‘Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’, vậy nên “Không hiểu thì đừng nói vội, hiểu rồi cũng đừng nói nhiều, có lời thì từ từ nói”, đây cũng là thể hiện của một người có trí tuệ.
- Giữ chừng mực: Nói không gay gắt, làm không tuyệt tình, lợi không chiếm hết
- Giá trị của lời nói tốt lành
Không hiểu thì đừng nói vội
Có câu “họa từ miệng mà vào, bệnh từ miệng mà ra”, thế nên đối với những việc chưa hiểu rõ thì đừng vội nói mà tạo nghiệp.
Người xưa có câu: “Quân tử cận ngôn thận hành”, nghĩa là người quân tử nhất cử nhất động, làm gì cũng phải chú ý lời nói và hành động của mình. Đối với bất kỳ việc gì mà chưa thể hiểu được đầy đủ thì tuyệt đối không được phát biểu lung tung.
Khổng Tử nói: “Ta 15 tuổi chí ở học hành; 30 tuổi có thể tự lập; 40 tuổi không còn nghi hoặc; 50 tuổi biết được mệnh Trời; 60 tuổi nghe điều gì cũng thông đạt; 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.
Bậc thánh nhân như Khổng Tử đến năm 40 tuổi mới không còn nghi hoặc, chúng ta lại có thể quá chủ quan mà phát biểu lung tung sao?
Thời nay có rất nhiều công cụ giúp người ta có thể dễ dàng ‘lập ngôn’, muốn phát biểu gì thì có thể lên mạng xã hội đăng lên, chỉ một lát là có hàng ngàn người đọc. Nhưng nếu lời đó nói sai thì sao? Sẽ có bao nhiêu người bị tổn hại vì những lời nói đó? Làm thế nào để vãn hồi?
Vì vậy nhất định cần phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói của mình. Việc gì muốn nói phải tìm hiểu cho tường tận; khi nói cũng không cần phải quá đao to búa lớn, chừa lại một đường lui cho mình.
Hiểu rồi cũng đừng nói nhiều
Thuyền to thì sóng cả, cây cao thì đón gió lớn; người hiểu biết nhiều cũng vì thế mà không ngừng đón nhận những phiền phức. ‘Châm trà chỉ cần bảy phần; ba phần lưu lại là nhân nghĩa’, làm người cũng vậy, có những chuyện không nhất định cứ phải nói hết ra; chừa lại đường lui cho người khác là thiện đãi chính mình.
Trong “Chu Dịch – Lý Giảng” có viết: “Người tốt thì lời ít mà người nóng vội thì lời nhiều”. Đôi khi biết nói chuyện chỉ là thể hiện năng lực, nhưng im lặng lại là thể hiện cảnh giới. Người trí huệ càng cao thì lại càng thâm trầm ít nói; khi không nói thì khí thế như hổ rình mồi, khi nói thì ào ào như thác đổ.
Người có tài ăn nói lại càng phải cẩn thận, gặp việc không nên nói quá nhiều; vì nói được và làm được là hai chuyện khác nhau. “Rượu nhạt uống lắm cũng say; người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”, nói vừa đủ và đúng trọng tâm là thể hiện của người trí tuệ.
Có lời thì từ từ nói
Khi người đang nóng giận hay phiền muộn mà nói chuyện thì cũng khó có thể minh bạch rõ ràng. Người ta hay nói hớ nhất chính là trong lúc tâm trạng không được tốt.
Vậy nên gặp lúc không vui thì phải cố gắng nói năng chậm rãi hoặc nếu được thì có thể im lặng chờ cho tâm ý bình lặng trở lại.
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Dù lời nói của bạn rất có đạo lý nhưng cứ bừng bừng khí thế thì cũng không ai muốn nghe. Gặp lúc tranh luận mà khí hận bốc lên đầu thì tốt nhất là cứ im lặng chờ cho cơn bão lòng qua đi.
Người xưa nói: “Tâm tĩnh lặng mới có thể nhìn xa trông rộng”. Khi gặp vấn đề thì việc đầu tiên cần làm chính là phải tĩnh tâm lại chứ không phải tranh cãi. Vấn đề không phải là ai đúng ai sai, ai có lý ai vô lý, mà chính là bạn có hạ được cái tâm của mình xuống hay không.
Có người ‘gặp chuyện bất bình tuốt kiếm tương đấu’, nhưng thường như thế lại không thực sự giải quyết được vấn đề. Bạn phải giữ được tâm bình khí hòa thì nói người khác mới muốn lắng nghe; bằng không thì có nói nhiều bao nhiêu cũng không có ích gì.
Tổng hợp