Hạ Tri Chương là đại thi hào nổi tiếng thời nhà Đường, từng nổi danh với bài thơ “Hồi hương ngẫu thư”. Người đời sau đều cho rằng bài thơ mang nghĩa thương cảm, sầu muộn. Kỳ thực, ngụ ý chân thực trong bài thơ hướng tới những điều tích cực. Cũng chính trong thời gian đó, Hạ Tri Chương gặp được Thần tiên Vương lão, từ đó thay đổi vận mệnh; về sau từ quan tu đạo, cuối cùng cũng tu thành chính quả.
- Thần tiên du ngoạn nơi trần thế, độ người hữu duyên đến chốn bồng lai
- Thần tiên mê lạc nơi trần thế, bỏ quên sứ mệnh của bản thân
Thi nhân đa tài phóng khoáng
Hạ Tri Chương (659 – 744), tự Quý Chân, người quê Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Ông từng đỗ tiến sĩ, làm quan, được vua Đường Huyền Tông rất vị nể.
Sau 50 năm sinh sống, học tập, làm quan tại kinh đô Tràng An, ông xin về quê tu đạo. Ông giỏi về văn từ, có tài hùng biện, kiến thức uyên bác, có trí nhớ đặc biệt, thích uống rượu, tính tình hào phóng. Ông là bạn vọng niên với Lý Bạch. Ông hơn Lý Bạch trên bốn chục tuổi nhưng hai người coi nhau như bạn thân.
Tại phường Tuyên Bình Tây Kinh, Hạ Tri Chương có một ngôi nhà nhỏ. Đối diện nhà ông có một ngôi nhà với một cánh cửa nhỏ, ông thường nhìn thấy một ông lão cưỡi lừa ra vào từ đó. Năm, sáu năm sau, sắc mặt của ông lão đó vẫn như cũ, không thay đổi. Cũng không nhìn thấy người nhà của ông lão.
Tìm hiểu và hỏi những người hàng xóm xung quanh, họ đều nói là ông lão họ Vương chuyên bán dây thừng xâu tiền ở chợ Tây. Sau khi quan sát, thi nhân phát hiện đó không phải người bình thường. Khi rảnh rỗi, ông lại lui tới nhà ông lão và được ông tiếp đón rất cung kính, cẩn trọng.
Tâm tham luyến tài vật tu đạo khó thành
Ông cụ chỉ có một đồng tử sai vặt. Khi Hạ Tri Chương hỏi về nghề nghiệp của ông cụ, ông cũng chỉ trả lời một cách qua loa. Khi hai người trò chuyện, qua lại thân mật hơn thì Hạ Tri Chương mới biết ông cụ là người tu đạo, luyện đan thuật. Xưa nay, họ Hạ vốn là người tôn quý, tín đạo, nên mong muốn bái ông làm thầy.
Sau đó, Hạ Tri Chương mang tới nhà ông lão một viên ngọc trai, nói rằng có được khi ở quê nhà, đã cất giữ nhiều năm, muốn mang tới biếu ông lão; thỉnh cầu ông truyền thụ giảng pháp cho mình. Nhận lấy viên ngọc trai đó, ông Vương đưa cho tiểu đồng, bảo đi mua bánh.
Tiểu đồng dùng viên ngọc đổi được hơn ba mươi cái bánh nướng và mời Hạ Tri Chương ăn. Họ Hạ nghĩ thầm, ngọc trai là vật trân quý, cố ý tặng ông lão, nhưng sao ông lại coi nhẹ như vậy; trong lòng có chút không vui.
Ông lão đã phát hiện ra sự thay đổi thái độ này nên nói: “Đạo thuật chỉ có thể dùng tâm đắc được; sao có thể ở chỗ cố gắng tranh biện? Tâm bủn xỉn keo kiệt không bỏ, đạo thuật không thể thành công. Cần vào nơi thâm sơn cùng cốc, cần phải cần cù, chuyên tâm, dồn trí tìm tòi mới thấy; không phải là thứ có thể truyền thụ nơi thành thị”. Hạ Tri Chương vô cùng xúc động và lĩnh ngộ được ý tứ của ông lão, nên chào ông và rời đi. Mấy ngày sau, không thấy ông lão nữa. Sau đó, nhà thơ xin từ quan, nhập đạo tu luyện và trở về quê.
Hạ Tri Chương trở về quê cũ bỗng thành người xa lạ
Khi Hạ Tri Chương về quê tu đạo, có viết bài thơ “Hồi hương ngẫu thư”:
Hồi hương ngẫu thư kỳ 1
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?
Dịch nghĩa:
Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết
Trẻ con trông thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến?
Đây chính là cảm xúc của ông khi thấy tâm tu đạo của bản thân đã quá muộn; nhưng sau cùng thì đó vẫn là một dấu hiệu tốt. Trước nụ cười ngây thơ, trong sáng và câu hỏi hồn nhiên của các em nhỏ: “Khách từ phương nào đến?”, nhà thơ bỗng thấy ngậm ngùi, thậm chí có phần xót xa. Nhìn hình thức bên ngoài thì hai câu cuối là lời kể mang sắc thái đùa vui hóm hỉnh, nhưng ẩn trong cái “hài” là cái “bi”. Có lẽ ông ước rằng mình có thể quay trở lại cái tuổi thơ ấy, để rồi có thể đắc đạo sớm hơn.
Theo Minh Huệ