Có quy luật rằng người hành thiện thì sẽ được Trời xanh chiếu cố. Cho đi sẽ được nhận lại, khi hành thiện mà không cầu báo đáp thì sẽ nhận được phúc báo.
- Không nhặt của rơi, đắc được phúc báo
- Danh y trong tiệm thuốc nhỏ, cứu người vô tư được phúc báo
- Không bỏ vị hôn thê thuở hàn vi, đắc được phúc báo
Kỷ Hiểu Lam là vị quan nổi tiếng thời nhà Thanh. Là tác giả của cuốn Duyệt Vi thảo đường bút ký (một trong những tác phẩm nổi tiếng đương thời). Ông đã lưu lại ba sự kiện kỳ nhân dị sử tại huyện Hiến (Tại phía Đông nam tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) như sau:
Vị quan sai dùng 70 lạng bạc cứu người
Vào thời nhà Thanh, tại huyện Hiến có một nha sai họ Sử; hậu thế sau này không còn biết tên ông là gì. Người này không câu nệ tiểu tiết, tính tình cương trực rộng rãi; rất coi thường những kẻ tiểu nhân có hành vi đê tiện, xấu xa.
Một ngày nọ, khi trở về từ sòng bạc; ông nhìn thấy hai vợ chồng người nông phu đang ôm đứa con ngồi khóc. Người hàng xóm kể lại: “Người đàn ông này không có khả năng trả món nợ cho nhà địa chủ nên phải bán vợ để trả nợ. Hai vợ chồng họ vốn rất yêu thương nhau; đứa con còn đang bú mẹ. Hôm nay người vợ phải rời đi nên gia đình mới đau buồn khóc lóc như vậy”.
Vị nha sai hỏi: “Họ nợ bao nhiêu?” Người hàng xóm đáp: “Ba mươi lạng bạc”.
Vị nha sai hỏi tiếp: “Bán với giá bao nhiêu?”
Người hàng xóm nói: “Bán lấy năm mươi lạng bạc, cho người ta làm vợ bé”.
Họ Sử lại buột miệng: “Có thể chuộc lại được không?”
Người hàng xóm nói: “Vừa mới làm khế ước, chưa trả tiền, có thể chuộc lại được”.
Giúp người không cầu báo đáp
Ông Sử lấy ra bảy mươi lạng bạc vừa thắng được từ sòng bạc đưa cho người nông dân bán vợ và nói với anh ta: “Ba mươi lạng bạc mang đi trả nợ; còn lại bốn mươi lạng bạc hãy giữ làm vốn mưu sinh. Không cần bán vợ nữa”.
Vợ chồng người nông dân vô cùng cảm kích, mời ông Sử vào nhà bày tiệc rượu cảm ơn. Sau khi ăn uống xong người chồng kiếm cớ ra ngoài; khi đi ra nháy mắt với vợ để cô ngủ cùng với ông Sử, để báo đáp ơn cứu giúp. Người vợ biết ý gật đầu, liền nói những lời thân mật với ông Sử.
Sau khi phát hiện ra, ông Sử nghiêm nghị nói với người vợ: “Sử mỗ ta nửa đời làm đạo tặc; nửa đời làm nha sai, giết người chưa từng chớp mắt. Tuy nhiên nhân lúc người ta nguy cấp mà làm ô nhục vợ người ta, tôi sẽ không bao giờ làm”. Nói xong lạnh lùng bỏ đi.
Nhận được phúc báo từ việc giúp đỡ người khác
Nửa tháng sau, sau khi thu hoạch xong; ngôi làng đột nhiên bùng cháy vào ban đêm. Thời điểm này, nhà nào cũng chất những đống rơm và củi từ trong ra ngoài; gia đình ông Sử cũng không ngoại lệ. Khi tỉnh dậy, xung quanh họ đã là biển lửa; ông Sử biết mình không thể thoát ra ngoài được nên đã nhắm mắt ngồi trên giường với vợ con chờ chết.
Trong lúc hoảng hốt ông dường như nghe thấy tiếng ai đó hét lên từ trên mái nhà rằng: “Thiên thượng có lệnh khẩn cấp; miễn tội chết cho cả gia đình ông Sử”. Sau đó, một tiếng nổ lớn vang lên, một nửa bức tường phía sau ngôi nhà đổ xuống; ngọn lửa đang cháy rừng rực rẽ theo lực đổ của bức tường như nhường đường. Ông Sử ôm vợ trên tay trái và đứa con trên tay phải lao ra khỏi biển lửa như thể có ai đó đang giúp đỡ mình.
Sau khi lửa tắt, tổng cộng chín người trong thôn bị chết cháy; hàng xóm chắp tay nói với ông rằng: “Mấy ngày trước chúng tôi còn cười nhạo ông sau lưng. Không ngờ bảy mươi lượng bạc đã cứu sống cả gia đình ông”.
Người con dâu nhờ tâm chân thành mà cứu được mẹ chồng
Cũng ở huyện Hiến, có Du thị vợ của Hàn Thủ Lập; là một người con dâu phụng dưỡng mẹ chồng vô cùng hiếu thuận. Năm Càn Long thứ 25, mẹ chồng bà bị mù mắt; bà tìm mọi cách chữa trị nhưng đều không có kết quả.
Có người lừa đảo nói với bà rằng: Cắt thịt nấu thành dầu để đèn, cầu khấn Thần Phật bảo hộ, mẹ chồng bà sẽ được khỏi bệnh. Bà không nghi ngờ gì nên cắt thịt mình làm theo lời kẻ lừa bịp nọ. Sau hơn mười ngày, mắt của mẹ chồng bà liền sáng trở lại.
Du thị thực sự bị lừa dối; nhưng chính vì sự ngốc nghếch biểu hiện tấm lòng chân thành của bà mà cảm động Trời Phật. Đây chính là đạo lý tinh thâm siêu phàm trong sự vô lý không tưởng.
Câu chuyện về người ăn xin tàn tật
Tại huyện Hiến có một người ăn xin tên Vương Hy Thánh; bẩm sinh hai chân đã bị co quắp, chỉ có thể di chuyển cơ thể bằng đùi và khuỷu tay. Ngày nọ, trên đường đi đi ăn xin, ông nhặt được hai trăm lạng bạc. Ông liền giấu túi bạc vào trong đống cỏ khô rồi ngồi đợi người bị mất đồ tới.
Một lát sau, ông thấy Trương Tế Phi; ông chủ một cửa hàng ăn nọ vội vàng hốt hoảng chạy đến. Vừa nhìn thấy người ăn xin, ông ta liền nói mình vừa bị rơi bạc trên đường, rằng người ăn xin có nhìn thấy không?
Vương Hy Thánh hỏi ông ta mất bao nhiêu tiền. Ông Trương đáp là hai trăm lạng, bằng với số bạc người ăn xin nhặt được. Vì vậy người ăn xin lấy bạc trả lại ông ta.
Ông Trương muốn biếu người ăn xin một chút bạc để tạ ơn, nhưng ông từ chối không nhận. Ông Trương lại mời người ăn xin về nhà hy vọng có thể chăm sóc người ăn xin.
Không tham lam, nhận được phúc báo
Vương Hy Thánh nói: “Thân thể tôi sinh ra đã tàn tật, đó là sự trừng phạt của ông Trời; nếu tôi ăn ở trong nhà ông thì trái với ý trời, nhất định sẽ gặp phải tai họa lớn”. Nói xong, kiên quyết rời đi.
Sau đó, khi ông cảm thấy mệt mỏi và nghỉ ngơi dưới từ đường họ Bùi Thánh Công (Bùi Thánh Công không rõ lai lịch tên tuổi. Theo những người dân sống vào thời đó, Bùi Thánh Công là người có khả năng cầu mưa rất giỏi), bỗng có một người say rượu kéo chân ông một cái khiến ông cảm thấy đau tới tê tâm liệt phế. Sau khi người say rượu này rời đi, ông liền duỗi chân ra, hai bắp chân co quắp trở nên thẳng tắp. Từ đó về sau, ông có thể đi lại bình thường và sống đến năm Càn Long thứ ba mươi sáu. Trương Tế Phi vốn là khách của ông nội Kỳ Hiểu Lam. Kỳ Hiểu Lam đã từng gặp ông và được nghe ông kể về sự việc kỳ lạ này.
Người ăn mày nhặt được của rơi nhưng ông bằng lòng với số phận của mình và không nhận phần thưởng, không cầu mong báo đáp. Vì vậy, Thần Phật đã ban cho ông một phần thưởng xứng đáng.
Làm việc tốt nhận được phúc báo từ xa xưa đã có nhiều câu chuyện có thực được lưu truyền. Những nhân vật như vàng trong cát, triển hiện cho hậu thế chiếc chìa khóa vàng lấp lánh của cuộc đời.
Theo The Epochtimes