Site icon Nguyện Ước

Cách ứng phó với cảm giác “cô đơn tương phản”

Cách ứng phó với cảm giác “cô đơn do so sánh”

Đôi khi ta cảm thấy cô đơn ngay cả khi có người bên cạnh (ảnh minh họa: Soundcloud)

Đôi khi mọi người cảm thấy cô đơn ngay cả khi đang ở bên người thân, bạn bè. Nếu bạn cảm thấy buồn bã khi vừa mới ở một buổi tụ họp trở về, thì có thể bạn đang trải qua trạng thái gọi là “cô đơn tương phản”.

Theo Huffington Post, Lindsey Rae Ackerman, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình ở Los Angeles (Mỹ) cho biết, “cô đơn tương phản” (contrast loneliness) còn được gọi là “cô đơn sau tương tác xã hội” (post-social loneliness), và đây không phải là hiện tượng hiếm gặp.

Bà Helene D’Jay, Giám đốc điều hành bộ phận dịch vụ thanh thiếu niên tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Newport Healthcare, kiêm cố vấn chuyên môn, cho biết: “Việc cho rằng chỉ cần xung quanh có người là sẽ không cảm thấy cô đơn là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Ngay cả khi bạn đang đi chơi với người khác, hoặc sau khi cuộc vui kết thúc, bạn vẫn có thể cảm thấy cô đơn”.

Hiểu rõ nguyên nhân gây ra “cô đơn tương phản” và cách ứng phó sẽ giúp bạn xác định được kiểu tương tác xã hội có ý nghĩa nhất đối với bản thân, từ đó giảm thiểu khả năng xuất hiện cảm giác cô đơn này.

Nguyên nhân của “cô đơn tương phản” là gì?

Nhà khoa học xã hội Kasley Killam, người từng được đào tạo tại Đại học Harvard, cho rằng mọi người không nên kỳ vọng vào mỗi lần tương tác với bạn bè đều sẽ tuyệt vời.

Mặc dù vậy, một số người dễ cảm thấy cô đơn hơn so với người khác sau khi tương tác với bạn bè. Kasley Killam cho biết những người hướng nội dễ trải nghiệm cảm giác “cô đơn tương phản” hơn, vì họ dễ cảm thấy mệt mỏi khi bị kích thích quá nhiều hoặc phải giao tiếp với những người không thân thiết, họ cần thời gian ở một mình để phục hồi năng lượng xã hội.

Nhà tâm lý học lâm sàng Paul Losoff nói: “Những người đang chịu đựng lo âu, trầm cảm hoặc giằng xé trong nội tâm thường dễ rơi vào cảm giác cô độc, vì tâm trí họ bị lấn át bởi những lời nói tiêu cực xuất phát từ bên trong. Điều này có thể khiến họ khó sống trọn vẹn với thực tại”.

Không thể sống thật với bản thân cũng dẫn đến cảm giác cô đơn, trống rỗng (ảnh minh họa: Pratilipi)

Ông cũng cho biết, nếu bạn cảm thấy không thể sống thật với chính mình, điều đó cũng có thể dẫn đến trạng thái “cô đơn tương phản”.

Ông nói: “Có thể ai đó cảm thấy mình không thể thể hiện con người thật của bản thân, hoặc cảm thấy bị hiểu lầm, bị phớt lờ, không được công nhận hay trân trọng. Tất cả những yếu tố đó đều có thể khiến họ cảm thấy cô đơn và xa cách, ngay cả khi thật sự dành thời gian ở bên người khác.”

Giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh Julianne Holt-Lunstad tại Đại học Brigham Young cho biết, việc trải qua những giai đoạn khó khăn, chẳng hạn như vừa mất người thân, cũng có thể khiến người ta dễ cảm thấy cô đơn hơn. “U sầu có thể khiến con người cảm thấy cô đơn, ngay cả khi đang ở bên người khác.”

Holt-Lunstad nói rằng một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến “cô đơn tương phản” là khi những kỳ vọng trong giao tiếp xã hội không được đáp ứng, hoặc có sự chênh lệch giữa kỳ vọng và mối quan hệ thực tế. Ví dụ, bạn mong đợi buổi gặp gỡ bạn bè sẽ mang lại nhiều điều hơn – như một cuộc trò chuyện sâu sắc – nhưng thực tế lại không như vậy. Nếu đúng như thế, thì việc bạn cảm thấy thất vọng sau đó là hoàn toàn bình thường.

D’Jay cho biết: “Nếu ai đó khao khát cảm giác được thỏa mãn thông qua sự kết nối cảm xúc sâu sắc, thì những tương tác hời hợt trong các buổi gặp gỡ xã hội có thể khiến họ cảm thấy cô đơn sau đó”.

Làm sao để ứng phó với cảm giác cô đơn

Ackerman cho biết, nếu bạn đang bị giày vò bởi sự “cô đơn tương phản”, thì việc thực hành sự tự cảm thông (self-compassion) có thể sẽ giúp ích. Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn không có gì sai, chỉ là tình huống giao tiếp đó đã không diễn ra như bạn mong đợi.

Losoff lưu ý rằng khi bạn suy ngẫm lại một trải nghiệm, hãy thử nghĩ xem nếu được làm lại, bạn muốn nó diễn ra như thế nào? Điều đó sẽ rất có ích. Bạn muốn ở riêng với một người thay vì tham gia cùng một nhóm đông? Bạn có muốn thay đổi không gian hay hoạt động không? Khi lên kế hoạch cho các buổi gặp gỡ trong tương lai, những điều này có thể là nguồn tham khảo hữu ích.

Killam cho biết, việc nghĩ lại những tương tác xã hội từng mang lại cho bạn cảm giác hài lòng cũng có thể hữu ích. Dù một số kiểu giao tiếp có thể khiến bạn cảm thấy nhàm chán, điều đó không có nghĩa là bạn nên hoàn toàn né tránh chúng.

Holt-Lunstad  nói: “Bất kỳ tương tác xã hội nào không được như kỳ vọng đều có thể gây ra cảm giác cô đơn”. 

“Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên né tránh chúng, mà cần hiểu vì sao chúng lại khiến bạn cảm thấy cô đơn. Tương tác xã hội rất phức tạp. Một trải nghiệm tiêu cực có thể đến từ hoàn cảnh, tính cách hoặc hành vi của người khác, của chính bạn, cách bạn diễn giải tình huống; hoặc là kết quả tổng hợp của tất cả những yếu tố đó.”

Ackerman cho biết, thay đổi cách nhìn nhận về trải nghiệm đó cũng có thể giúp ích, bạn có thể tập trung vào những khía cạnh tích cực của nó. Nhiều chuyên gia tâm lý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng biết ơn và điều này có lý do, bởi vì lòng biết ơn thực sự có tác dụng.

Thực hành lòng biết ơn có thể xoa dịu cảm giác cô đơn (ảnh minh họa: Freepik)

Holt-Lunstad nói rằng: “Nếu bạn vừa trải qua khoảng thời gian vui vẻ bên người khác và cảm thấy mối quan hệ giữa hai người rất thân thiết, nhưng sau đó lại cảm thấy cô đơn vì cuộc gặp đã kết thúc, thì bạn có thể thực hiện một vài hành động nhỏ để duy trì mối quan hệ đó”

Cô lấy ví dụ rằng, bạn có thể chia sẻ ảnh từ buổi gặp mặt, giữ liên lạc với đối phương và lên kế hoạch cho lần gặp tiếp theo. Những hành động nhỏ này đều có ích trong việc duy trì mối quan hệ giữa hai người.

Nếu cảm giác cô đơn tương phản cứ dai dẳng bám theo, Losoff và D’Jay đều khuyên rằng việc tìm đến trị liệu tâm lý có thể là một lựa chọn hữu ích. Nhà trị liệu sẽ giúp bạn nhận diện nguyên nhân sâu xa của sự cô đơn, đồng thời đưa ra những phương pháp cụ thể, phù hợp với bạn để từng bước vượt qua cảm giác này.

Theo Epochtimes