Site icon Nguyện Ước

“Khi say mới nói thật lòng” – điều này liệu có đúng không?

“Khi say mới nói thật lòng” - điều này liệu có đúng không?

Người ta thường nói "rượu vào lời ra" (ảnh minh họa: Pinterest)

Người ta thường nói “rượu vào lời ra”, hay “khi say mới nói thật lòng”, điều này liệu có đúng không? Rượu bia có tác dụng kiểm tra tính trung thực không?

“Khi say mới nói thật lòng” có đúng không?

Có những người sau khi uống vài ly rượu, hoặc vài cốc bia liền nói ra những suy nghĩ và cảm xúc thực sự mà khi tỉnh táo họ sẽ không muốn hoặc không dám nói.  

Theo báo cáo trên trang Live Science, các chuyên gia cho rằng sau khi uống rượu người ta có thể sẽ nói thật, nhưng cũng có thể là không. 

Aaron White, Giám đốc Khoa Dịch tễ học và Sinh trắc học thuộc Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu của Mỹ (National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism) bày tỏ: “Rượu có thể khiến con người nói ra những điều thật lòng. Trong một số tình huống, khi ở trạng thái say người ta có thể sẽ nói thật.”

Rượu bia có thể khiến con người trở nên hưng phấn hơn, biểu hiện ra là sẽ nói to, cười lớn hơn bình thường (ảnh minh họa: Pinterest)

Vậy nên, khả năng tương đối cao là sau khi uống rượu người ta sẽ nói ra những lời thật lòng. Tuy nhiên cũng có lúc lời nói ra tuy có vẻ là thật, nhưng khi tỉnh táo lại họ sẽ không thừa nhận nó. Ví như, có người lúc say rượu nói rằng muốn chuyển nhà hoặc từ chức, nhưng sáng sớm hôm sau khi tỉnh rượu liền rút lại những lời nói đó. 

Mặc dù hiện tại chưa có nghiên cứu nào nói về ảnh hưởng của rượu liên quan đến sự trung thực, nhưng những nghiên cứu về ảnh hưởng của rượu đối với tính cách, cảm xúc cùng khả năng nhận thức là hỗ trợ cho quan điểm trên.

Rượu bia gây ức chế hạch hạnh nhân, giải phóng cảm xúc 

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 cho thấy, những người sau khi tham gia uống rượu thường có thay đổi rõ rệt nhất chính là họ trở nên hướng ngoại hơn.

Mặc dù rượu có thể giúp con người hòa nhập với cộng đồng và nói lên suy nghĩ của mình; nhưng White cho biết tác động của rượu lên tâm trạng có thể khiến những suy nghĩ này trở nên thất thường hơn.

Michael Sayette, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pittsburgh, cho biết: “Chúng ta thường thấy uống rượu sẽ phóng đại cảm xúc của mình. Trong những tương tác vui vẻ, chúng ta có xu hướng cười, nói lớn tiếng; nhưng trong tình trạng không vui, người ta có thể khóc.”

Khi cảm xúc lên cao trào, có thể thúc đẩy mọi người nói ra những suy nghĩ của bản thân, nhưng nó cũng khiến người ta dễ rơi vào trạng thái bất ổn, nói ra những lời không thực sự muốn nói hoặc nói xong sẽ khiến họ phải hối hận.

Sayette từng nói: “Vì rượu làm thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta, nên không có gì ngạc nhiên khi hành vi cũng phát sinh thay đổi hoặc có phần quá khích”.

Ngoài ra, rượu bia còn ức chế hạch hạnh nhân (amygdala) trong đại não, nó đóng một vai trò thiết yếu trong việc đưa ra các phản ứng về cảm xúc như sợ hãi và lo lắng. Khi một người tỉnh táo, hạch hạnh nhân sẽ phát ra các tín hiệu để cảnh báo, ngăn cản các hành vi có thể gây tổn thất trong xã giao; nhưng sau khi uống rượu, các tín hiệu này đã bị ức chế. 

Hạch hạnh nhân (amygdala) là một cụm tế bào hình quả hạnh nằm ở gần đáy não, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, định hình và điều chỉnh cảm xúc của con người (ảnh minh họa: Pinterest)

Tất nhiên là có thể sau khi uống rượu người ta sẽ nói lời chân thật; nhưng cũng có thể là nghĩ một đằng nói một nẻo, và nói những lời mà họ sẽ hối hận sau khi tỉnh lại. Rượu tác động đến tâm con người rất phức tạp, rất khó để phân biệt đâu là lời thật đâu là lời giả. 

Một chút rượu có thể giúp cải thiện khả năng ngoại ngữ

Tuy rằng uống rượu không nhất định khiến người ra nói ra lời chân thật, nhưng trước đây từng có nghiên cứu phát hiện rằng, uống chút rượu có thể giúp cải thiện năng lực ngoại ngữ, khiến người ta nói ngoại ngữ lưu loát hơn. 

Theo tạp chí Time, trong một nghiên cứu công bố năm 2017, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm với một nhóm trên 50 sinh viên Đức đang theo học tại Đại học Maastricht ở Hà Lan. Tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Đức, nhưng trường đại học dạy bằng tiếng Hà Lan nên họ phải học và thi bằng tiếng Hà Lan. 

Mỗi người tham gia đều có cuộc trò chuyện kéo dài 2 phút với người phỏng vấn bằng tiếng Hà Lan. Trước cuộc phỏng vấn, một nửa số người tham gia được yêu cầu uống nước. Nửa còn lại được yêu cầu uống rượu, lượng rượu tùy thuộc vào cân nặng của người tham gia.

Các nhà nghiên cứu ghi lại cuộc trò chuyện thông thường của người tham gia với người phỏng vấn; sau đó yêu cầu hai người Hà Lan bản xứ đánh giá cuộc trò chuyện.

Những người đánh giá không biết người tham gia nào đã uống rượu. Những người tham gia cũng được yêu cầu hãy tự đánh giá mức độ họ nói tiếng Hà Lan của mình, Đáng ngạc nhiên là rượu không hề ảnh hưởng đến khả năng tự đánh giá của họ.

Nhưng theo đánh giá của hai người bản xứ thì những người đã uống một chút rượu nói trôi chảy hơn, đặc biệt là phần phát âm. Còn về các khía cạnh khác như ngữ pháp, từ vựng và lập luận thì tương tự như những người uống nước.

Các nhà nghiên cứu cho biết lượng rượu mà những người tham gia nghiên cứu tiêu thụ là tương đối nhỏ. Tuy nhiên, uống rượu ở mức độ cao hơn có thể không tạo ra những tác dụng có lợi này. Uống quá nhiều rượu có thể có tác dụng hoàn toàn ngược lại, nó thậm chí có thể gây ra nói ngọng, nói lắp.

Vậy thì rốt cục quan niệm khi say mới nói thật lòng có đúng không? White kết luận rằng, có thể có hoặc không, nhưng rượu tuyệt đối không phải là “truth serum” – diệu dược có thể khiến người ta nói thật và thổ lộ hết lòng mình.

Theo Epochtimes