Mọi người thường thể hiện bản chất thật của mình trước người yếu thế. Cách bạn đối đãi với người yếu thế cũng sẽ thể hiện phẩm cách của bạn.
- Hiểu rõ phẩm chất người khác để tránh tai họa
- Người thực sự thông minh thường có phẩm chất đặc biệt gì?
Coi trọng người hầu
Vào thời Tây Tấn, có một người tên là Cố Vinh, ông là người có danh vọng. Trong một bữa tiệc nọ, ông thấy người hầu bưng thịt nướng có vẻ rất muốn ăn thịt, vì vậy ông đã lấy phần thịt của mình và đưa cho người hầu ăn.
Mọi người ngồi chung đều cười nhạo Cố Vinh, “chỉ là một người hầu, cần gì phải cho anh ta ăn thịt?”
Cố Vinh nói lại rằng: “Chẳng lý nào người suốt ngày bưng thịt lại không biết mùi vị của thịt như thế nào?”
Thời đó phân biệt đẳng cấp rất rõ ràng; quý tộc có quyền quyết định đến việc sống chết của người hầu. Người hầu trong mắt giới quý tộc thì cũng giống như là vật phẩm, nên không cần phải nói đến quyền lợi. Cho nên những vị khách kia mà nói với Cố Vinh như vậy thì xem ra cũng là bình thường vào thời đó.
Về sau, trong một lần Cố Vinh sang sông để tránh nạn. Mỗi lúc lâm vào tình huống nguy hiểm thì ông đều thấy có một người cố sức bảo vệ ông. Cố Vinh mới hỏi người này là ai, thì ra đó chính là người hầu mà năm đó ông đã cho thịt để ăn.
Người có phẩm cách lớn đều biết rằng mỗi cá nhân về bản chất đều công bằng như nhau, mỗi cá nhân đều nên được tôn trọng; loại tôn trọng này cũng không phải là lễ nghi xã giao, mà là xuất phát từ sự cảm thông, kính trọng, thấu hiểu ở sâu trong tâm mỗi người.
Khoan dung với cậu học trò hư
Trong một khóa học thiền do thiền sư Bàn Khuê chủ trì, mọi người phát hiện ra một cậu học trò ăn trộm và bị bắt tại chỗ. Họ phản ánh với Bàn Khuê việc này, yêu cầu phải đuổi cậu học trò này đi, nhưng Bàn Khuê lại không để ý tới.
Không lâu sau cậu học trò này lại ăn trộm và bị bắt. Mọi người lại tìm đến thiền sư Bàn Khuê để mong ông trừng trị cậu học trò này, nhưng Bàn Khuê vẫn không quan tâm.
Việc này khiến cho mọi người tức giận. Họ cùng nhau viết một tờ tuyên bố gửi lên thiền sư Bàn Khuê. Nói rằng, nếu không đuổi kẻ trộm đi thì họ sẽ cùng nhau rời đi.
Bàn Khuê sau khi đọc xong thì tập hợp mọi người lại rồi nói: “Mọi người đều là người thông minh, hiểu rõ đúng sai; chỉ cần mọi người muốn thì đi đến bất kể nơi nào học cũng được. Nhưng cậu học trò này ngay cả đúng sai còn không phân biệt rõ. Nếu như ta không giáo dục cậu ta thì ai sẽ giáo dục cậu ta đây? Ta muốn giữ cậu ta ở lại đây, cho dù mọi người có rời đi hết cũng không sao”.
Sự nhân từ của vị thiền sư thật đáng suy ngẫm. Nếu chỉ đơn giản là đuổi cậu học trò hư đi thì quá đơn giản. Nhưng cậu học trò này đúng sai chưa minh bạch, thói hư tật xấu còn nhiều, chẳng phải là người yếu thế hay sao? Cách xử lý của thiền sư đã thể hiện ông là một người có phẩm cách lớn.
Cách đối đãi với người yếu thế thể hiện phẩm cách một người
Mọi người hay nói về từ bi, nhưng có lẽ mỗi người lại có cảm nhận về từ bi khác nhau. Có người từ bi là đối đãi thật tốt với cha mẹ ông bà. Nhưng có người lại cho rằng từ bi là đối đãi thật tốt với tất cả mọi người dù thân hay sơ. Có người thì ngay cả động vật, cây cỏ hoa lá cũng cần được đối đãi tốt. Ở đây không có đúng sai, mà chỉ là do dung lượng tâm của mỗi người là khác nhau.
Có người phàn nàn rằng cấp trên chèn ép họ, nhưng chính họ lại cũng đang chèn ép người dưới mình mà không nhận ra. Bạn thấy con kiến thật nhỏ, có lỡ chân đạp chết cũng không coi là nghiêm trọng. Nhưng nếu bạn là con kiến thì sẽ thấy con người cứ như một quả núi vậy. Vấn đề ở đây là bạn phải biết đặt mình vào địa vị của người khác, từ đó mới có thể thấu hiểu và nâng cao phẩm cách của bản thân.
Cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: “Hầu như ai cũng có thể chịu được nghịch cảnh. Nhưng nếu bạn muốn trắc nghiệm tích cách của ai đó thì cứ giao quyền lực cho người ấy”.
Quả thực khi đứng trước người yếu thế hơn mình thì phẩm cách thực sự của bản thân mới được bộc lộ ra.
Theo Vision Times
Xem thêm video: