là không có ngày nào cả.
Thú nhất và buồn cười nhất là vừa mới chiều ba mươi người ta đã mắng nhau như tát nước vào mặt, mà sáng mồng một ra đường gặp nhau, đã lại nhoẻn miệng cười chúc nhau năm mới làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái. Bao nhiêu công nợ, bao nhiêu điều ong tiếng ve, bao nhiêu giận hờn oán ghét, đến hết ngày ba mươi là hết đấy. Lại cho đến khai hạ mới là bắt đầu lại cuộc sống bình thường, để bắt đầu nói chuyện lại về những vụ đó.
Cái khoảng mấy ngày Tết là cái khoảng mà người ta thấy hoàn toàn nhẹ nhõm để vui với gia đình, để ăn mà biết là ăn ngon, mặc mà biết là mặc đẹp.
Có những đứa con hư, đi lang bạt quanh năm suốt tháng, rồi làm bậy bạ, không ai còn muốn nhìn mặt nó nữa, nhưng đến đêm ba mươi Tết, nó biết lò dò vác mặt nó về, thì người ta cũng thôi, đánh chữ đại xá cho nó, để nó được ăn Tết, xong rồi mới lại đuổi cổ đi. Không khí bao dung trong gia đình Việt Nam thật là một không khí kỳ lạ.
Chẳng rõ như vậy có phải vì ảnh hưởng của những sự kiêng cữ, không thích thấy những gì là nặng tay nặng chân, nặng mày nặng mặt, và không muốn nhìn những gì là đổ vỡ, hư hỏng, xấu xa? Để tất cả một xã hội nhìn nhận ngày Tết là cái gì khác hẳn với những ngày thường trong đó chỉ toàn là tốt đẹp và vui vẻ.
Từ những người tài cao học rộng, đến những người chẳng biết một chữ gì, người nào cũng cảm thấy như mình vứt bỏ một chuỗi ngày cũ kỹ đi, để bắt đầu lần những chuỗi ngày mới, với không biết bao nhiêu hy vọng không biết bao nhiêu yêu đời. Dẫu cho có đứa con đau yếu vạn bất đắc dĩ người ta mới phải chạy tìm ông lang, còn có thể nấn ná được thì người ta cũng để qua ngày mồng một trong khi gia đình thỉnh thoảng ghé vào thăm nom, còn bên nhà ngoài tiếp khách, người ta cũng vẫn tươi cười như không có điều gì âu lo trong bụng.
Người ta nén bỏ những gì buồn phiền, để không làm buồn phiền sang những người khác trong dịp tết. Người ta giấu kín những đau khổ để không làm mất thú vui của người khác trong dịp vui ấy. Dù ai muốn hiểu thế nào đi nữa, tôi cũng vẫn phải nói rằng: đó mới là những thái độ và cử chỉ văn minh.
Giây phút chuyển giao
Bởi vậy ngày tết là một ngày thiêng liêng lắm. Một người sắp chết, hấp hối thêm một giờ nữa sau giờ giao thừa là đã tính thêm một tuổi nữa. Một đứa trẻ xổ ra trước giờ giao thừa một giờ sang đến ngày mồng một là đã bắt đầu lên hai tuổi. Không có ngày nào giờ nào khác trong năm lại có năng lực khiến toàn thể mọi người phân công nhận sự kỳ dị như vậy.
Sự kỳ dị này đã đến một mức không ngờ nữa là cả guồng máy xã hội đã như ngưng cả lại cùng với bầu không khí, cũng như đọng cả lại mà chờ đón buổi giao thừa. Việc gì quan trọng mấy cũng nghỉ hết. Từ trong triều đình đến các tỉnh đường, huyện đường, mọi hoạt động ở mọi ngành đều nhất loạt là nghỉ hết. Cho đến các đền chùa miếu mạo cũng chỉ cúng một lần chót, lần tất niên để rồi nghỉ qua năm mới. Kiện cáo gì cũng nghỉ, giao thiệp gì cũng nghỉ, học hành gì cũng nghỉ, làm ăn sắp đặt gì cũng nghỉ, tính chuyện đi xa đi gần gì cũng nghỉ. Việc thật hết sức cần, nhưng nếu không phải là cháy nhà, là giặc giã cướp bóc, giết người hại của, thì dầu phải làm trong ngày Tết kiếm được nhiều tiền, người ta cũng không bao giờ làm.
Hỏi tại sao thì chẳng ai cần biết rõ hơn, mà chỉ nhận rằng thế đấy, thế mới là Tết. Cho đến cầm cái chổi quét rác trong nhà, người ta cũng không quét nữa, để cho cái ý niệm nghỉ ngơi thật hoàn toàn là nghỉ ngơi, không làm gì cả, cho cả tâm hồn lẫn thể xác hòa đồng với cảnh sắc xuân tươi mà mới hết cả lại.
Thật cứ y như một tấm lụa nhuộm màu, phải lắng lại trong một thời gian rống rỗng cho màu kịp ăn vào đến trong lòng của từng tơ lụa.
Ngày Tết, với những màu nhân tạo của cây cỏ hoa lá, với những màu nhân tạo của nhà cửa đồ đạc, quần áo món ăn, quả là nhuộm thắm lại tất cả lòng người đến nét mặt của mỗi người nữa.
Cho nên người Việt Nam chúng ta đã ăn Tết mãi và sẽ còn ăn tết mãi như một cái thú mà Trời đã dành riêng cho kẻ biết thưởng thức cái giờ phút đẹp nhất của vũ trụ trong một năm vậy.