Trung thu đến, ngẩng đầu nhìn trăng sáng, mọi người thường nhớ đến câu chuyện Hằng Nga bôn nguyệt – câu chuyện Thần thoại truyền thống cổ xưa sống mãi trong lòng trẻ thơ.
Thế sự xoay vần, chuyện trên thế gian luân phiên thay đổi, mấy ngàn năm đã trôi qua, vì sao những câu chuyện truyền thống về Tết Trung thu này vẫn in dấu và sống mãi trong lòng người?
Các câu chuyện Thần thoại xưa đến từ Thiên thượng này, phải chăng là những thông điệp mật mã giúp khai mở bí mật, giải trừ nỗi thống khổ vô tận trong vòng tuần hoàn sinh lão bệnh tử của con người? Đó cũng là điều con người vẫn đang không ngừng tìm kiếm, truy cầu trong mấy ngàn năm nay!
Chúng ta hãy cùng tĩnh tâm lại, suy tư về ý nghĩa đích thực trong các câu chuyện Thần thoại vào đêm Tết Trung thu.
Hằng Nga bôn nguyệt – Chớ đánh mất cơ duyên và bản tâm tốt đẹp của sinh mệnh
Trung thu là Tết đoàn viên. Hằng Nga là chủ đề chính trong câu chuyện Thần thoại về Tết Trung Thu. Trong sách cổ “Hoài Nam Tử” thời Tây Hán có câu chuyện nguyên tác về Thường Nga (Hằng Nga) bôn nguyệt (Hằng Nga bay lên cung trăng). Khi nhìn ánh trăng tròn chiếu sáng trên cao, tâm nguyện của mỗi người đều là mong muốn người thân của mình có thể mãi mãi bên nhau. Nhưng thật khó mà giải thích vì sao, vào đêm trăng tròn, Hằng Nga lại một mình bay lên cung trăng!
Hậu Nghệ là vị anh hùng đã bắn hạ chín mặt trời trong thời cổ đại, Hằng Nga là mỹ nữ đẹp như tiên trời, lại thông minh hiền thục. Truyền thuyết kể rằng, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện đồng thời mười mặt trời, ánh nắng gay gắt như thiêu đốt khiến mùa màng khô héo, người dân không sống nổi.
Khi đó, chàng Hậu Nghệ dũng mãnh khoẻ mạnh, cảm thấy vô cùng thương cảm cho nỗi khổ của dân chúng. Chàng đã leo lên đỉnh núi Côn Luân, vận dụng Thần lực kéo mở cây cung Thần, một mạch bắn hạ chín mặt trời, đồng thời khiến cho cái mặt trời còn lại phải mọc và lặn đúng giờ. Hậu Nghệ tạo phúc cho muôn dân, vậy nên chàng được người dân kính trọng và yêu mến.
Hậu Nghệ và Hằng Nga, hai người kết thành phu thê yêu thương nhau như chim liền cánh, như cây liền cành, tình cảm vợ chồng keo sơn gắn bó. Thế nhưng, vào một ngày nọ Hằng Nga lại bỏ chồng, một mình bay lên cung trăng! Hậu Nghệ ở lại nhân gian với sự thống hận và tiếc nuối, …
Buông bỏ hết thảy nhân tâm, Hằng Nga một mình bay lên cung Trăng
Vì sao Hằng Nga bay lên cung trăng một mình, có vài cách giải thích về câu chuyện này được lưu truyền như sau. Cách nói thứ nhất là: Hằng Nga ích kỷ tự tư, vì muốn bản thân thành Tiên nên đã trộm ăn viên Tiên đan duy nhất của Tây Vương Mẫu, bỏ lại Hậu Nghệ mà bay đi. Sau khi Hằng Nga bay lên trời, bị Thiên Đế trừng phạt phải sống tịch mịch cô độc tại cung Quảng Hàn (cung Trăng) vắng vẻ.
Nhà thơ đời Đường, Lý Thương Ẩn đã dùng câu thơ “Thường nga ứng hối thâu linh dược, bích hải thanh thiên dạ dạ tâm” (Tạm dịch: Hằng Nga hối hận trộm thuốc Tiên, Giữa trời xanh mây trắng tâm vẫn u buồn như đêm tối) để phỏng đoán khúc mắc trong tâm của Hằng Nga.
Tuy nhiên, nếu Hằng Nga là người tự tư ích kỷ, có tâm phản bội, làm ra việc tổn hại người khác, thì làm sao lại được lên Trời? Kẻ xấu vì sao lại được trở thành Thần Tiên, sao không ở nhân gian, hoặc xuống địa ngục gặp báo ứng?
Còn có một cách nói khác là: Hậu Nghệ và Hằng Nga, phu thê hai người hòa thuận yêu thương nhau. Hậu Nghệ với khí phách và lòng nhân ái đã truyền thụ kỹ năng phép thuật cho người dân khắp thiên hạ, trong đó có một kẻ ác Bồng Mông giả làm đồ đệ xin vào học để lấy trộm thuốc Tiên. Hằng Nga vì không để cho kẻ ác lấy được thuốc Tiên, nên vội vàng nuốt viên thuốc, kết quả là từ từ bay lên trời, và từ biệt Hậu Nghệ…
Thử nghĩ: Tại sao Tây Vương Mẫu chỉ ban cho một viên thuốc Tiên? Là để khảo nghiệm? Hay là đã biết trước? Những ác nhân tham lam độc ác dù cho uống thuốc Tiên cũng không thể trở thành Tiên. Không tu tâm hướng thiện, muốn mượn dùng kỹ thuật thậm chí là giở mánh khóe gian lận trộm cắp để trở thành Tiên, thì Chư Thần có cho phép xảy ra không? Thần Tiên là có tiêu chuẩn nghiêm khắc.
Lẽ nào Tây Vương Mẫu đã nhìn thấy nhân tâm của Hậu Nghệ quá nặng, mê mờ vào danh lợi tình tại nhân gian, sẽ trầm luân trong luân hồi, không có khả năng lên Trời, vì vậy chỉ ban cho một viên thuốc Tiên. Hằng Nga bay lên Trời, không phải vì bất đắc dĩ, mà là vì nàng đã buông bỏ hết thảy tơ tình mà “Bôn Nguyệt” (bay lên cung Trăng), cắt đứt hết thảy nhân tâm mà quay trở về Trời!
Hậu Nghệ mê mờ trong nhân thế, Hằng Nga quay về Trời phục mệnh
Còn có một cách nói khác là: Sau khi Hậu Nghệ bắn hạ chín mặt trời gây hại cho bách tính, dân chúng ủng hộ Hậu Nghệ đăng cơ lên làm vua. Thế nhưng, Hậu Nghệ lấy việc lập được công lớn mà tự kiêu ngạo, càng lúc càng cuồng vọng, phóng túng bản thân sa vào thói kiêu căng, dâm dật, ngược lại trở thành kẻ bạo ngược gây hại cho dân chúng. Hằng Nga vì lo nghĩ cho người dân, không để cho bạo quân trường sinh bất lão, vậy nên đã uống thuốc Tiên.
Hậu Nghệ và Hằng Nga vốn là sứ giả của Thần, sau khi hạ xuống thế gian cứu độ con người, nên là cùng nhau quay về Trời phục mệnh. Nhưng Hằng Nga không thể đánh thức Hậu Nghệ đang bị mê mờ trong nhân gian, cũng quản không được, nên chỉ còn cách bỏ đi bay lên cung Trăng, quay về Trời phục mệnh.
Đêm nay là đêm nào? Đừng đánh mất cơ duyên và ước định ban đầu của sinh mệnh
Đêm nay là đêm nào? Có đêm trăng sáng sao thưa, có đêm trăng mờ sao tỏ, có đêm trăng sao đều mờ nhạt. Con người hành xử tại thế gian cũng là như vậy, có khi thiện tính sáng tỏ, có khi ma tính nổi dậy, có khi mê mờ quên mất bản thân mình là ai. Sau khi hạ xuống nhân gian, những thành tựu đạt được khiến Hậu Nghệ ngày càng chìm sâu trong nhân thế, chàng phóng túng ma tính của bản thân, cũng chính là không thể quay về Trời, càng không thể đề cao tầng thứ. Đây chẳng phải là lời cảnh báo cho con người thế gian hay sao?
Câu chuyện về Hằng Nga và Hậu Nghệ thức tỉnh những ai ngàn vạn năm qua vẫn không thoát được vòng luân hồi. Con người đến thế gian là vì hoàn thành sứ mệnh, đồng thời tu luyện thăng hoa để quay về Trời, đừng đánh mất cơ duyên trân quý nhất của sinh mệnh!
Theo Epochtimesviet