Khi bạn học được cách buông bỏ, tâm tự nhiên sẽ tĩnh lặng và tường hòa, khi đó bạn sẽ nhận ra rằng kỳ thực hạnh phúc đang ở ngay bên cạnh.
- Cảm nhận về hạnh phúc của mỗi người đều rất khác nhau
- Hạnh phúc là gì? Gần ngay trước mắt xa tận chân trời
Học cách buông bỏ
Trái tim con người chỉ nhỏ bằng nắm tay, nên sức chứa của nó cũng có hạn. Nếu bạn chứa đầy những điều bất hạnh thì làm sao có chỗ cho hạnh phúc? Vì vậy, bạn cần phải buông bỏ đi những điều không vui, thì hạnh phúc tự nhiên sẽ tìm đến.
Trong hành trình nhân sinh này, dù người thân bạn bè có thân thiết đến đâu, dù gia tài giàu có đến mấy, dù quá khứ bi thương thống khổ đến đâu, cuối cùng chúng ta cũng phải “học cách buông bỏ”! Chỉ khi coi nhẹ, nhìn rộng, suy nghĩ thông suốt, trong lòng không chút vướng bận, bạn mới có thể sống một cuộc đời trọn vẹn và an nhiên.
Có câu chuyện như sau: Một con quạ ngậm một miếng thịt trong mỏ và một con đại bàng đang đuổi theo nó. Con quạ ngậm chặt miếng thịt và dùng hết sức bay về phía trước, nhưng nó vẫn sắp bị đại bàng đuổi kịp. Khi đó, con quạ đã kiệt sức và không còn quan tâm đến miếng thịt đang ngậm trong mỏ. Ngay lúc nó vừa há miệng để thở thì miếng thịt rơi xuống, bất ngờ con đại bàng lao thẳng vào miếng thịt và quắp bay đi. Con quạ vẫn còn đang bàng hoàng chưa định thần, giờ nó mới nhận ra nếu buông miếng thịt sớm hơn thì nó đã không suýt mất mạng rồi!
Kỳ thực, trên đời có rất nhiều người hành xử cũng giống như con quạ kia. Họ nắm chặt đủ thứ cố chấp không buông, sống một cuộc đời vất vả mệt mỏi, khiến bản thân hao mòn kiệt quệ, không biết bao giờ mới thoát ra được. Kỳ thực, chỉ cần chúng ta học cách buông bỏ và xem nhẹ, buông bỏ quá khứ, danh lợi, tình cảm… thì bạn mới có cơ hội nhìn thấy một tương lai tràn đầy hạnh phúc.
Buông bỏ quá khứ
Quá khứ thân thương của bạn, dù đó là những năm tháng đau khổ bi thương hay là những khoảng thời gian hạnh phúc nhất, thì tất cả chúng đều đã trôi qua, không cách nào có thể quay trở lại được! Cho dù bạn có tự trách, hối hận hay luyến tiếc đến mấy cũng không có ích gì. Bởi vì, quá khứ chỉ có thể “nhớ lại” chứ không thể “quay lại” được. Chỉ bằng cách buông bỏ gánh nặng của “quá khứ”, chúng ta mới có đủ nghị lực để tiến bước về phía trước.
Đợi đến một ngày, khi người nào đó có dụng tâm mà nhắc đến quá khứ của chính bạn, nếu bạn cảm thấy tĩnh lặng như mặt nước không gợn sóng, như thể đang lắng nghe câu chuyện của người khác, thì lúc đó bạn đã thực sự có thể buông bỏ quá khứ của chính mình.
Buông bỏ những truy cầu danh lợi quá mức
Mọi người đều khao khát công thành danh toại, nhưng quá nhiều thì không tốt! Trang Tử từng nói: “Vinh nhục lập, nhiên hậu đổ sở bệnh. Hóa tài tụ, nhiên hậu đổ sở tranh”. Có nghĩa là một khi vinh và nhục trong thế giới được thiết lập, thì sẽ phát hiện ra các nhược điểm khác nhau của bản tính con người; Khi hàng hóa và tài phú được tích lũy, thì sẽ xuất hiện các loại tranh đoạt khác nhau. Lòng tham nếu không được khắc chế vững chắc thì sẽ chìm đắm mãi trong danh lợi mất cả phương hướng, đánh mất chính mình mà không thể tự thoát ra được.
Nghĩ kỹ lại tại sao bạn lại phải bận tâm những thứ này? Đời người như một giấc mộng, sinh ra là hai bàn tay trắng, ra đi chỉ còn lại một nắm đất mà thôi. Bạn không thể mang theo được bất cứ điều gì, hà tất phải phí cả đời vì công danh lợi lộc mà không thoát ra được, rốt cuộc vì sao lại bận rộn như vậy? Phải chăng chính bản thân bạn cũng mơ màng bối rối không biết làm sao? Có lẽ chỉ cần bạn học cách buông bỏ thì tự nhiên sẽ có được sự bình yên trong tâm hồn.
Khi chúng ta nỗ lực làm mọi việc một cách tận lực đến nơi đến chốn mà không truy cầu thành quả, những điều chúng ta nên có thì tự nhiên sẽ đạt được, đây chính là “biết đủ thường vui”.
Buông bỏ tình cảm
Con người có muôn vàn cảm xúc, trong lòng thường mang những cảm xúc tiêu cực không muốn người khác biết, bao gồm những mâu thuẫn, thành kiến và quan niệm sai lầm. Những người lớn cần học cách “buông xả” giống như trẻ con! Trong thế giới của trẻ thơ, phút trước chúng vẫn còn cãi nhau chí chóe, nhưng phút sau lại cười đùa hồn nhiên bên nhau, như thể vừa rồi chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Nhưng trong thế giới của người lớn thì không thể như vậy, họ có thể trở mặt thành thù chỉ vì một chút chuyện bé như hạt vừng.
Giữa người với người chung sống với nhau sẽ có ý kiến bất đồng. Mỗi người lớn lên trong những môi trường khác nhau và có những suy nghĩ khác nhau. Vì vậy tất nhiên sẽ có xích mích, chỉ có buông bỏ đi những thành kiến chủ quan của bản thân và hiểu người khác nhiều hơn, bạn mới có thể có một tâm trạng tươi sáng và rộng mở. Hơn nữa, chỉ có buông bỏ thành kiến với người khác, chúng ta mới có thể nhìn thấy những điểm mạnh và mặt thiện lương của mọi người.
Ngoài ra còn có một loại tình cảm dựa vào người khác, điều này cũng rất không nên có. Người xưa có câu: “Đa tình tự cổ không dư hận, hảo mộng do lai tối dị tỉnh”. Có ý nói rằng, đa tình thì sinh hận, mộng đẹp thì dễ tỉnh. Nhân sinh trên đời luôn có nhiều điều không như ý, nhất là khi bạn yêu một ai đó nhưng tình cảm lại không thành, rất dễ khiến bản thân bị thất vọng, hụt hẫng.
Ngẫm lại thì cần gì bạn phải bận tâm như vậy! Thật ra, chúng ta trần trụi đến thế gian, rồi cuối cùng lặng lẽ ra đi một mình. Mỗi người chúng ta gặp trong đời cũng đều là khách qua đường, dù thân thiết như cha mẹ, con cái cũng chỉ có thể đồng hành cùng nhau trên một đoạn đường đời mà thôi. Thử hỏi ai có thể bên cạnh chúng ta mãi mãi? Vì vậy đừng vì tình cảm mà bi thương đau khổ. Cuộc đời là một con đường dài dằng dặc, nên hãy sống hết mình, đối xử tốt với bản thân, học cách biết ơn và trân trọng tất cả những gì bạn đang có, lúc đó, bạn sẽ cảm nhận dư vị ngọt ngào mà cuộc sống mang lại.
Có thể “buông bỏ” mới có thể “đắc được”
Tham dục của con người là kẻ thù trói buộc trái tim thuần khiết của bạn. Những người gây rắc rối cho chúng ta và khiến tâm tình của chúng ta cảm thấy khó chịu thường chỉ là những yếu tố bên ngoài, còn điều khiến chúng ta không thể an định thực sự lại xuất phát từ suy nghĩ của cái “tôi”. Trong Phật giáo có câu: “Thế gian bản vô sự, dung nhân tự nhiễu chi”, có ý nói rằng, thế gian vốn là không có chuyện gì, người ta tự mình sinh ra chuyện, từ đó tự chuốc lấy ưu phiền. Cái “tôi” đầy tham vọng, cầu danh, cầu lợi, cầu quyền, rất dễ rơi vào vực thẳm mà không cách nào tự giải thoát.
Cái “tôi” muốn đạt giải nhất trong kỳ thi, để gây ấn tượng với người khác. Cái “tôi” muốn mua một chiếc túi hàng hiệu hoặc một chiếc xe hơi triệu đô, để tôn lên khí chất của bản thân. Cái “tôi” nhìn không vừa mắt người khác… Quá nhiều suy nghĩ trói buộc nội tâm của con người, làm sao chúng ta có thể sống một cách ung dung và tự tại?
Nếu hai tay của chúng ta cứ cố chấp cầm một quả quýt liều mạng không buông, không muốn tiến lên thì làm sao phát hiện trong vườn còn có những quả quýt to hơn, ngọt hơn? Chỉ khi bạn lựa chọn buông bỏ, bạn mới có thể cảm nhận được khoảnh khắc hiện tại và quan sát mọi thứ xung quanh. Khi đó bạn mới có thể nhìn thấy phong cảnh tươi đẹp khác. Người xưa nói: “có mất thì mới có được”. Quả là có đạo lý, bởi vì chỉ có học cách buông bỏ, trái tim mới có chỗ chứa cho hạnh phúc tìm đến.
Đến lúc cần phải buông bỏ thì hãy học cách để buông bỏ, để chính mình có thể trở về với bản tính nguyên sơ, hồn nhiên, mộc mạc và đơn thuần. Gặp bất cứ việc gì cũng có thể vui tươi, lạc quan để đối đãi, như thế, bản thân sẽ luôn tràn đầy năng lượng tích cực trong cuộc sống. Khi đó, bạn mới nhận ra kỳ thực hạnh phúc chỉ đơn giản như vậy thôi!
Theo Epoch Times