Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Vậy nên chữ tín luôn cần được coi trọng.
Chữ tín trong văn hoá xưa và nay
Người xưa nói “ Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, nghĩa là một lời đã nói ra bốn ngựa không theo kịp, hay câu “ Nhất ngôn cửu đỉnh”, tức một lời hứa nặng như chín cái đỉnh. Và đến ngày nay với những câu nói trên thì nhiều người chúng ta cho là chuyện ngày xưa, chuyện nói trong phim hay trong các tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết kiếm hiệp. Bởi vì cùng với sự đi xuống của đạo đức thì tiêu chuẩn về chữ Tín cũng bị hạ xuống một mức thảm thương. Người ta không dám tin lời hứa nữa vì sợ rằng “lời nói gió bay”.
Vậy nên bây giờ những chuyện hứa hẹn bằng lời là điều rất dễ bị lãng quên. Thậm chí không quên thì người ta khi không thực hiện được cũng sẽ nói dối rằng mình đã lỡ quên. Còn trong những việc liên quan đến quyền lợi thiết thân thì người ta sẽ đem nhau đến chỗ công chứng. Hai bên cùng đóng dấu vào tờ cam kết; giấy tờ của cơ quan công chứng sẽ là vật chứng trước tòa nếu sau này một trong hai bên không thực hiện đúng lời cam kết.
Con người đang dần mất niềm tin
Nghe nói hiện nay có những người yêu nhau, cưới nhau mà ngoài giấy tờ kết hôn ra thì họ còn làm thêm một tờ cam kết trách nhiệm của đôi bên trong cuộc hôn nhân và đem đi công chứng. Ví dụ như sau khi cưới chồng phải làm những gì, vợ phải làm những gì, nếu chồng không hoàn thành thì hình phạt là gì, vợ cũng tương tự như vậy… Rồi sao bao nhiêu lần vi phạm thì vợ hoặc chồng có quyền đâm đơn ly hôn và khi ly hôn thì tài sản, con cái được chia như thế nào..vv….
Nhưng rồi cũng rất buồn cười là trong trường hợp này, cam kết thì cam kết, công chứng thì công chứng, sau khi kết hôn một thời gian người ta đã quên béng những gì mình từng cam kết, và hai người ráng mà kéo lê nhau đi qua những ngày tháng hôn nhân như hai kẻ vừa là tù nhân vừa là cai ngục của nhau cho đến khi chịu hết nổi.
Thật con người hôm nay đã mất niềm tin vào nhau, ngay cả khi đó là người yêu, là chồng vợ.
Nhìn lại nhân loại quá khứ một chút.
Người xưa coi trọng chữ tín như thế nào?
Các tử tù giữ lời hứa
Cuối tháng 12 năm 632, vua Đường Thái Tông đi thăm những ngục thất giam giữ các tử tù. Nghĩ tới năm mới sắp đến, mà những phạm nhân trọng tội này phải ở đây chờ ngày xử chết không được đoàn viên với gia đình, nhà vua sinh lòng thương cảm bèn hạ lệnh thả cho những tử tù này về quê, và mùa thu sang năm phải quay lại thụ án. Chỉ yêu cầu các tử tù giữ lời hứa. Và không phụ lòng tin của ông, vào tháng 9 năm sau, 390 tử tù không có người giám sát, không có người áp tải, “đều tự quay lại đúng hạn, không một ai vắng mặt” (Tư trị thông giám).
Nàng Vương Bảo Xuyến giữ lời thề
Vương Bảo Xuyến là con gái út của tể tướng Vương Vân sống vào thời nhà Đường. Trong một lần du xuân nàng đã gặp một chàng trai nghèo khổ nhưng nghĩa khí tên là Tiết Bình Qúy đã ra tay đánh bọn xấu trêu ghẹo nàng. Sau lần trò chuyện đó nàng đã đem tình cảm của mình dành cho chàng trai ấy.
Năm đó nàng cũng đã đến tuổi cập kê, cha nàng muốn tìm cho nàng một mối hôn sự tốt. Nàng xin cha cho gieo quả tú cầu để chọn chồng, cha nàng đồng ý. Nhưng ông lại khéo sắp xếp chỉ cho những công tử con nhà vương tôn quý tộc vào sân hứng cầu. Vương Bảo Xuyến biết tính cha nên nàng đã lén sai người hầu mở cửa dẫn Tiết Bình Qúy vào sân. Và khi gieo cầu nàng đã cố ý nhằm hướng vào chỗ người thanh niên ăn mặc tồi tàn mà ném. Và không ngoài mong đợi của nàng, chính Tiết Bình Qúy đã bắt được quả cầu.
Bỏ giàu sang sống cuộc đời bần hàn cùng chồng
Cha nàng tất nhiên là không chịu, vì con gái ngọc ngà của mình làm sao có thể gả cho một tên côi cút nghèo khổ như vậy. Con gái chịu khổ đã đành, còn thể diện của ông biết để đâu? Nhưng Vương Bảo Xuyến nói : “Chuyện con ném cầu chọn chồng đã đồn ra khắp nơi, ai ai cũng biết. Nay cha không thể vì người ấy bần hàn mà không giữ chữ tín.” Vậy là nàng nhất mực chỉ lấy Tiết Bình Qúy thôi. Cuối cùng cha nàng đành chịu lý của nàng và để mặc nàng cuốn gói theo chồng mà không cho một đồng làm của hồi môn.
Mặc dù vậy hai vợ chồng nàng vẫn yêu thương nhau và sống hạnh phúc trong một hang động. Một thời gian sau nàng biết chí của Tiết Bình Qúy không nhỏ, chàng muốn góp sức cho triều đình, dấn thân chiến trường kiến lập công lao. Vậy là nàng động viên chồng ra đi và có lời ước hẹn sẽ ở lại chờ đợi chồng trở về. Sau mười tám năm cô đơn, khổ cực chờ đợi, cuối cùng chồng nàng cũng đã trở thành một vị đại tướng quân trở về đón nàng ra khỏi hang đá lạnh lẽo.
Quí Tử treo kiếm bên mộ
Trong Cổ học có kể câu chuyện về Quí Tử sang sứ nước Tấn có đeo thanh bảo kiếm, khi đi ngang qua nước Từ có ghé chơi với vua nước Từ. Vua nước Từ ngắm thanh kiếm ra dáng thích, muốn xin mà không nói ra. Qúi Tử vì còn phải đi sứ thượng quốc, tuy chưa dâng vua Từ được thanh kiếm ấy, nhưng trong tâm đã định cho.
Khi sang sứ Tấn xong, về qua Từ, thì vua Từ không may đã mất, đành tháo thanh kiếm đưa cho Tự Quân. Tự Quân nói: “Tiên quân tôi không có dặn lại việc ấy, tôi không dám nhận kiếm.” Quí Tử bèn treo kiếm vào cái cây mọc bên mộ vua Từ, rồi đi. Người nước Từ ai cũng khen Quí Tử rằng không quên người thân cố, đem thanh gươm báu treo vào cây trên mộ.
Vua Đường Thái Tông đặt niềm tin vào những tội phạm đáng tội tử hình là một điều mà ngày nay chúng ta khó lòng hiểu nổi, nhưng thời ấy vua Thái Tông đã làm như vậy. Nhà vua lấy thành tín để cảm hóa bách tính mà những người tử tù cũng coi trọng chữ tín của bản thân họ, tự nguyện quay lại thụ án.
Nàng Vương Bảo Xuyến không tham phú phụ bần, cãi lời cha mà giữ lấy điều tín nghĩa, lại mười tám năm chờ đợi trong sự mù mờ không rõ chồng có còn sống hay đã chết nơi chiến địa, vẫn một lòng chung thủy, kiên trinh. Điều mà phụ nữ ngày nay nghe tới có khi còn chẳng thể nào tin được.
Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín là chuẩn mực đạo đức
Nhưng hai trường hợp trên là giữ chữ tín khi lời đã hứa với người ta rồi. Đến trường hợp của Duyên Lăng Quí Tử thì thật mới càng khiến cho con người ngày nay bội phần khó tin và khó hiểu: cái tâm muốn cho nhưng vì công việc chưa cho được, mà cũng chưa nói ra lời, khi về người mình muốn tặng kiếm đã khuất.
Lời tuy chưa nói nhưng tâm đã định làm vậy, mới tự hứa trong lòng đã cố gắng làm cho bằng được. Vậy là cứ nhất quyết treo kiếm trên mộ tặng người đã khuất rồi mới chịu về, rõ là chữ tín, là cái tâm thành tín với chính lương tâm mình trước hết. Thật đáng cho người đời phải kính trọng lắm thay. Ôi chao gươm báu hỏi ai không tiếc? Hỏi mấy ai đã cố giữ lời hứa khi lời còn ở trong lòng mình chưa nói ?
Sự thật là xưa hay nay cũng đều có người rất trọng chữ tín và cũng có người xem nhẹ lời hứa. Nhưng nhìn một cách khái quát thì văn hóa truyền thống lấy Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín làm chuẩn mực đạo đức nên người xưa cố gắng noi theo đó mà hành xử. Và người nào làm được tốt thì nhận được sự kính trọng của mọi người, lưu lại những tấm gương sáng để hậu thế soi chung.
Người nào xa rời chữ tín cũng sẽ khó có được cuộc sống bình an.