Học sinh cá biệt luôn cần những người thầy có tấm lòng yêu thương thực sự chân thành. Chỉ có sự thấu hiểu từ trái tim mới có thể cảm hoá được con người, còn quy định thì không thể. Đó là bài học lớn trong cuộc đời làm thầy của tôi.
- Trái tim thiện lương của cô giáo có thể cải biến cả những trò cá biệt
- Con bị mất kiểm soát, người mẹ trong tuyệt vọng tìm thấy ánh sáng
Khi dạy học trở thành gánh nặng của người thầy
Những kinh nghiệm tích lũy được khi ra trường cùng kiến thức lĩnh hội được trên giảng đường Đại học khiến tôi nghĩ: Là một giáo viên đơn giản chỉ cần dạy giỏi. Giỏi ở đây tôi hiểu theo nghĩa truyền đạt thật nhiều lượng kiến thức cho học trò.
Ra trường được một năm, tôi đi thi Cao học để nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi vẫn tiếp tục nuôi dưỡng quan niệm: ‘Giáo viên giỏi thì phải có nhiều kiến thức’. Tuy nhiên, dạy học không giống việc làm bánh. Không đơn giản là người thầy chỉ cần nhào bột cho vào khuôn là có thành phẩm.
Khi tôi được nhà trường phân công vào dạy lớp hệ B trong trường. Lớp này bao gồm những em học sinh học kém hoặc không có khả năng tự thi xin vào học. Tôi bắt đầu mệt mỏi, áp lực và chán nản. Tôi không còn cảm giác “mỗi ngày đến lớp, một ngày vui”. Thay vào đó là cực hình khi tôi phải tiếp xúc với những em học sinh cá biệt.
Hành xử theo Chân Thiện Nhẫn cảm hóa học sinh cá biệt
Khi triết lí “nhồi kiến thức” của mình không còn hiệu quả, tôi thật sự bất lực. Có lần, học trò quậy trong giờ học. Tôi giận dữ đuổi học trò ra ngoài sân trường phơi nắng dưới gốc cây, phạt đứng góc bảng, cho điểm kém. Tôi thậm chí là răn dậy, mắng mỏ gay gắt. Tôi dạy cho xong hết tiết, hết bài. Tôi cũng không nhớ tên, nhớ mặt của các em ở bao nhiêu khóa học sinh đã qua.
Một ngày tôi thật sự bất ngờ và xúc động trước tấm chân tình của người đồng nghiệp dành cho mình. Qua cô ấy, tôi đã biết đến môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bắt đầu hành xử với học trò theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Và mọi thứ đã thay đổi khi tôi gặp cậu học sinh cá biệt.
Cậu học trò năm ấy của tôi tên Thiện, cái tên mà bố mẹ đặt cho cậu ấy mong muốn cậu lớn lên với tâm hồn thiện lương. Thế nhưng, cậu rất ngỗ ngược, ăn mặc phá cách, đi học muộn, ngủ trong giờ và luôn cãi lại thầy cô giáo mỗi khi mắc lỗi.
Giữ lời hứa với phụ huynh
Với thầy cô, cậu ấy là học trò “bất trị”. Mẹ cậu ấy là một người phụ nữ vất vả, vừa phải chăm người chồng bệnh tật, yếu đuối vừa một mình nuôi cậu ăn học. Cậu ấy không những không thương mẹ mà còn cảm thấy xấu hổ, tự ti về hoàn cảnh nhà mình.
Mẹ cậu học trò này gặp tôi, chỉ xin tôi có một điều” xin cô đừng nêu những lỗi của em trước cuộc họp phụ huynh”. Thoạt đầu, tôi thấy khó chịu và cho rằng người mẹ này quá chiều con. Suy nghĩ sâu hơn, tôi thấy mình nông cạn. Cách chì chiết, phê bình trắng trợn một đứa trẻ là cách phản giáo dục nhất mà thầy cô thường làm.
Tôi giữ đúng lời hứa với người mẹ đó. Qua cô ấy, tôi đã hiểu hơn về hoàn cảnh của em học trò Thiện đó. Thay vì coi em là một học sinh bất trị như trước, tôi nhẹ nhàng khuyên bảo, nhắc nhở mỗi khi em phạm lỗi. Em dần coi tôi như người bạn, người chị. Em cởi mở và dễ dàng chia sẻ mọi chuyện hơn. Mỗi sự thay đổi của em là động lực để tôi thay đổi chính mình.
Giải cứu học sinh cá biệt
Năm sau, khi tôi không còn là giáo viên chủ nhiệm lớp em nữa. Tôi có duyên gặp lại em Thiện trong một tình huống đặc biệt. Em bị một nhóm người chặn đánh ngay trước cửa nhà tôi.
Chứng kiến cảnh người qua đường thờ ơ, bạn bè vô cảm khi bạn mình bị chặn đường đánh. Ngay lúc ấy tôi chỉ kịp nghĩ: cứu người là quan trọng.
Tôi lao nhanh vào giải cứu em. Rất nhanh chóng tôi đưa được em ra ngoài. Kiểm tra không thấy e làm sao, tôi gọi mẹ lên đưa em về nhà. Chưa bao giờ tôi lại thấy thương em với vậy. Ánh mắt vừa sợ hãi vừa hàm ơn của cậu học trò khiến tôi càng thấy thương em. Dù “bất trị” tới đâu em cũng luôn muốn được yêu thương, che chở.
Cậu học sinh cá biệt đã trưởng thành
Hai năm sau ngày ra trường em Thiện trở về thăm tôi. Cậu học sinh cá biệt ngày nào giờ khác quá. Bên ngoài vẻ chững chạc của em là một trái tim ấm áp. Em đang theo học tại một trường Cao đẳng nghề. Em học rất tốt và chăm chỉ.
Tôi mừng cho em và ngầm cảm ơn em học sinh cá biệt đã giúp tôi trưởng thành. Tôi nhận ra, yêu thương là con đường ngắn nhất để chạm đến trái tim học trò. Sự lạnh lùng, vô cảm của thầy cô sẽ tạo ra khoảng cách đẩy học trò về phía xa.
Trường học là nơi giúp các em trưởng thành cả về thể chất và nhân cách chứ không chỉ có kiến thức. Muốn dạy học trò học tốt thì trước hết “dỗ” học trò là việc làm trước hết. Học trò cũng giống như con trong nhà, tôi luôn coi chúng giống những đứa trẻ. Bởi là trẻ con nên cần được người lớn yêu thương, bao dung và tha thứ.
Tôi đã trở thành cô giáo của nhiều thế hệ học sinh cá biệt
Không chỉ là câu chuyện về một học sinh cá biệt mà tôi đã trở thành cô giáo của nhiều thế hệ học sinh cá biệt. Có lẽ là cái duyên nên tôi năm nào cũng được nhà trường phân công dạy lớp có học sinh cá biệt. Thường là những lớp cuối của trường, học trò học kém và nghịch ngợm.
Tôi sẽ bắt đầu việc dạy học của mình bằng việc “dỗ” học trò. Tôi ưu tiên “dỗ” học sinh trước rồi mới “dạy”. Đơn giản là khi học trò có ý thức thì việc tiếp thu kiến thức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tôi không còn nuôi triết lí ” nhồi kiến thức” như trước kia mà tạo tính tự giác cho học trò trong việc chia sẻ, nhận lỗi và giúp đỡ.
Bài học làm nhà giáo của tôi
Qua các câu chuyện của học sinh, tôi tự học bài học cho mình. Tôi cũng không gò ép học sinh phải học theo một khuôn mẫu. Bởi khi học trò chỉ biết học thuộc những gì thầy cô dạy sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Như thế, tương lai sẽ không có nhiều công trình sáng tạo cho đất nước.
Ngoài ra, tôi luôn động viên học trò phát huy tối đa khả năng của mình. Một lời động viên của thầy cô có sức nặng khôn cùng khiến học trò thay đổi. Một lời trách mắng rát đau như dao cứa khiến học trò suy sụp.
Và có lẽ, nguồn gốc của mọi sự thay đổi là hành xử theo Chân Thiện Nhẫn. Xin hãy ‘Thiện’ để đủ yêu thương học trò. Xin hãy ‘Chân’ để tỏa sáng những điều tốt đẹp nơi học đường. Xin hãy ‘Nhẫn’ để đủ kiên trì lắng nghe học trò tâm sự. Chỉ có yêu thương là con đường ngắn nhất chạm tới trái tim học trò.