Trong cuộc sống ganh đua thời hiện đại chúng ta vẫn thường không chân thật vì muốn đạt được điều này điều nọ mà vô tình đánh mất nhân cách của chính mình.
Con gái chân thật không muốn cha giúp làm bài thi
Buổi sáng vào một ngày trong thời dịch, người cha đi nộp bài thi cho con gái , vì học online nên bài thi được phát về nhà làm trong hai ngày. Giở ra mới thấy vẫn còn một bài toán cuối con chưa làm. Cha hỏi con tại sao không nói cha giúp, thi ở nhà thì ai cũng có thể giúp con của họ, đâu có gì mà lo. Con gái không nói gì, còn tôi thì thầm vui và biết trong lòng con cũng đang vui vì bây giờ đã phải đi nộp bài nên cha cũng không thay đổi được quyết định của con nữa.
Người ta nói rằng những điều mơ ước chúng ta không thực hiện được thường hy vọng con mình sẽ thực hiện nó thay mình. Và tôi hôm nay đang tận hưởng niềm vui đó. Niềm vui thấy con mình làm được điều mình không làm được.
Vì muốn điểm số cao mà gian lận trong giờ thi
Ngày còn đi học tôi chỉ tạm được được vài môn như Ngữ văn, sinh học, địa lý. Còn lại đa số tôi đều ghét học, sở dĩ ghét học vì học dốt quá, đi học mười hai năm chẳng có bao giờ được học sinh giỏi cả, chỉ có khá với trung bình thôi, mà cái “khá” này cũng là do miệt mài chép tài liệu với ngó bi người ta , tuy nhiên tôi thấy hiệu quả của việc chép tài liệu tốt hơn hẳn đi photo tài liệu, vì photo thì không nhớ bài nhưng chép tay thì tự nhiên nhớ vào trong óc, có khi đề ra tôi cứ vậy mà làm không cần len lén giở tài liệu ra coi nữa.
Có hồi tôi cho đứa bạn chép bi, nó lo ngại hỏi “có chắc đúng chưa? Hay giở tài liệu ra dò lại cho chắc ăn.” Tôi cười trấn an nó, tôi biết có giở ra dò thì bài làm cũng không còn giống như chép trong tài liệu nữa, nhưng đại ý là như vậy, tôi nhớ đại ý rồi viết lại nên tất sẽ có thay đổi, mà đứa bạn đó tôi biết nó ngố lắm, bao giờ cũng cho rằng phải thuộc y chang, chép nguyên xi lại kia thì mới đúng.
Những môn phải làm bài tập như Toán , Lý , Hóa,…tôi chịu chết dí; có hồi ngồi thi mỗi đứa một bàn; tôi đã phải rướn cái cổ của mình dài ra như cổ con cò để dòm bài người ta ở dãy bàn bên kia; nên có đôi khi chữ còn chữ mất; nhưng tôi không quan tâm nhiều về điều đó; với tôi mà nói thì chỉ mong có cái để chép cho đầy giấy còn hơn là để giấy trắng.
Chuyện gian lận thi cử của học trò thời xưa
Nói tới đây tôi lại nhớ tới ông Hà Ngại; ông là một vị quan cuối đời nhà Nguyễn, người Quảng Nam, ông kể hồi còn đi học; vì học giỏi nên ông cũng đi thi giùm người ta để kiếm tiền phụ giúp gia đình; những cậu ấm con cái gia đình danh giá hay những anh thường dân áo vải muốn kiếm chút tiếng; những người này không cần đậu, chỉ cốt có tiếng là thí sinh đi thi thôi là được rồi; mục đích là để được miễn siêu, lại có chút danh vọng với đời đặng dễ bề đi hỏi vợ thôi chứ không cần phải đỗ đạt làm quan; nên thi giùm những người đó không khó khăn gì mà cũng không hại gì cho việc bổ nhiệm người tài vào công việc sau này của triều đình.
Ông nói lúc đó ông làm chuyện thi giùm ấy vui vẻ lắm và tiền kiếm được cũng khá lắm; và khi làm những chuyện này ông cũng không nghĩ đó là làm việc xấu. Vậy đó; xưa hay nay cũng đều vì danh, vì lợi cả; chỉ có mức độ thay đổi mỗi thời mỗi khác nhau thôi. Thời ông đã vậy, thời chúng ta thì thê thảm hơn quá nhiều rồi.
Cá ở trong bùn nên cá đâu tự biết mình dơ
Như con cá ở trong bùn rồi nên tôi không biết mình dơ. Tôi không nghĩ chuyện tôi làm là xấu xa gì. Như đa số những người nông dân; chuyện học hành của tôi cha mẹ tôi cũng không biết gì đến; và họ chẳng bao giờ nghi ngờ tôi là một đứa trẻ không chân thật, họ cũng chẳng đòi hỏi tôi phải học hành giỏi giang. Với họ tôi chỉ cần vui vẻ và khỏe mạnh là đủ rồi.
Ngày đó tôi không cho rằng những chuyện như vậy là xấu; vì tôi thấy gần như ai ai cũng chép tài liệu và ngó bi nhau; chỉ có một số rất hiếm những người có thực lực thì mới hoàn toàn không làm như vậy.
Khi một hiện tượng xấu xí đã trở nên quá phổ biến; như khi ai cũng ở trần đóng khố mà có vài người bận áo quần tử tế thì nhóm người ăn bận tử tế kia ta chỉ coi như du khách ghé chơi thôi; và ta ở trong cái đám đông đóng khố đó ta thấy mình không có gì khác lạ lắm. Tuy nhiên nơi sâu thẳm trong nhận thức tôi vẫn hiểu điều đó là không đúng; nhưng vẫn thấy yên lòng vì quanh mình rất nhiều chuyện không đúng nó vẫn được đa số mọi người xem như bình thường rồi nên chẳng sợ ai cho mình là bất thường nữa.
Dạy con chân thật để giữ gìn nhân cách
Bây giờ tôi đã làm phụ huynh, đã hiểu chuyện hơn xưa và tôi cần dạy con mình sống khác tôi ngày đó. Đừng hòa mình theo những con người đang tụt dốc trong xã hội để rồi cảm thấy xung quanh ai cũng vậy mà yên tâm mình cũng vậy là bình thường. Cuộc sống vật chất cao hơn nhưng đời sống tinh thần kém xuống; điểm số cao hơn nhưng nhân cách kém xuống.
Hôm nay nó đã làm được không cần chạy theo điểm số cao; không cần làm chuyện mà khi người ta hỏi tới thì phải cúi mặt ngượng ngùng hay phải nói dối để che đậy. Nó vui vì đã làm được hết những bài nó làm được và thẳng thắng chừa lại bài nó chưa làm được mà không sợ ít điểm hơn bạn bè.
Trẻ con như tờ giấy trắng; ngay từ đầu chúng ta có thể hướng nó tới những giá trị tốt đẹp; giữ vững nguyên tắc làm người : chân thật; lương thiện, nhẫn nhịn. Không chạy theo những thứ phù phiếm hư ảo; ta sẽ có được những đứa con tuy không đạt điểm số cao, không giỏi nhất lớp nhất trường…nhưng sẽ là những đứa con khiến ta yên tâm nhất .
Có thể bạn quan tâm: