Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra bất lực trước những đứa con của mình vì chúng không thể dạy bảo được, nhưng nguyên nhân cũng là do cha mẹ nuông chiều con quá mức.
- Dạy con cái không nghe lời: Hạ sách nhất là đánh, vậy thượng sách là gì?
- Vì sao cha mẹ không nên nói dối con cái?
Các nhà tâm lý học nói rằng, những đứa trẻ được nuông chiều không thực sự muốn trở thành kẻ gây rối bị bạn bè bài xích. Chúng khao khát được cha mẹ dạy dỗ và ngăn chặn những hành vi ngỗ ngược, ích kỷ của chúng, chứ không phải là thỏa hiệp với chúng. Khi bạn phát hiện mình đã làm hư con, thì cần phải xem lại ngay phương pháp nuôi dạy con trước đây; xem con có rơi vào trường hợp mà các chuyên gia gọi là phương pháp giáo dục sai lầm không.
Nuông chiều quá mức con trẻ là sai lầm
Trẻ em được nuông chiều quá mức thì khi lớn lên sẽ dễ trở thành người hư hỏng; không thể thích nghi với những thay đổi của cuộc sống, không thể duy trì công việc, hôn nhân và các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Tiến sĩ tâm lý học Dan Kindlon của Đại học Harvard cho biết, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức khi còn nhỏ, thì một khi bước vào thời kỳ thanh thiếu niên, chúng dễ trở thành tự cao, thiếu tính kỷ luật, lo âu và trầm cảm. Tiến sĩ tâm lý học Ruth A. Peters nhắc nhở các bậc cha mẹ nên kiểm tra những hành vi cưng chiều sai lầm được liệt kê dưới đây:
Luôn lấy trẻ làm trung tâm, không dạy chúng cân nhắc đến cảm xúc của người khác. Không khuyến khích những hành vi tốt đẹp của trẻ mà ngược lại còn động viên trẻ khóc để thu hút sự chú ý. Không có quy định rõ ràng về hành vi của trẻ, không dạy trẻ những đạo đức xã hội cơ bản như sự kiên nhẫn và tôn trọng, ngược lại còn hay đưa ra những quy tắc không nhất quán. Một khi trẻ mất bình tĩnh, bạn lại nhượng bộ và mua quà này kia cho trẻ; hoặc là thường xuyên kêu ca, phàn nàn trước mặt trẻ.
Điều chỉnh hành vi nuông chiều trẻ quá mức
Một bé gái tám tuổi, mỗi khi bố mẹ không đưa đi ăn tối hay xem phim, cô bé lại la hét, khóc lóc, buộc bảo mẫu phải liên tục gọi điện cho bố mẹ cho đến khi họ vội vã về nhà. Những đứa trẻ hư thường thích ra lệnh cho người khác, thô lỗ với người khác, không thích chia sẻ; và khi cha mẹ không chịu mua đồ chơi mới, chúng sẽ ngồi bệt xuống đất và khóc. Đôi khi chúng không trả lời câu hỏi và cố tình phớt lờ cảnh báo của cha mẹ.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết con mình hư hỏng nhưng đành bất lực. Tiến sĩ Peters tin rằng các bậc cha mẹ không cần phải hoảng sợ, chỉ cần họ thú nhận với con rằng: “Cha/mẹ đã làm hỏng con rồi. Từ giờ cha/mẹ sẽ thiết lập lại các quy tắc kỷ luật đối với con”. Phụ huynh có thể tham khảo thêm lời khuyên của các chuyên gia để điều chỉnh những hành vi nuông chiều con quá mức.
1. Thiết lập phong thái mà cha mẹ nên có
Mối quan hệ cha mẹ – con cái hiện đại đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ bình đẳng như bạn bè; việc này cũng làm phát sinh nhiều điều tiêu cực. Các bậc cha mẹ ngày nay không dám yêu cầu con cái làm việc gì với giọng điệu ra lệnh. Thay vào đó họ sử dụng phương pháp chất vấn hoặc biểu quyết; dẫn đến hành vi độc đoán của trẻ ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Theo Richard Bromfield, Tiến sĩ tâm lý học tại Trường Y Harvard, trẻ em thực sự muốn cha mẹ chúng có phong cách mà cha mẹ chúng nên có; đặt ra các quy tắc và hướng dẫn chúng lớn lên bình thường. Một khi cha mẹ thiếu những hành vi kỷ luật này, con cái sẽ tiếp tục tạo ra những rắc rối làm phiền lòng cha mẹ; chúng đang muốn dò xét xem bao giờ cha mẹ sẽ ngăn chặn những hành vi của chúng.
2. Kiên quyết chấm dứt việc nuông chiều quá mức làm hư trẻ
Chỉ cần cha mẹ không do dự và kiên quyết ngừng cưng chiều con cái, vậy thì có thể cải thiện hành vi của trẻ một cách đáng kể. Ví dụ, nếu trẻ em được yêu cầu dọn phòng, chúng phải được giám sát để làm sạch phòng một cách kỹ lưỡng. Kỷ luật con cái là một công việc rất mệt mỏi; cha mẹ thường không thể kiên trì đến cùng, làm cho bao công sức trước đó đều đổ sông đổ biển.
3. Thiết lập các quy tắc và hình phạt rõ ràng
Khi quản giáo con cái, thay vì la mắng “không được”, “mẹ đếm đến ba”, hay cằn nhằn không ngừng, thì tốt hơn là bạn nên nói rõ ràng và ngắn gọn những gì bạn muốn chúng hoàn thành và hậu quả của việc không tuân theo các quy tắc. Chỉ cần không để cho trẻ cảm thấy bị thiếu thốn, bị bài xích hoặc không được yêu thương, thì phải để cho chúng làm quen với những hạn chế hợp lý.
4. Tránh bao bọc trẻ quá mức
Việc bao bọc trẻ quá mức sẽ ngăn cản trẻ em phát triển nhân cách một cách bình thường. Trừ khi tình huống quá nguy cấp, còn không thì cha mẹ nên để con cái chịu khổ một chút; để cho trẻ phải chịu trách nhiệm cho những hành động của chúng.
5. Hạn chế những nhu cầu vật chất của trẻ
Một số cha mẹ nhịn ăn nhịn mặc, chỉ mặc quần áo rẻ tiền. Nhưng họ sẵn sàng mua cho trẻ một đôi giày mắc tiền, khiến cho trẻ không học được cách tiết kiệm và phó xuất để có được thứ chúng muốn. Việc có được một thứ quá dễ dàng sẽ làm cho trẻ không biết trân quý đồ vật và công sức của người khác.
6. Dạy cho trẻ cách vượt qua sự ‘nhàm chán’
Lo lắng con quá chán, cha mẹ luôn cố gắng nói chuyện với con; chơi trò chơi hoặc giúp con tìm bạn cùng chơi. Tuy nhiên, dạy trẻ cách tự tìm niềm vui rất hữu ích cho sự phát triển của trẻ. Khi hầu hết trẻ lên 3 tuổi, chúng có thể tự giải trí trong hơn một nửa thời gian của mình và chúng bắt đầu sử dụng trí tưởng tượng của mình trong quá trình khắc phục sự nhàm chán; chúng có thể sáng tạo ra các trò chơi và ý tưởng để giải trí.
Trẻ hư thì đa phần là do cha mẹ quá nuông chiều; những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vì thiếu những chuẩn mực cơ bản.
Theo Epoch Times
Mời bạn xem video: