Trong lịch sử từng có một gia đình 9 thế hệ chung sống hòa thuận với nhau; đại gia đình cả 900 người nhưng không khi nào xảy ra mâu thuẫn gì lớn. Tất cả cũng là nhờ tuân theo lời giáo huấn của tổ tiên, gặp việc gì cũng phải lấy chữ Nhẫn làm đầu.
- Chữ Nhân (人) ẩn chứa đạo lý thâm sâu đời người
- Ba thế hệ cùng chiểu theo Chân Thiện Nhẫn, một gia đình hạnh phúc
Gia đình 9 thế hệ chung sống hòa thuận
Trong sách “Cựu Đường Thư” có chép lại, có một ông lão tên là Trương Công Nghệ, người ở huyện Thọ Trương, tỉnh Sơn Đông. Tương truyền ông là cháu đời thứ 26 của Trương Lương – danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Trương Công Nghệ sinh vào thời Nam Bắc Triều và mất vào thời nhà Đường, thọ 99 tuổi; sống trải qua 3 triều đại, gia tộc nhà ông có 9 thế hệ cùng chung sống với nhau.
Tổ tiên của ông đề cao triết lý “Nhẫn, Nghĩa, Lý, Nhường” của Nho gia; giữ gìn nề nếp gia phong qua các thế hệ. Người trong nhà đông đúc sum vầy, không ly tán, không chia bè kết phái. Mọi người trong gia đình chung sống hòa thuận, cư xử có phép tắc.
Đến đời của Trương Công Nghệ, gia đình 9 thế hệ với 900 người chung sống chung một nhà; hòa thuận vui vẻ. Đại gia đình chung sống hòa hợp với nhau và rất ít xảy ra những mâu thuẫn hay tranh chấp vụn vặt. Tất cả cũng là nhờ Trương Công Nghệ tuân theo lời giáo huấn của tổ tiên, mọi sự trong nhà cứ lấy chữ “Nhẫn” làm đầu.
Ông thường giáo huấn con cháu của mình rằng: “Cha con không Nhẫn thì mất đi nhân từ hiếu thuận; anh em không Nhẫn thì mất đi yêu thương kính trọng; bạn bè không nhẫn không còn tình nghĩa bằng hữu; vợ chồng không Nhẫn thì tranh luận bất hòa”.
Làm việc gì cũng lấy chữ Nhẫn làm đầu
Chỉ cần một chữ Nhẫn có thể đi khắp thiên hạ; Nhẫn được đói rét cơ hàn mới làm nên việc lớn; Nhẫn được cực khổ gian nan mới có được của cải dư thừa; Nhẫn được dục vọng hoang dâm thì thân tâm an lạc.
Bầu không khí an hòa trong gia đình ảnh hưởng đến cả những vật nuôi trong nhà. Khi cho cả trăm chú chó ăn cơm, nếu chỉ thiếu một con thì các chú chó còn lại cũng không chịu ăn; phải đợi chú chó vắng mặt quay trở về thì mới cùng ăn.
Khi có người đến vay tiền hay mượn đỡ lương thực, nếu đến hạn mà chưa kịp trả thì Trương Công Nghệ cũng không ép nợ. Người trong nhà thấy vậy thì đôi lúc cũng không hài lòng, Trương Công Nghệ khuyên nhủ rằng: “Nếu họ đầy đủ như chúng ta thì đâu có phải đi vay mượn làm gì?”
Trong gia đình thì mọi người đều sống chan hòa với nhau; dù là mẹ chồng con dâu hay mẹ ghẻ con chồng cũng đều yêu thương lẫn nhau. Mọi người đối xử với cha mẹ người khác cũng như đối xử với cha mẹ của mình; coi con cái của người khác cũng như con cái của mình.
Do lấy chữ “Nhẫn” làm đầu nên phàm mọi việc trong nhà mọi người đều có thể bao dung và nhường nhịn lẫn nhau.
Thần khảo nghiệm chữ Nhẫn lần thứ 100
Tương truyền, Ngọc Hoàng thấy được Trương Công Nghệ đã vượt khỏi cảnh giới của một người bình thường, đã có thể nhẫn chịu được những việc mà người khác không thể nhẫn được. Trong 100 điều Nhẫn thì Trương Công Nghệ đã nhẫn được 99 điều.
Ngọc Hoàng muốn Trương Công Nghệ đạt được tầng thứ cao hơn nên đã khảo nghiệm chữ Nhẫn của ông thêm một lần nữa.
Một ngày nọ, cháu trai cả của Trương Công Nghệ làm lễ thành hôn; ngoài cửa khua chiêng gióng trống, bên trong tiệc tùng vui vẻ; người ra người vào ồn ào náo nhiệt. Bỗng đâu có một lão ăn mày quần áo nhếch nhác đi đến nói: “Chúc mừng, chúc mừng, liệu tôi có thể dùng bữa tối với nhà Ngài được không?”. Trương Công Nghệ vui vẻ chấp nhận, lão ăn mày thấy vậy cứ tự nhiên mà đi vào trong nhà.
Trương Công Nghệ sắp xếp cho ông lão ngồi ở phía dưới; nhưng không ngờ ông ta lại nói rằng: “Sao Ngài lại để cho tôi ngồi ở dưới, tôi muốn được ngồi ở phía trên kia kìa”. Trương Công Nghệ thấy ông lão này có phần hơi quá đáng nhưng vẫn bình tĩnh nói: “Phía trên là ưu tiên cho những người có thân phận; ông không thấy mình ăn mặc có phần thiếu lịch sự sao?”
Nhẫn một chút biển rộng trời cao
Lão ăn mày lập tức nói: “Tôi bề ngoài rách rưới bẩn thỉu nhưng không có nghĩa tôi là người xấu; ăn mặc đẹp chưa chắc đạo đức đã cao thượng. Một người có tu dưỡng như Ngài, sao lại đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài?”. Trương Công Nghệ nghe vậy vội chắp tay nhận lỗi và sắp xếp cho ông một chỗ ngồi ở phía trên.
Ăn uống no say xong rồi nhưng lão ăn mày vẫn chưa chịu rời đi, còn đưa ra một yêu cầu oái ăm: “Tôi muốn được ngủ lại đây một đêm; mà tôi thấy ngủ ở phòng tân hôn là thoải mái nhất”. Ai nấy nghe xong đều cảm thấy bất bình, tức giận; Trương Công Nghệ cũng không nhẫn nổi mà nói: “Ông nói chuyện thật hàm hồ, sao có thể yêu cầu vô lý như vậy được?”
Lão ăn mày cười nói: “Không chịu nổi rồi sao? Ngài lại kém Nhẫn như vậy à? Thiết nghĩ, tôi ngủ ở phòng tân hôn thì có gì là sai; tôi lang thang ăn xin khắp hang cùng ngõ hẻm, nơi đâu cũng là nhà. Tôi xem Ngài sẽ xử lý thế nào đây!”
Trương Công Nghệ nghe xong cũng bình tĩnh lại đôi phần, liền quay sang thuyết phục vợ chồng người cháu. Cũng may người nhà họ Trương đều có phẩm hạnh cao thượng; làm việc gì cũng lấy chữ Nhẫn làm đầu; nên khi nghe Trương Công Nghệ khuyên nhủ một hồi, mọi người cũng đồng ý nhường phòng tân hôn cho lão ăn mày. Lão ăn mày vào phòng ngủ thiếp đi, cả đêm hôm đó đều không có chuyện gì xảy ra.
Gia đình nhiều thế hệ hưng thịnh chỉ nhờ một chữ Nhẫn
Sáng hôm sau, Trương Công Nghệ đến phòng tân hôn gọi lão ăn mày nhưng không thấy trả lời; ông vào phòng vén chăn lên thì chỉ thấy bức tượng Thái Bạch Kim Tinh làm bằng vàng. Trên tượng vàng có ghi một câu đối: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự; bách nhẫn đường trung hữu thái hòa”, tạm dịch là: Cần cù siêng năng thì thiên hạ không có việc gì khó; nhẫn chịu nhường nhịn thì trong nhà lúc nào cũng an hòa.
Có thể thấy, Nhẫn có sức mạnh vô cùng to lớn; có thể hóa giải mọi mâu thuẫn trong gia đình; khiến gia tộc hưng thịnh, con cháu thuận hòa. Nhẫn còn có thể nâng cao cảnh giới tâm tính của một người; khiến phẩm hạnh càng thêm cao thượng, cư xử càng thêm lễ độ. Nhìn lại lịch sử từ xưa đến nay, chỉ những người có thể nhẫn được những việc mà người khác không nhẫn được thì mới có thể làm nên đại sự.
Theo Vạn Điều Hay