Site icon Nguyện Ước

Cờ vây không phải là để tranh đấu thắng thua

Cờ vây không phải là để tranh đấu thắng thua

Cờ vây không phải để phân thắng bại, mà là để dưỡng thần, tĩnh khí (ảnh minh họa: youtube)

Cổ nhân tạo ra cờ vây không phải vì để tranh đấu thắng thua, mà là để bồi đắp nhân phẩm, tu thân dưỡng tính, sinh huệ tăng trí, biểu đạt cảnh giới tư tưởng. 

Cờ vây được tạo ra không phải để tranh đấu thắng thua

Cờ vây xuất hiện sớm nhất từ thời Nghiêu Đế. Trong “Bác Vật Chí” thời nhà Tấn có viết: “Vua Nghiêu tạo ra cờ vây, dùng để giáo dục Đan Chu”.

Con trai trưởng của vua Nghiêu là Đan Chu, thích chơi bời lêu lổng, tâm không thể tĩnh, nói năng tùy tiện, thích gây tranh cãi. Một ngày nọ, Vua Nghiêu đi đến bên bờ sông Phần, thấy hai vị tiên nhân đang ngồi đối diện nhau dưới gốc cây bách; vạch đường trên cát, dùng đá đen và trắng bày thành một trận đồ.

Vua Nghiêu liền tiến lên thỉnh giáo tiên nhân nên giáo dục Đan Chu như thế nào, một vị tiên nhân đáp: “Đan Chu thiện chiến nhưng không có trí, nên cần phải dựa theo sở thích, dùng nhàn nhã mà làm dịu đi cảm xúc của cậu ta”.

Tranh Nghiêu Đế do Mã Lân triều Nam Tống vẽ (ảnh: Epochtimesviet)

Sau đó chỉ vào đá trên ô cát, nói: “Đây là Dịch Bình, cũng là gọi cờ vây. Bàn cờ vuông mà tĩnh, quân cờ tròn mà động. Chính là chiểu theo trời và đất”.

Nghe nói sau khi Đan Chu học cờ vây, quả thực có tiến bộ. 

Cờ vây ẩn chưa nội hàm và triết lý thâm sâu

Cờ vây còn có mối tương quan với thiên tượng, Dịch lý. Bàn cờ vây tượng trưng cho vũ trụ cấu thành từ 360 thiên thể. Có 19 đường dọc và 19 đường ngang trên bàn cờ, tạo nên 361 giao điểm. Một điểm ở trung tâm, gọi là Thiên Nguyên – tức Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm (âm lịch), được chia ra làm bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ Đen và Trắng đại biểu cho ngày và đêm.

Người ta kể rằng, cách bố trí của bàn cờ vây là mô phỏng theo “Lạc thư”. “Tả truyện” cũng ghi chép, cờ vây thịnh hành rộng rãi thời Xuân thu Chiến quốc, và phát triển chưa từng có vào thời nhà Đường. Hoàng đế Đường Huyền Tông còn đặt ra chức quan Cửu phẩm cho người chơi cờ vây là “Kỳ Đãi Chiếu”, cùng với “Họa Đãi Chiếu”, “Thư Đãi Chiếu”, cùng thuộc Hàn Lâm viện, vậy nên gọi chung là Hàn Lâm. 

Từ góc độ người tu luyện, cờ vây giống như Chu Dịch, Bát Quái, Hà Đồ, Lạc Thư, chúng không thuộc về nền văn minh nhân loại kỳ này; mà nó thuộc về văn hóa tiền sử, vốn dĩ là văn hóa Thần truyền cho con người. 

Trong “Lê Hiên Mạn Diễn” từng nói: “Cờ vây vốn không phải thứ nơi nhân gian, mà là thứ dùng để dưỡng tính, vui đạo của tiên gia”.

Có người so sánh nói rằng, Cờ tướng Trung Quốc là cờ của Nho giáo, cờ vây là cờ của Đạo giáo, nghe cũng khá phù hợp. 

Xe, mã, pháo, tốt, tượng trong cờ tướng, mỗi quân cờ đều có trách nhiệm và quy tắc riêng. Giống như Khổng Tử nói: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, nghĩa là: Vua làm hết đạo vua, bề tôi hết đạo bề tôi, cha hết đạo cha, con hết đạo con.

Còn cờ vây thì sao? Chỉ có hai quân đen-trắng, không bị hạn chế bởi khuôn sáo nào, có thể nói là biến hóa vô cùng. Một âm một dương, vật cực tất phản, cứng quá thì gãy, không chiến mà khuất phục được người,… Những đạo lý này đều được diễn dịch trên bàn cờ. Thật sự là bác đại tinh thâm, huyền diệu vô cùng, trí tuệ của con người không thể thấu đáo.

Từ cổ chí kim, có biết bao bậc đế vương cùng văn nhân nhã sĩ, thường dân áo vải đều thông qua cờ vây mà chiêm nghiệm, diễn dịch ra vô số giai thoại truyền kỳ, mỹ văn thi phú, thậm chí binh thư sách lược, chiến thuật trị quốc,…

Quân cờ chỉ có đen và trắng, tượng trưng cho âm và dương, ngày và đêm (ảnh: Janbox)

Hình thức chơi cờ vây rất đơn giản, chỉ có hai loại quân cờ đen và trắng. Luật chơi cũng đơn giản nhưng sự huyền bí của nó thì không có loại cờ nào sánh bằng, 361 điểm, biến hóa vô cùng. Nếu muốn đếm toàn bộ các “kỳ hình” (bố cục của các quân cờ trên bàn cờ) thì ước chừng phải mất mấy trăm triệu năm.

Vì vậy, có câu nói “thiên cổ vô đồng cục”, chính là không có ván cờ nào giống ván cờ nào. 

Cờ vây chân chính đã bị thất truyền

Tới thời hiện đại, những lý giải về nội hàm cùng cảnh giới tư tưởng của người chơi cờ vây đã thay đổi; hoàn toàn trở thành kỹ năng toan tính, lấy thắng bại làm mục đích, thậm chí còn dùng máy tính thay thế.

Đạo cờ vây gần như thất truyền. Trên thực tế, không chỉ có cờ vây bị thất truyền, thời cổ đại, các ngành các nghề đều coi trọng tĩnh tâm, điều tức, coi trọng đề cao cảnh giới và hàm dưỡng. Cờ cũng như người, văn chương cũng vậy.

Trái lại, xã hội hiện đại khoa học kỹ thuật phát triển khiến đời sống vật chất con người phồn vinh, nhưng lại đánh mất cảnh giới đạo đức và sự tu dưỡng. Dưới những cám dỗ vật chất, âm mưu toan tính, hơn thua thắng bại, con người đã dần đánh mất chính mình, đánh mất đi trạng thái nên có của nhân loại. 

Theo Visiontimes