Việc đọc sách mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị, không chỉ nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn mà còn đề cao cảnh giới của con người.
- Người tu luyện đọc Kinh Phật, Thiên Thần không gian khác liền đến nghe
- Người xưa đọc sách: Học tập quý ở duy trì thường hằng
Nói về đọc sách, các nhà hiền triết và học giả cổ đại đã để lại rất nhiều câu nói có ý nghĩa. Chẳng hạn như câu đối nổi tiếng của Hán Vũ Đế, một trong Đường Tống bát đại gia (8 tác gia lớn của thời Đường Tống): “Thư sơn hữu lộ cần vi kính; Học hải vô nhai khổ tác chu”. Có nghĩa là “Núi sách có đường, cần cù là đường tắt; Biển học vô bờ, lấy khổ làm thuyền”.
Văn học gia nổi tiếng thời Bắc Tống Hoàng Đình Kiên từng nói: “Sĩ đại phu tam nhật bất độc thư, tắc nghĩa lý bất giao ư hung trung, đối kính giáo diện mục khả tăng, hướng nhân diệc ngữ ngôn vô vị”. Có nghĩa là “Kẻ sĩ 3 ngày không đọc sách thì trong lòng không có nghĩa lý, soi gương mặt mũi thấy đáng ghét, nói chuyện lời lẽ nhạt nhẽo”.
Có rất nhiều cuộc thảo luận về lý do tại sao cần phải đọc sách, nên đọc sách như thế nào và đọc sách gì. Ở đây, chúng ta chỉ thảo luận về mục tiêu và tác dụng của việc đọc sách đối với hầu hết mọi người. Việc đọc sách được chia thành 5 cảnh giới: làm phong phú tri thức, ứng dụng, mở rộng tầm nhìn và tri thức, thấu hiểu đạo lý và ngộ đạo.
1. Làm phong phú tri thức
Sách hay chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu của con người, giúp làm phong phú tâm hồn và làm giàu tri thức cho chúng ta. Do đó, việc đọc sách là vô cùng cần thiết. Rene Descartes đã từng nói rằng: “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ trước”.
Tất nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, tốc độ phát triển của cuộc sống ngày càng nhanh, một số người chỉ xem việc đọc sách là để giải trí hay lấp đầy những nỗi cô đơn trong lòng. Nhưng sách chính là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống mà những người đi trước đã để lại cho chúng ta. Do đó, việc đọc sách không chỉ làm phong phú tri thức, mà còn có thể lĩnh hội được những đạo lý và nguyên tắc làm người. Sách hiện nay có rất nhiều loại, nhưng không phải sách nào cũng có thể làm phong phú nội tâm của con người và khiến cho con người đề cao cảnh giới. Do đó, chúng ta cũng cần lựa chọn những quyển sách hay và có giá trị.
2. Ứng dụng
Trong sách Đại học, Khổng Tử viết: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, ý tứ là tu chính bản thân mình, rồi mới giữ gia đình chỉnh tề, rồi quản trị đất nước, rồi mới bình định thiên hạ. Cuốn sách “Vi lô dạ thoại” cũng viết: “Các học giả đọc nhiều, tất nhiên là để đọc sách mà hữu dụng”. “Hữu dụng” ở đây có nghĩa là các vấn đề thực tế có thể được giải quyết thông qua việc đọc sách.
Đào Chú trong thời nhà Thanh đã tóm tắt nó là “thực học”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng những gì bạn đã học để giải quyết các vấn đề thực tế. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, có rất nhiều sách kiến thức chuyên môn được phân thành nhiều loại khác nhau, cung cấp cho con người những kiến thức để tồn tại và làm việc trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau. Những cuốn sách này có thể nâng cao khả năng nghề nghiệp hoặc kỹ năng sinh tồn của con người. Ý nghĩa của việc đọc là nắm chắc nội dung tri thức và vận dụng những kiến thức này vào cuộc sống của chính mình.
3. Mở rộng tầm nhìn và tri thức
Nhà triết học người Anh Francis Bacon từng nói: “Đọc lịch sử khiến con người sáng suốt. Đọc thơ khiến con người thanh tú. Toán học khiến con người tỉ mỉ cẩn thận. Khoa học khiến con người sâu sắc. Đạo đức khiến con người tôn nghiêm. Logic khiến con người hùng biện. Bất cứ điều gì bạn học được, sẽ trở thành tính cách của bạn”.
Trong quá trình không ngừng mở rộng tầm nhìn và hiểu biết thế giới khách quan, con người làm thế nào để nâng cao cảnh giới tư tưởng, năng lực tư duy và khuôn mẫu nhận thức? Làm thế nào để khám phá những lĩnh vực mà bạn không biết?
Chỉ có một cách đơn giản nhất là đọc sách, không ngừng làm phong phú và phát triển bản thân, tìm tòi khám phá những tri thức mới. Có như vậy, bạn mới có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chạm tới cảnh giới thấu tường thông tỏ mọi việc, giống như “suối trong là vì có nguồn nước chảy”, không ngừng được nguồn nước “tri thức” tẩy tịnh.
4. Thấu hiểu đạo lý
Khổng Tử từng nói trong Luận Ngữ: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi”, ý tứ là “học mà không tư duy thì sẽ không thể hiểu sâu được, không thể lợi dụng triệt để kiến thức; tư duy mà không học thì sẽ như là xây nhà trên cát, chẳng được ích gì”. Nhà sử học và Nho học thời nhà Thanh Vương Minh Thịnh từng nói: “Độc thư chi đạo, hội thông cổ kim”. Có nghĩa là “Đạo của việc đọc sách là để thông hiểu cổ kim”.
Sự thịnh suy của xã hội nhân loại và tuần hoàn của vạn vật trong tự nhiên phải chăng ẩn chứa một tầng đạo lý? Trong quá trình phát triển của văn minh nhân loại đều có sự phát triển của các tư tưởng và quan niệm khác nhau, từ sự tranh chấp giữa Nho giáo và Phật giáo đến sự phân biệt tả – hữu, đó là tiến bộ hay thụt lùi?
Để giải quyết những nghi vấn này, con người không chỉ cần phải đọc sách, mà còn phải nắm bắt điểm mấu chốt của giá trị truyền thống của nhân loại, tháo gỡ những nút thắt trong tâm, để hiểu được nội hàm khác nhau, từ đó có thể đạt được“dựa vào từ bi mà làm, thuận ý trời mà an, trong chân lý mà đạt được cảnh giới cao”.
5. Ngộ đạo
Lão Tử trong “Đạo Đức Kinh” ngay từ đầu đã viết: “Đạo khả đạo, phi thường đạo”. Có ý rằng, “Đạo mà có thể thuyết nói rõ ràng minh bạch ra, thì không phải là Đạo thường hằng bất biến”.
Trong xã hội thời xưa, các ngành các nghề trong xã hội đều có tồn tại đạo lý. Nhưng Đạo mà Lão Tử giảng, là Đạo của tự nhiên của Thiên, Địa, Nhân, vượt ra ngoài Đạo lý thông thường của nhân loại. Bởi vì, Đạo của tự nhiên mới là “Thường Đạo” – Đạo thường hằng bất biến.
Mặc dù, Đạo và đạo lý trong thế gian có sự quán thông xuyên suốt, nhưng phương thức biểu đạt lại hoàn toàn khác nhau. Hầu hết các đạo lý trong thế gian có thể được trực tiếp giảng nói một cách rõ ràng, thông qua suy ngẫm và trải nghiệm thực tế mà có thể hiểu rõ và nhận thức đến được. Còn Đạo mà Lão Tử giảng lại không thể hiểu được từ bề ngoài văn tự, mà cần có huệ ngộ hay lý ngộ mới có thể liễu giải được.
Cùng một “văn tự”, nhưng thuận theo sự đề cao cảnh giới tư tưởng, người đó có thể không ngừng lĩnh ngộ các tầng nội hàm khác nhau của Đạo. Đây không phải chỉ là một đạo lý đơn giản của việc đọc sách, mà là cảnh giới vượt trên nhận thức của con người, cảnh giới giác ngộ của một sinh mệnh.
Đọc sách chắc hẳn không chỉ là hạn cuộc nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết của con người, mà có thể là cách để tìm ra lời giải cho nguồn gốc của sinh mệnh và vũ trụ. Tất cả những điều này đòi hỏi chúng ta không ngừng tu dưỡng, nâng cao cảnh giới trong nội tâm, để có thể tìm được ý nghĩa nhân sinh và nguồn cội của sinh mệnh.
Theo Bannedbook