Có những điều cha mẹ nên tránh khi dạy dỗ con cái, nếu không sẽ làm cho tâm hồn ngây thơ trong sáng của trẻ bị tổn thương.
- Con bị mất kiểm soát, người mẹ trong tuyệt vọng tìm thấy ánh sáng
- Dù cuộc sống có khó khăn thế nào, đừng bao giờ than vãn với con cái
Hãy bảo vệ thiên tính tốt đẹp ban đầu của đứa trẻ để không bị ô nhiễm bởi những quan niệm biến dị của xã hội ngày nay. Hướng dẫn một cách đúng đắn để phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ, để chúng có được sự điềm tĩnh và trí tuệ.
Trong quá trình trưởng thành của con cái, cha mẹ nên cố gắng tạo cho con cái bầu không khí gia đình ấm áp, hòa thuận, cho con cái cảm nhận được sự bảo vệ an toàn và chỗ dựa vững chắc. Có 6 điều cha mẹ cần tránh khi dạy dỗ con cái:
1. Nhìn thấy cha mẹ cãi nhau
Khi cha mẹ xảy ra mâu thuẫn, tốt nhất không nên cãi vã trước mặt con cái, lại càng không nên đánh nhau. Nếu không sẽ mang đến cho con cái bóng đen tâm lý, đây là điều đầu tiên khiến trẻ sợ hãi. Quan điểm của cha mẹ về hôn nhân và sự hòa hợp trong cách sống thường cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này của con cái, có thể là giống nhau đến bất ngờ.
Khi thấy cha mẹ cãi nhau, con cái sẽ thiếu cảm giác an toàn, thậm chí có những lúc cha mẹ còn muốn con cái cùng tham gia, như vậy sẽ khiến trẻ rơi vào tình thế khó xử. Cha mẹ đều là những người thân thiết nhất với con cái, cha mẹ không nên cãi nhau trước mặt con cái, như vậy tính cách con cái mới không trở nên ngỗ nghịch, cực đoan.
2. Chỉ trích con cái trước mặt mọi người
Khi trẻ mắc lỗi trước đám đông, thường là do vô tình, nhưng cha mẹ lại cảm thấy xấu hổ và bèn chỉ trích trẻ trước mặt mọi người, trẻ rất có thể sẽ khóc, cảm thấy tủi thân, oan ức và vô cùng hoảng sợ.
Cha mẹ như vậy có phần quá nghiêm khắc, nếu con cái phạm một lỗi nhỏ ở nơi đông người, cha mẹ càng nên an ủi, động viên để con làm tốt hơn.
3. Thường xuyên la mắng con cái
Cha mẹ thường xuyên quát mắng con cái, kỳ thực đó là biểu hiện của sự kém cỏi, không có cách nào kiểm soát hành vi của con cái, đành phải dựa vào la mắng để bắt con cái phải nghe lời, trẻ sợ hãi nhưng trong tâm không phục, cũng không thể thay đổi hành vi của trẻ.
Thay vì la mắng, tốt hơn là nên trực tiếp hành động, cha mẹ nên nói ít, làm nhiều, im lặng và trực tiếp dạy trẻ cách làm đúng đắn, dùng hành động để nói cho trẻ biết hành vi đúng đắn. Ngược lại, nếu bạn la mắng đứa trẻ, không những khiến bản thân tức giận, mà còn làm đứa trẻ sợ hãi.
4. Không chào đón bạn bè của con cái
Trẻ con rất thích kết giao bạn bè, nhiều khi không nói với cha mẹ, liền dẫn bạn tốt của mình đến nhà chơi và ăn tối. Một số phụ huynh cảm thấy phiền phức, nên không thích con mình giao lưu với bạn cùng lớp. Nếu cha mẹ tỏ ra không hoan nghênh sẽ khiến trẻ cảm thấy rất xấu hổ.
Lúc này, cha mẹ nên hướng dẫn cho con cách kết bạn đúng đắn, không chỉ căn cứ vào thành tích học tập, mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Khi mời bạn cùng lớp đến nhà chơi có thể khiến mối quan hệ của trẻ hài hòa hơn, nâng cao kỹ năng giao tiếp xã hội, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ.
5. Không chân thành lắng nghe con cái
Con cái rất quan tâm đến việc cha mẹ có chăm chú lắng nghe lời mình nói hay không, chúng sẽ hỏi cha mẹ: “Con vừa nói gì?”. Nếu cha mẹ bận việc khác và hoàn toàn không nghe thấy, hơn nữa còn biểu hiện thiếu kiên nhẫn, trẻ sẽ càng thất vọng và cho rằng cha mẹ không coi trọng mình.
Khi trò chuyện với con cái, cha mẹ nên chú ý lắng nghe, sẽ phát hiện ra được nhiều bí mật nho nhỏ mà trẻ vô tình bật mí. Nếu cha mẹ có thể tìm hiểu kỹ hơn tình huống xảy ra thì sẽ có thể giúp con tiến bộ nhiều hơn.
6. So sánh với những đứa trẻ khác
Cha mẹ hay thấy con của người khác là xuất sắc, còn thường trước mặt con cái mà so sánh điểm mạnh của đứa trẻ khác với khuyết điểm của con mình. Kiểu so sánh này thật vô nghĩa và khiến trẻ cảm thấy phiền phức và chán ghét.
Kỳ thực, cha mẹ muốn nâng cao sự tự tin của trẻ thì phải tập trung vào điểm mạnh của trẻ, phát huy tối đa những điểm mạnh này để trẻ trở nên xuất sắc. Cha mẹ hoàn toàn không cần phải so sánh con mình với người khác, mà chỉ cần bản thân đứa trẻ tiến bộ mỗi ngày thì đã là thành công rồi.
Bạn có phạm phải những điều trên khi dạy dỗ con cái không? Con đường trở thành cha mẹ hay giáo dục con cái là quá trình tu dưỡng và luyện tập không ngừng. Đôi khi biết không nên làm những điều như vậy, nhưng bản thân lại không thể nhẫn được, chẳng hạn như quát mắng con cái.
Lúc này, cha mẹ nên bình tâm trở lại và học cách để thấu hiểu con cái hơn. Nếu chưa thể làm được thì bắt đầu từ bây giờ hãy thay đổi bản thân, để con cái thấy được sự cải biến và nỗ lực của cha mẹ, như vậy trẻ tự nhiên cũng sẽ thay đổi và dần dần trở nên tốt hơn.
Theo Aboluowang