Đạo nghĩa vợ chồng là gốc rễ của hạnh phúc trong hôn nhân. Vợ cư xử với chồng là đạo, chồng đối đãi với vợ là nghĩa. Vợ chồng có trân quý nhau, gia đình mới thuận hòa, êm ấm. Đạo nghĩa ấy là nét đẹp trong văn hóa truyền thống được lưu truyền cho tới ngày nay. Dưới đây là hai câu chuyện về cách đối đãi giữa vợ chồng của người xưa đáng để người đời sau học tập.
Trương Thưởng vẽ lông mày cho vợ
Trong Hán Thư có ghi chép câu chuyện: Trương Thưởng vẽ lông mày cho vợ đã được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Vợ chồng Trương Thưởng vốn là hàng xóm. Thuở nhỏ, ông vô cùng nghịch ngợm. Khi chơi đùa, ông vô tình ném viên đá trúng vào chỗ lông mày khiến cô bé hàng xóm có vết sẹo dài trên mặt. Khi lớn lên Trương Thưởng vô cùng hối hận. Nghe nói cô bé ấy vì dung nhan bị ảnh hưởng mà khó tìm được mối lương duyên. Vì thế, ông bèn tới hỏi và hai người nên duyên vợ chồng.
Vì vết sẹo trên lông mày ngày xưa nên dung nhan của vợ ông bị ảnh hưởng rất nhiều. Vậy nên hàng ngày ông đều tự tay vẽ lông mày cho vợ để che đi vết sẹo ấy. Ngày qua ngày, tay nghề của ông đã trở nên rất thành thục. Tương truyền rằng, ông vẽ lông mày sống động như thực.
Thời ấy, một quan viên thân mang trọng trách lớn mà lại chìm đắm nơi khuê phòng thì quả thực là chuyện ô nhục cho thân phận. Do vậy, Hán Tuyên Đế đã đích thân tới hỏi. Sau khi hiểu rõ sự tình không tiếp tục truy cứu chuyện này.
Trong cuộc sống hiện đại, mặc dù mọi người đều rất bận rộn. Thế nhưng, chỉ cần ánh mắt quan tâm, một câu khen ngợi chân thành động viên tới người bạn đời. Tất cả đều có thể mang tới cho người vợ của bạn một tâm thái vui vẻ. Sao bạn không thử thực hiện?
Lý Bách Hề thành danh vẫn giữ đạo nghĩa vợ chồng
Gia cảnh nghèo khó, vợ hết lòng vì chồng
Bách Lý Hề là người xuất thân nghèo khó, nhưng rất thông minh và được nhiều người quý mến. Dù nghèo khó nhưng vẫn lấy được vợ và có một con trai. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vợ gợi ý ông xa xứ để kiếm kế sinh nhai.
Nhà nghèo không có gì làm cơm chia tay trước lúc chồng lên đường. Vợ ông đã giết con gà duy nhất mà họ có. Bà tháo cánh cửa nhà để làm củi nấu bữa cơm tiễn biệt. Đây hẳn là biểu hiện của đạo nghĩa vợ chồng trong cảnh cơ hàn.
Khi Bách Lý Hề tới nước Tề, ông đã gắng sức phụng sự nhưng phát hiện rằng quan lại đều tham nhũng. Bản thân không có tiền hối lộ để thăng tiến. Toàn bộ số tiền ít ỏi vợ đưa cho ông đã tiêu sạch. Ông buộc phải ăn xin trên phố để sống qua ngày.
Sau đó ông lại tới nước Ngu rồi tới nước Chu. Thế nhưng đường công danh vẫn lận đận vì tài năng của ông không được trọng dụng. Thay vào đó, còn cho ông trông coi súc vật. Sau đó ông còn bị người nước Sở bắt giữ và giam lỏng.
Khi đó, Tần Mục Công đã nghe tới trí tuệ và tài năng của Bách Lý Hề, bèn mời ông làm một chức quan. Cuối cùng Tần Mục Công phong ông làm Tể tướng. Tuy nhiên để mời được Bách Lý Hề, Tần Mục Công phải tìm kế dùng 5 tấm da dê để chuộc ông về từ nước Sở. Khi được phong Tể tướng, ông đã 70 tuổi.
Trọn vẹn đạo nghĩa vợ chồng
Câu chuyện về vị Tể tướng nước Tần nổi danh và được chuộc về bằng 5 tấm da dê đã lan truyền khắp nơi. Vợ của Bách Lý Hề cũng nghe được. Vì thế bà đã tới nước Tần để tìm chồng, nhưng không rõ liệu đó có phải là chồng mình hay không.
Bà có lần nhìn thấy xe ngựa của Bách Lý Hề đi qua nhưng lại không nhìn kỹ nên không chắc chắn đó là chồng mình. Cuối cùng bà tìm được công việc giặt giũ trong phủ của Bách Lý Hề. Vợ của ông đổi thành họ Đỗ. Bà được nhiều người quý mến vì là người chăm chỉ và vui vẻ.
Một ngày nọ Bách Lý Hề mở tiệc đãi quan khách, bà Đỗ đã nhờ đoàn nhạc cho được biểu diễn vì nói mình có tài ca hát. Khi lên sân khấu, bà đã chơi một bản nhạc réo rắt nỗi buồn đau của người vợ mòn mỏi chờ trông chồng nơi xa xôi. Đặc biệt là câu chuyện về bữa cơm chia ly tiễn chồng lên đường.
Bách Lý Hề vô cùng bất ngờ khi nghe bài hát. Bởi lẽ, không ai biết những điều này trừ vợ của mình. Ông đã cho mời người nghệ sĩ vừa hát đó lên và nhận ra đó chính là vợ mình. Họ đã không gặp nhau suốt một thời gian dài, cả hai đều ôm chầm lấy nhau mà khóc vì mừng rỡ và xúc động. Đến cuối đời họ vẫn giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng.
Theo Aboluowang