Site icon Nguyện Ước

Giải nghĩa 12 chữ Hán để thấu hiểu triết lý nhân sinh

Giải tự 12 chữ Hán để thấu hiểu triết lý nhân sinh

Trong mỗi chữ Hán đều ẩn chứa nội hàm rất sâu sắc (ảnh minh họa NTDVN)

Văn hóa Trung Hoa có nội hàm vô cùng sâu sắc, thông qua việc giải nghĩa chữ Hán, chúng ta có thể hiểu được triết lý nhân sinh ẩn chứa bên trong.

Mỗi chữ Hán đều hàm chứa trí tuệ sâu sắc của ngươi xưa và những triết lý nhân sinh phong phú. Thông qua việc lý giải chữ Hán, chúng ta có thể học được cách đối nhân xử thế và thể ngộ những đạo lý trong nhân sinh. Dưới đây là 12 từ tiếng Trung được lựa chọn, ý nghĩa của chúng rất đáng để chúng ta tìm hiểu cẩn thận.

1. Đình – 停 (dừng lại) 

Khi chữ Nhân – “人” (con người) và chữ Đình – “亭” (đình để nghỉ chân) đi với nhau, chúng trở thành chữ Đình – “停” (dừng lại).

Những con đường chuyển thư thời Trung Quốc cổ đại, ở mỗi khoảng cách nhất định sẽ có một cái đình để con người tạm dừng chân trong lúc mệt mỏi. Nhờ đó, họ có thể phục hồi thể lực và lấy lại tinh thần trong quá trình nghỉ ngơi, để chặng đường phía trước có thể đi thoải mái và nhanh chóng hơn. 

Vì vậy, Đình – “停” (dừng lại) là để tiến về phía trước tốt hơn, đó là trí tuệ nhân sinh trong chữ Đình – “停” (dừng lại). 

2. Liệt – 劣 (kém)

Cấu tạo của chữ Liệt – “劣” (kém) rất có ý nghĩa.

Chữ Liệt – “劣” (kém) là gì? Theo nghĩa mặt chữ, Liệt – “劣” (kém) có nghĩa là Thiểu – “少” (kém hơn) những người khác về Lực – “力 (khả năng).

Kém không phải vì sinh ra kém cỏi, mà là bản thân dần dần lười biếng, buông thả mà tạo nên (ảnh minh họa Kenhphunu)

Lý do bạn tệ hơn người khác không nhất thiết là do bạn sinh ra đã tệ hơn, mà ở một khả năng lớn hơn, đó là kết quả của việc bạn ngày càng buông thả, lười biếng và không sẵn lòng nỗ lực nhiều hơn người khác. 

3. Lộ – 路 (con đường)

Bên trái chữ Lộ – “路” (con đường) là Túc – “足” (chân), bên phải là Các – “各” (mỗi), con đường đời chính là nằm dưới “各” (mỗi) bước “足” (chân) của chúng ta. Cái gọi là “hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân” chính là nói đạo lý này. 

Vì vậy, mỗi người đều có thể tìm được con đường nhân sinh cho riêng mình. Nhưng con đường này bạn phải tự mình bước đi và không thể trông cậy vào người khác.

4. Thư – 舒 (thong thả)

Bên trái của chữ Thư – “舒” (thong thả) có nghĩa là sẵn lòng Xả – “舍” (buông bỏ), và bên phải là chữ Dữ – “予” có nghĩa là “cho đi”.

Cái gọi là “舒” (thong thả) có nghĩa là “nếu bạn sẵn sàng cho người khác mà không hề đắn đo thì bản thân có thể nhận lại được niềm vui”. 

5. Phúc –

Bên trái của chữ Phúc – “福” là Y – “衣” (quần áo), bên phải có nghĩa là “一口田” (Nhất khẩu điền). Vì vậy, nhiều người cho rằng một người có quần áo để mặc và có cơm ăn chính là Phúc – “福”. Trên thực tế, nội hàm của chữ Phúc – “福” không chỉ có vậy.

Từ chữ Phúc – “福” trong Giáp cốt văn, góc trên bên trái là “酉”, là một bình rượu, và bên dưới là một đôi tay, góc trên bên phải là “示”, là đài linh thạch nơi đặt đồ cúng lễ từ xa xưa, có nghĩa là dâng bình rượu, cầu xin phù hộ trước mặt Thần linh, đây mới là nghĩa gốc của từ “福” (phúc). 

Về sau, chữ Phúc – “福” trong Kim văn đã lược bỏ đôi tay cầm vò rượu, chuyển “示” qua bên trái và “畐” sang bên phải. Nghĩa gốc của “畐” là “满” (đầy), nghĩa là đầy rượu. Vì “畐” là bầu rượu hình bầu bĩnh, trông như người đầy đặn, có nghĩa là người có tướng phúc. Bởi vậy, chữ Phúc – “福” còn được mở rộng với ý nghĩa phú quý, tướng phúc.

Vì vậy, xét từ nghĩa gốc và nghĩa diễn sinh của chữ Phúc – “福”, kỳ thực chữ Phúc – “福” đến từ sự bảo hộ của Thần. Điều kiện tiên quyết là con người phải kính trời tín Thần, tuân theo thiên lý, chỉ khi đó mới có thể có được Phúc – “福” chân chính.

6. Đạo –

Chữ Đạo – “道” (con đường) do chữ Tẩu – “走” (đi) và chữ Thủ – “首” (đầu tiên) cấu thành. Điều này cho chúng ta biết rằng, nếu chúng ta muốn bước đi trên Đạo – “道” (con đường) nhân sinh, điều đầu tiên là phải bắt đầu bước đi.

Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân (ảnh minh họa Phunutoday)

Lý tưởng, niềm tin, nghị lực, kiên trì và cơ hội là những điều rất quan trọng… Nhưng nếu bạn không hành động và rèn luyện thì tất cả những điều đó đều không có ý nghĩa gì cả.

7. Hoạn – 患 (lo lắng)

Chữ Hoạn – 患 (lo lắng) có Xuyến – “串” (chuỗi) ở trên và Tâm – “心” ở dưới, chúng cùng nhau tạo thành một chuỗi tâm, nghĩa là có quá nhiều tâm. 

Một người không thể chuyên tâm làm việc, điều gì cũng muốn làm, làm việc một cách nửa vời, thì làm sao có thể hoàn thành được việc gì?

Có quá nhiều tâm cũng không phải là điều tốt. 

Một người không thể chuyên tâm đối đãi với được mất, cái gì cũng muốn có, cái gì cũng sợ mất, làm sao có thể không cảm thấy lo lắng? 

Một người không thể chuyên tâm đối đãi với người khác, lúc nào cũng đa nghi, ngờ vực người khác thì làm sao có thể trở thành chính nhân quân tử được?

8. Khoa – 誇 (khoa trương)

Chữ Khoa – 誇 (khoa trương) gồm có Đại – “大” (lớn) ở trên và Khuy – “亏” (thiệt thòi) ở dưới, có thể lý giải, một người kiêu căng tự đại cuối cùng sẽ phải chịu tổn thất lớn.

Người tự cao tự đại thường dùng sự kiêu ngạo của mình để che đậy sự vô tri và kém cỏi của bản thân.  

Một người không biết dùng hành động để thay đổi sự thiếu hiểu biết, kém cỏi của mình, mà lại dùng sự kiêu ngạo để che đậy, thì người đó chỉ có thể ngu dốt và kém cỏi mãi mãi. Cuối cùng vì sự nông cạn và lỗ mãng của bản thân sẽ phải chịu tổn thất lớn.

9. Đồ – 途 (đường đi)

Chữ Đồ – 途 (đường đi) gồm có Tẩu – “走” (đi) và Dư – “余” (dư thừa) cấu thành, có thể hiểu như sau: Nhường cho người khác một ít khoảng trống thì bản thân mới có đường đi.

Nhường cho người khác một ít khoảng trống thì bản thân mới có đường đi (ảnh minh họa vndoc)

Một số người thích tính toán thiệt hơn, có thù thì nhất định phải báo. Vậy thì người đó sẽ làm cho các mối quan hệ ngày càng tồi tệ hơn, khi làm việc gì thì cũng gặp khó khăn trắc trở.

10. Hải – 海 (biển)

Chữ Hải – “海” (biển) bắt nguồn từ Mỗi – “每” (các, mỗi) và Thủy – “水” (nước). Nó là từng giọt từng giọt nước, ngưng tụ lại thành một đại dương bao la. 

Để thành tựu đại dương cuộc đời, bạn phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như “một giọt nước”. Chỉ khi làm tốt những điều nhỏ nhặt đó, bạn mới có thể đạt được sự vĩ đại trong cuộc sống. 

Ngược lại, sở dĩ biển rộng lớn bao la, là vì nó có thể chứa đựng “từng giọt nước”. Nếu là một ao nước nhỏ thì lượng nước nó chứa được sẽ có hạn. Đây là nguyên tắc “khoan dung dẫn đến vĩ đại”, cho chúng ta biết đạo lý rằng, chỉ khi khiêm tốn và bao dung thì mới đạt được sự vĩ đại. 

11. Phạ – 怕 (sợ hãi)

Chữ Phạ – “怕(sợ hãi) bao gồm Tâm – “心” (trái tim) và Bạch – “白” (màu trắng, trống không) cấu thành. 

Ai là người sợ hãi và khiếp sợ? Đó là những người có Tâm – “心 (trái tim) trống rỗng, cũng là những người có nội tâm trống rỗng.

Vậy làm sao mới có thể không sợ hãi và khiếp sợ? Khi người đó không ngừng lấp đầy nội tâm mình bằng việc học tập, lý tưởng, niềm tin và tình yêu, để xua đi những điều trống rỗng trong nội tâm và làm giàu cho bản thân thì tự nhiên sẽ không còn sợ hãi hay khiếp sợ nữa. 

12. Mang – 忙 (bận rộn)

Chữ Mang – “忙” (bận rộn) có nghĩa là Tâm – “心” Vong – “亡” (mất), ý chỉ rằng khi một người bận rộn thì tâm đã mất đi rồi.

Khi bạn bình tĩnh và để “tâm” quay trở lại, bạn sẽ bình yên, bình tĩnh và sáng suốt (ảnh minh họa Phunutoday)

Một người thần thái vội vàng thường là người vô tâm. 

Khi bận rộn thường dễ mắc sai lầm và rối loạn, là do lúc đó tâm bạn đã không còn ở tại đó nữa rồi.

Một người không đặt tâm vào việc đang làm thì sao có thể không mắc sai lầm và rối loạn? 

Khi một người lo lắng, nóng nảy, bất an, vội vàng là những lúc dễ dàng đánh mất “tâm” của mình nhất. Chỉ khi bình tĩnh và để “tâm” quay trở lại, thì người đó mới có thể an định, và mọi chuyện mới có thể hanh thông. 

Theo Vision Times