Site icon Nguyện Ước

Học viên Australia: Tôi may mắn được là học viên Pháp Luân Đại Pháp

Cuộc sống tốt đẹp nhờ Pháp Luân Đại Pháp

Tôi may mắn được là học viên Pháp Luân Đại Pháp

Nicholas Earle luôn mỉm cười. Khi có người hỏi anh tại sao anh hạnh phúc đến vậy, anh trả lời, “Có quá nhiều điều tốt đẹp đã đến với tôi. Tôi không biết nói sao thành lời, nhưng chúng đều liên quan đến việc tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong bốn năm qua. Đó là lý do tôi cảm thấy mình thật may mắn!”

Đi tìm một ước mơ

Trong khi nhiều người được nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp từ bạn bè hoặc qua các hội chợ hay sự kiện công chúng, trải nghiệm của Nicholas lại khác. Dường như hoàn toàn là ngẫu nhiên.

Một buổi tối tháng 11 năm 2013, như thường lệ, anh lên mạng và tìm kiếm các chủ đề về thần thoại và nền văn minh cổ xưa, những thứ mà anh rất hứng thú. Bằng cách nào đó anh được đưa đến một trang web tên là Pháp Luân Đại Pháp (falundafa.org). Anh chưa từng nghe và không biết đó là gì. Sau khi đọc giới thiệu, anh nhấn vào liên kết video và bắt đầu xem.

Nicholas nhớ lại, “Đó là video bài giảng của Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp. Đêm đó tôi đã không ngủ. Tôi xem liền bốn bài giảng cho đến lúc bình minh”. Sau đó anh dừng lại và đi làm, rồi lại tiếp tục xem khi trở về nhà vào tối hôm đó. Anh đã xem hết chín bài giảng trong vòng ba ngày.

Đó là trải nghiệm thật tuyệt vời. “Khi đang xem các bài giảng, tôi có thể cảm nhận được sâu trong tâm mình rằng đó chính là vũ trụ chân thực, là sự thực về những điều bí ẩn. Thực tế, Sư phụ Lý đã trả lời hết mọi câu hỏi của tôi về cuộc sống”.

Từ video bài giảng, Nicholas ngộ ra rằng, để thật sự trừ bỏ đi những nhân tố xấu của con người, họ phải đề cao tâm tính. Để làm được điều đó, người ta phải tuân theo Pháp của vụ trụ: Chân – Thiện – Nhẫn. Anh nói “Để thay đổi bản thân từ căn bản, chúng ta cần xuất phát từ nội tâm. Nếu không, mọi thay đổi chỉ là hời hợt hoặc ngắn hạn. Khi chúng ta dần dần đồng hóa với nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và hạnh phúc hơn”.

Nhìn lại những kinh nghiệm và kiến thức của mình về văn hóa cổ xưa trước đây, Nicholas nói rằng anh đã nghĩ rằng những nền văn minh đó cùng chia sẻ chung một nền tảng nhất định. Ngoài ra, dường như chúng không có nội hàm sâu hơn. Mặt khác, Pháp Luân Đại Pháp đã kết nối mọi thứ và mang đến cho anh những hiểu biết sâu sắc hơn.

Điều này đã khiến anh rất quyết tâm. “Pháp Luân Đại Pháp là điều tôi đã mơ ước, và tôi sẽ đi theo cho đến hết cuộc đời”.

Trong một buổi tiệc chia tay người bạn chuyển từ Sydney đến Darwin ngày 25 tháng 4 năm 2014, Nicholas nói với bạn rằng “Hôm nay là lần cuối cùng tôi uống bia và hút thuốc. Từ giờ trở đi, tôi sẽ là một học viên Pháp Luân Đại Pháp chân chính”.

Những thay đổi to lớn

Sau một tai nạn lớn, Nicholas bị mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, và trở nên trầm cảm. Anh thường cố gắng vượt qua những cảm giác tiêu cực bằng cách uống thật say. Nhưng bất cứ sự cứu cánh nào với anh cũng chỉ là tạm thời. Ngược lại, những Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp đã mau chóng giúp anh vượt qua sự lo lắng, tính khí thất thường, và những suy nghĩ tiêu cực. Thế giới quan của anh được cải thiện từng ngày.

Không lâu sau, anh được thuê vào làm ở một công ty lớn. “Chỉ có khoảng 1% những người đăng tuyển được nhận vào làm, nên tôi đã rất may mắn”, anh giải thích thêm. Anh đã có thể chi trả cho ngôi nhà và chi phí đám cưới cùng tuần trăng mật. Sau đó, vợ anh đã sinh một bé trai. Anh có thể sống hòa đồng cùng mọi người.

Anh cho rằng tất cả những thay đổi tích cực liên tiếp đến với anh là nhờ phúc lành của Đại Pháp và bởi anh luôn cố gắng tuân theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn. Đó là lý do tại sao anh thường chia sẻ và tham gia các sự kiện để nói với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp.

“Trở thành một học viên nghĩa là tôi luôn sống theo những tiêu chuẩn đó trong cuộc sống thường ngày”, anh nói thêm. “Tôi luôn cố gắng làm tốt nhất dù ở bất cứ đâu, tại nơi làm, ở nhà hay bên ngoài”.

Đạo đức nghề nghiệp

Bắt đầu một công việc mới cũng bao gồm cả những thử thách, và Nicholas thấy rằng đây là cơ hội để anh áp dụng nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong công việc của mình. Một ngày, trong quá trình kiểm tra định kỳ, anh phát hiện ra một lỗi về an toàn và đã ghi chép lại. Điều này khiến người trưởng nhóm phụ trách kỹ thuật cấp cao phàn nàn, nhưng Nicholas đã từ tốn giải thích vấn đề.

Vài ngày sau, người trưởng nhóm lại làm khó Nicholas. “Đây là một khảo nghiệm lớn với tôi, bởi tôi có chiều cao trung bình còn anh ấy cao hơn 1m8. Thêm nữa, lời nói và ngôn ngữ cơ thể của anh ấy vô cùng phản cảm”, Nicholas nhớ lại.

Anh nhắc nhở bản thân, là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, anh phải cư xử một cách từ bi và lý trí. Do đó, anh giữ bình tĩnh và giải thích rõ ràng hậu quả của việc bỏ qua vấn đề an toàn này. Điều đó có nghĩa là cần phải nghiên cứu thêm, cùng với vấn đề trách nhiệm, thậm chí là vấn đề pháp lý.

“Nhìn thấy tôi rất bình tĩnh và không bị uy hiếp, người trưởng nhóm kỹ thuật khó chịu và bỏ đi. Đây thật sự là một tình huống khó đối với tôi. Nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi thậm chí không thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra”, anh nói thêm.

Giải quyết mâu thuẫn với hàng xóm

Nicholas nói rằng Pháp Luân Đại Pháp cũng dạy anh biết cân nhắc đến người khác trong khi hướng nội để cải thiện bản thân. Anh nói “Điều này tưởng đơn giản, nhưng làm được không hề dễ dàng”.

Một lần, anh cần cải tạo lại nhà của mình. Sau khi xin được giấy phép từ chính quyền thành phố, anh đã viết lưu ý cho hàng xóm rằng việc sửa chữa có thể thường xuyên gây tiếng ồn, nhưng vợ chồng anh đã lên kế hoạch để tránh vào các ngày cuối tuần, các buổi sáng sớm và buổi tối để giảm thiểu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, một trong những người hàng xóm tỏ ra không thân thiện và ít nhất ba lần thách thức Nicholas. Trong suốt thời gian này, Nicholas không thấy phiền và cố hết sức để hòa hợp với họ. Mặc dù hầu như mọi lúc anh luôn giữ được bình tĩnh, nhưng áp lực dù sao cũng rất dữ dội.

“Từ các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết rằng điều xảy ra có thể do những chấp trước của tôi. Một khi tôi nhận ra, người hàng xóm đã xin lỗi tôi khi chúng tôi nói chuyện lần thứ tư. Vợ anh ấy cũng xin lỗi vợ tôi”, anh nói.

Nghĩ về những gì mình đã trải qua, Nicholas thấy vô cùng biết ơn Pháp Luân Đại Pháp và Sư phụ Lý. Anh nói, “Con đường tu luyện đã tồn tại hàng nghìn năm qua, nhưng không có mấy ai biết và đi theo. Pháp Luân Đại Pháp vô cùng trân quý, cơ hội hiếm có này tôi không thể bỏ lỡ”.

Theo Minh Huệ