Kỳ thực chỉ cần thành tâm tín Phật, dựa theo lời Phật giảng mà thực hành, thì dù cho không thắp hương bái Phật, Phật cũng ở bên trên trông chừng và bảo hộ con người.
Người người chen lấn đến thắp hương cúng bái Thành Hoàng
Tại một địa phương nọ thuộc tỉnh Hà Nam có một ngôi miếu thành hoàng. Thần thành hoàng nơi đó vô cùng linh nghiệm, cầu gì tất được đó nên nổi tiếng gần xa. Ban đầu, mọi người đều không biết thành hoàng mang họ Đường. Một ngày hè nọ, tương truyền là ngày sinh của thần thành hoàng. Mỗi năm tới ngày này đều có hàng trăm người không ngại khổ cực từ xa tới hành lễ. Miếu đường vốn không rộng; chỉ trong một ngày có rất nhiều người với những tâm nguyện khác nhau tới bái lễ. Người cầu xin được hạnh phúc cát tường, cầu xua đuổi tà ma, lễ tạ… lần lượt nối tiếp nhau mà tới.
Hôm đó trong miếu hương khói quanh quẩn, nến không ngừng được thắp lên. Người trước vừa thắp hương đốt nến cắm vào bát. Người sau lập tức rút ra để cắm của mình. Qùy lạy cũng không thể quỳ lạy. Nếu quỳ xuống người phía sau sẽ giẫm lên vai; dập đầu cũng lại không thể, vừa dập đầu người khác sẽ trèo qua đầu mà đi lên phía trước. Chỉ trong chốc lát, đám người chen lấn xô đẩy tới tắc nghẽn. Người phía sau không thể vào, chỉ có thể nhìn thần mà cúi đầu. Bên ngoài có những gánh hàng rong bán tạp hóa, biểu diễn nghệ thuật đường phố… lại càng nhộn nhịp hơn. Người đi đi lại lại, san sát, lưng chạm lưng, vai chạm vai; không khí bí bách tới toát mồ hôi.
Ông lão bán rượu lương thiện
Bên ngoài quận thành có ông lão mở một quán rượu nhỏ. Bán rượu là chính nhưng cũng tiện bán thêm trà, nước. Cứ mỗi năm tới ngày này, đều có một nho sinh, ăn mặc sạch sẽ, khí chất phi phàm tới quán rượu nhỏ của ông ngồi uống rượu một mình. Uống rượu xong lại uống chút trà, cả ngày đều ngồi ở đó. Đợi sau khi những hoạt động cúng bái kia kết thúc, người này cũng biến mất.
Mỗi lần tới sinh thần của thành hoàng, ông đều xuất hiện tại quán rượu. Thời gian dài khi đã thành khách quen, ông chủ quán rượu mới biết người này họ Đường; bàn chuyện đông tây kim cổ điển tích đều rất thông thuộc. Ông lão bán rượu vốn đọc sách không nhiều;nhưng vui thích làm việc thiện, nên hai người vô cùng kính trọng nhau; thường nói chuyện tâm đầu ý hợp, vô cùng ăn ý không biết mệt mỏi.
Năm đó, ông lão đã uống chút rượu, nên có chút hơi men chếnh choáng. Vừa đúng lúc người nho sinh xuất hiện, ông thử thăm dò bèn nói: “Ta xem dáng vẻ của ngài, giống như thư sinh ở quê vào nhập học trong thành. Gần đây trong quận thành có tế thần, chuẩn bị thịnh hội, tiếng khèn tiếng sáo ngân vang. Mọi người đều tranh gianh kẻ trước người sau chen chân tới lễ thần. Còn ngài sao lại vui chơi ở ngoài, tới tiệm nhỏ của ta mà uống rượu. Mười ngày sau, ngài rời đi, và lại một năm nữa mới có dịp gặp lại, năm nào cũng vậy làm lão phu không hiểu nổi. Nên mạo muội to gan muốn hỏi một chút nguyên do?”
Thiên nhân cảm ứng
Vị nho sinh nghe thấy lời ông lão, bỗng nhiên thở dài mà nói: “Duyên phận của ta với ông có lẽ chấm dứt từ đây. Mọi việc đều có định số. Kỳ thực ta không phải là người, vốn là thần trong miếu đường kia. Mỗi năm vào ngày này đều tới chỗ ông, cũng là vì để tránh những ồn ào ầm ĩ đó; chứ nào có thực sự học được như Bình Nguyên Quân năm đó, vui mừng uống rượu mười ngày đâu? (Bình Nguyên Quân tên thật là Triệu Thắng, là Tướng quốc nước Triệu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông phục vụ dưới thời Triệu Huệ Văn vương và Triệu Hiếu Thành vương, là một người đức cao vọng trọng)”.
Ông lão bán rượu nghe thấy những lời nói này càng cảm thấy kinh ngạc. Nghi ngờ người này đang nói đùa nên hỏi tiếp: “Mọi người đều cho rằng Thần Phật có thể hiển linh, phù hộ giúp đỡ cho họ; vì vậy mới không tiếc tiêu tốn tiền bạc sức lực, thi nhau tới lễ bái nhân dịp sinh thần của Ngài, là để chúc thọ ngài. Còn Thần lại tránh họ mà ra ngoài vân du, lẽ nào tâm của những người kia không đủ thành kính? Người và Thần dù rằng có khác nhau, nhưng cũng không thể siêu việt khỏi bình thường, Ngài đang lừa lão già này đấy à”.
Người thư sinh cười đáp: “Tại sao ta phải lừa lão chứ? Giữa Thần và người dựa vào cảm ứng tâm linh. Quan trọng là cần có thành ý, không phải ở tại việc dùng loại rễ cỏ vỏ cây hỗn loạn nào làm thành hương thơm tới tế bái. Cũng giống như lão bá đây là người hiểu lý lẽ, lại thành tín. Mỗi ngày tới ngày sinh thần đều ở nơi không có người mà lạy ba lạy. Có khi nào đích thân qua miếu đường đâu, nhưng ta chẳng phải cũng ban phúc cho ông đó sao?”.
Thần Phật phản cảm với điều gì khi con người thắp hương?
Mùi khó chịu trên cơ thể người
Ông lão nghe thấy những lời này, cảm thấy càng kinh ngạc hơn. Quán rượu của ông vốn nhỏ không có người làm vì vậy nên ông không thể rời đi. Nhưng trong lòng vô cùng biết ơn sự bảo hộ của Thành thành hoàng với mình, nên mỗi lần tới sinh thần của thành hoàng, đều không có ai biết mà tự mình hướng về phía miếu làm lễ. Ông lão tin rằng vị thư sinh kia đích thực là Thần, nên chuẩn bị quỳ lạy hành lễ.
Vị nho sinh ngăn cản ông và nói: “Xin lão đừng làm như vậy. Ta tránh né ở đây, thực sự vì có một số việc không nhịn được. Những người tới tế thần không phải tất cả đều có thành ý. Đại đa số là có tư tâm rất mạnh, ta đã phát hiện ra như vậy. Những người này còn ầm ĩ, hỗn loạn. Người thì hành xử vô ý không chú ý tới việc nam nữ có sự khác biệt.
Có người lại vứt bỏ công việc đang làm để chạy tới tế lễ; tận mắt chứng kiến thì không thể nhẫn nại nổi. Hơn nữa, có một số người mùa hè nóng nực này, mồ hôi ra như tắm, y phục đều ướt đẫm; lâu ngày không tắm khiến cơ thể bốc mùi xú uế, cộng thêm mùi hương ngập phòng. Ai ngửi phải không thể che mũi chứ? Còn có từng đợt mùi khác nhau xuất hiện, hỏi ai có thể chịu được?”
Nho sinh còn chưa dứt lời, ông lão bán rượu cũng nhếch miệng cười mà nói: “Đúng vậy, quả thực là như vậy”.
Phụ nữ ăn mặc lòe loẹt không tuân thủ lễ pháp nơi khuê các
Thư sinh nói thêm: “Còn nhiều điều hơn nữa, nhưng tình huống này còn có thể nhẫn chịu một chút. Khó ưa và đáng ghét nhất là những phu nhân có con gái, không tuân thủ lễ pháp nơi khuê các; cảm thấy thắp hương lễ bái có thể lấy lòng được thần linh, cầu được hạnh phúc may mắn. Họ tô son điểm phấn, ăn mặc quần áo đẹp, trang điểm phô trương, ngược lại càng dễ khiến người khác có ý đồ không an phận; cũng không tránh khỏi việc nảy sinh ý đồ xấu.
Bước vào điện thờ, chiêm ngưỡng tượng Thần, còn vạch màn che lên xem. Ta thật sự khó có thể chịu đựng được bọn họ. Những bà cụ tóc bạc có hành động như vậy còn có thể tạm tha thứ. Nhưng những cô gái trẻ có hành vi như vậy thực sự không thể chịu nổi. Có người đêm hôm trước vừa mới cùng đàn ông sinh hoạt, khó tránh khỏi có thể mang bầu, lại có những người phụ nữ tới tháng cũng đến lễ bái. Thần đều phản cảm với những thứ này.
Còn có những phụ nữ nông thôn, mặc quần sam dệt bằng vải gai, trên người dính phân, nước tiểu bẩn thỉu của trẻ nhỏ; lại không chịu thường xuyên tắm rửa. Mùi từ họ và từ những người đàn ông bốc lên hòa vào với nhau. Ta thấy chỉ có đầu gỗ mới chịu đựng được những điều đó. Nơi có tượng thần nghĩa là nơi đó có Thần minh. Những thứ này cho dù là con người cũng sợ tới tránh còn không kịp. Lẽ nào Thần có thể chịu đựng tất cả?”
Chỉ cần thành tâm tín Phật, thì Phật sẽ bảo hộ
Nói xong ông quay sang lão bán rượu mà nói: “Ông là người có tấm lòng lương thiện. Thọ mệnh có thể thêm mười năm nữa. Suy xét tới tình nghĩa bạn bè giữa chúng ta, mười năm sau ta nhất định sẽ sai người truyền tin tới triệu hoán ông. Phía điện đường phía đông của miếu thành hoàng có chức vị phán quan. Khi đó có lẽ tới lúc thay người, trong đó có một vị trí chính là nơi ông ngồi”.
Nói xong, vị thư xinh lấy một thỏi bạc và nói: “Dùng cái này để trả ông tiền rượu mấy ngày qua của ta. Chỉ cần ông thay ta tuyên truyền cho mọi người những lời này, ta đã cảm kích lắm rồi. Đồng thời phàm nơi đâu lập miếu tế lễ thần linh; cũng đều sẽ ban phúc và cát tường cho ông”. Ông lão còn muốn hỏi thêm điều gì nữa, trong nháy mắt đã không thấy bóng dáng thần đâu.
Qua đây có thể lý giải tại sao, trước khi các hoàng đế thời cổ đại khi tế bái trời đất, cao tăng tụng kinh, đều cần phải tắm gội trai giới, thay y phục, để biểu thị sự thành kính, tôn trọng. Chùa miếu chính là nơi thanh tịnh của Phật môn; là nơi cúng dường Phật, Bồ Tát, hàng năm đều sẽ có vô số người thành tín đến đây thắp hương bái Phật, đến cầu phúc và cầu bình an. Vì vậy, khi thắp hương bái Phật tại chùa miếu, đều có cấm kỵ, nhất định phải chú ý.
Theo Sound of Hope