Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm, đức tính vị tha cũng vậy. Vị tha không chỉ mang lại điều tốt đẹp cho người khác; mà còn giúp chính bản thân mình tìm thấy hạnh phúc và sự an yên.
- Tu luyện: Giải thoát khổ đau, tìm thấy bến bờ hạnh phúc
- Đúng và sai trong suy nghĩ của người tu luyện
Vị tha là đức hạnh truyền thống của nhiều nền văn hoá; nó cũng là giá trị nền tảng của nhiều môn tu luyện, tôn giáo. Người có tấm lòng vị tha là người có thể hành động vô tư vì người khác mà không hề suy tính thiệt hơn. Trái với vị tha là vị kỷ, vị tư.
Hình ảnh đẹp của sự vị tha
Trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu thành viên mãn, các quốc vương trên khắp đất nước Ấn Độ vẫn áp dụng chính sách “trị dân”; coi dân như nô lệ.
Người dân thành Ca-tì-la-vệ cũng như bao thành khác, là tầng lớp bị cai trị; phải nộp sưu cao thuế nặng phục vụ cho những cuộc chinh phạt của quốc vương. Khi không có đủ tiền hoặc lương thực để cống nạp, họ phải chịu đủ đòn roi và những hình phạt hà khắc.
Mặc dù vậy, khi nghe tin Thái tử Tất-đạt-đa (Phật Thích Ca Mâu Ni) chào đời, họ vẫn vui mừng cho niềm vui của quốc vương; họ tung hoa, ca hát suốt ngày đêm. Lòng vị tha, vô tư vô ngã của họ đã khiến tôi cảm động. Tôi thấy họ luôn vui với niềm vui của người khác, cho dù đó là người luôn bắt nạt họ.
Vị tư là cội nguồn của bất hạnh
Trong khi đó, thím Mangala của Thái tử Tất-đạt-đa, người luôn bất mãn trước những điều may mắn của gia đình Thái tử. Trong suốt cuộc đời bà kể từ khi Thái tử chào đời, dù sống trong cung vàng điện ngọc nhưng mỗi năm trôi qua đối với bà chỉ là 365 ngày buồn chán.
Bà luôn cầu mong điều bất hạnh sẽ đến với Thái tử; để rồi thất vọng, hụt hẫng, bất mãn khi điều bà mong đợi không xảy ra. Khi Đức Phật khai ngộ và trở về truyền đạo giải thoát cho người thân, bà mới nhận ra và hối tiếc cho cuộc đời sa ngã của mình.
Vị tha hóa giải tai ương, mang lại hạnh phúc cho chính mình
Tâm tật đố là tâm ghen ghét, đố kỵ, bất mãn khi người khác gặp may mắn; hả hê khi người khác có chuyện buồn; hay so đo những thứ của mình với người khác; luôn cảm thấy cuộc đời bất công với mình…
Tâm tật đố phải chăng là sự bắt nguồn của tất cả mọi tính xấu và tội lỗi? là nguyên nhân gây nên hết thảy mọi bất hạnh của con người?
Người xưa nói “Biết đủ thường vui”, người hạnh phúc nhất chính là người luôn biết đủ; không phải là bạn có được bao nhiêu mà là bạn có hài lòng về những gì bạn có hay không. Hai hình ảnh đối lập của người dân thành Ca-tì-la-vệ và thím Mangala đã minh chứng rõ cho điều này.
‘Tâm tật đố’ trong tu luyện và trong cuộc sống đời thường
Trong Phật giáo cũng coi tâm ngạo mạn, tâm tật đố là vô cùng nghiêm trọng; chỉ xếp sau tham sân si. Nó là chướng ngại rất lớn cho người tu hành; không những không thể thành tựu trong pháp xuất thế, mà ngay cả pháp thế gian cũng luôn luôn bị phiền não này phá hoại sạch.
Các đệ tử đồng môn chỉ vì tật đố với nhau mà bỏ lỡ cả con đường tu luyện; mải tranh biện pháp lý với nhau mà quên mất cả tu chính mình; quên đi mục đích tu luyện là thoát khỏi khổ ải nhân gian chứ không phải hơn thua nhau chút khẩu khí.
Trong cuộc sống đời thường thì tâm tật đố lại càng dễ thấy hơn, người này giỏi, người kia kém, người này dễ nhìn, người kia khó coi… Nhiều người giàu có sung túc, gia đình êm ấm nhưng vẫn luôn cảm thấy tật đố với người khác về một điều gì đó; sống giữa cảnh phồn hoa mà vẫn cứ ưu sầu. Tâm tật đố đúng là thuốc độc, tự hại mình mà cũng hại người.
Nhìn lại tấm lòng vị tha của người dân thành Ca-tì-la-vệ khi xưa, cuộc sống ấy giản dị mà thi vị biết bao; họ là luôn nguồn cảm hứng bất tận cho hành trình tu tâm dưỡng tính của tôi.