Phúc khí là gì? Tai họa là gì? Thật khó để nói về phúc họa chỉ trong một hai câu, nhưng hàng ngàn năm qua, vô số người vẫn luôn thảo luận về nó.
Trong cuốn “Ngư tiều vấn đối”, nhà Nho Thiệu Ung thời Bắc Tông đã thông qua cuộc đối thoại giữa tiều phu (người đốn củi) và ngư phủ (người đánh cá) để nói về phúc họa đời người. Dưới đây là 4 đoạn đối thoại rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
1. Tai họa từ tham lam mà ra
Cuộc đối thoại thứ nhất:
Tiều phu đi ngang qua bờ sông, gặp ngư phủ và hỏi: “Lưỡi câu mà không móc mồi câu thì có câu cá được không?”
Ngư phủ nói: “Không thể”.
Tiều phu như có điều suy nghĩ: “Cá bị câu là bởi vì thích mồi câu; người câu cá là bởi vì muốn ăn cá. Cùng là ăn mà kết quả không giống nhau”.
Đời người bận rộn phần nhiều là vì tiền bạc. Cần tiền để sinh sống, chăm lo cho gia đình, đây là dục vọng cơ bản nhất. Tuy nhiên rất nhiều người lại trở nên tham lam, thấy ‘mồi nhử’ là cắn câu ngay, kết quả là gặp tai họa. Nếu có thể tự do tự tại ở trong nước tìm thức ăn, tuy ăn không quá no, nhưng cũng không bị mắc bẫy, cũng sẽ không bị mất đi sinh mệnh.
2. Biết chừng mực mới giữ được phúc khí
Cuộc đối thoại thứ hai:
Tiều phu hỏi ngư phủ: “Tôi thường gánh 100 cân củi, nếu có thêm mười cân nữa thì tôi vẫn không bị sao, vì sao vậy?”
Ngư phủ nói: “Chuyện đốn củi thì tôi không biết. Nhưng tôi đánh cá, nếu không chịu ngừng lại, thì có nguy cơ bị chết chìm”.
Người tiều phu cho thêm 10 cân vào gánh củi mà vẫn thấy bình thường là vì chưa đạt tới giới hạn. Trong khi có người chỉ cần thêm một cọng rơm là sẽ gặp tai họa ngay, bởi vì người đó đã tới giới hạn rồi.
Dù bạn làm gì, quá mức thì đều sẽ gây hại. Nếu có thể nắm vững mức độ của bản thân thì sự tình đều sẽ thuận lợi. Biết đủ thường vui, lựa sức mà làm, phúc khí cũng theo đó mà ngày càng gia tăng.
3. Độ mình độ người
Cuộc đối thoại thứ ba:
Tiều phu hỏi: “Cá có thể ăn sống được không?”
Ngư phủ nói: “Nên nấu chín rồi hãy ăn. Mà muốn nấu chín thì lại phải dùng củi lửa”.
Rồi ngư phủ thở dài nói: “Mà đáng buồn là mọi người ăn cá lại quên mất tác dụng của củi lửa”.
Vạn vật nương tựa vào nhau mà sống, có thể là thuận, mà cũng có thể là nghịch. Nhờ có người xấu mà người tốt mới trở nên nổi bật; nhờ làm việc tốt nên mới có cảm giác hạnh phúc của “tay lưu mùi hương”.
Việc thiện dù nhỏ thì cũng là một ngọn đèn giúp thắp sáng hy vọng cho người khác. Cổ nhân nói: “Độ kỷ độ nhân”, độ mình và cũng độ người, giúp người khác cũng chính là giúp bản thân mình.
Hơn nữa cũng phải học cách biết ơn, vì nhân quả đan xen phức tạp, khó có thể nhìn thấu ngọn nguồn của sự việc, biết ơn mọi thứ đến với bạn, dù tốt dù xấu, như thế mới không bị hao tổn phúc khí.
4. Tâm thái tốt thì phúc cũng sẽ tăng lên
Cuộc đối thoại thứ tư:
Tiều phu hỏi: “Tại sao người tốt ít mà người xấu thì quá nhiều?”
Ngư phủ đáp: “Ví như tiểu nhân gặp điều lành thì rất thống khổ, gặp điều dữ thì rất vui vẻ; quân tử gặp chuyện tốt thì đi làm, gặp chuyện xấu thì ngăn cản”.
Chính là gặp cùng một chuyện mà thái độ khác nhau, và từ đó mà hình thành tai họa hay phúc khí. Có người vì bỏ lỡ chuyến tàu mà vô cùng đau khổ, có người thì lại vui vẻ thoải mái, nhân cơ hội này mà ngắm nhìn phong cảnh một chút.
Phúc họa luân chuyển, nhưng trước tiên phải thay đổi tâm thái của bản thân, mở rộng tấm lòng, như thế mới có thể tìm thấy phúc ẩn trong họa.
Theo Sohu