Cha mẹ nào cũng yêu thương và mong những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Nhưng nếu như chỉ biết bảo bọc, chiều chuộng con, rất có thể sẽ dưỡng thành những đứa trẻ không hiếu thuận và vô ơn.
Trong cuộc sống, hầu như tất cả các mối quan hệ đều gắn liền với lợi ích, ngoại trừ quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, vốn là một loại tình cảm tiên thiên, yêu thương xuất phát từ nội tâm, không cầu hồi báo, âm thầm mà hy sinh.
Vậy nên con cái cần hiểu được đạo lý đền ơn đáp nghĩa, hiếu kính với cha mẹ.
Nếu để ý thấy 3 thói quen này của đứa trẻ, đa số sau này nó sẽ không hiếu thuận, thiếu lễ nghĩa và không biết ơn.
1. Không lễ phép, không biết cảm ơn
Trước đây, hầu hết các gia đình đều đông con, các bậc cha mẹ đều đặt ra rất nhiều quy củ, lễ nghĩa, để cho các con nghiêm khắc tuân thủ từ khi còn nhỏ. Những đứa trẻ được giáo dục trong một gia đình như vậy, thường lễ phép, biết kính trọng người lớn và biết sống hàm ơn.
Hiện nay, rất nhiều gia đình chỉ có một con, có thể nói là ngàn vạn yêu thương đều dành cho một đứa trẻ, cả gia đình đều hết mực nuông chiều.
Những đứa trẻ trưởng thành trong hoàn cảnh này, thường quen với việc người khác yêu thương, nhường nhịn mình, nên không còn biết lễ nghi, cũng không hiểu được đạo lý đền ơn đáp nghĩa là gì? Trong mắt chúng, tất cả những gì chúng được hưởng thụ đều là lẽ tất nhiên; những vất vả, hy sinh của cha mẹ là điều tất yếu, là chính đáng. Thói quen này tích lũy trong thời gian dài, sẽ khiến những đứa trẻ dưỡng thành tính cách cao ngạo, hống hách, ngay cả với cha mẹ mình chúng cũng cư xử lỗ mãng.
Tuân Tử từng có câu rằng: “Nhân vô lễ. tắc bất sinh; sự vô lễ, tắc bất thành; quốc gia vô lễ, tắc bất ninh.” Ý nói, người không tuân theo lễ nghĩa thì khó có thể tồn tại trên đời, làm việc không có lễ tiết thì khó thành công, quốc gia không có lễ nghi thì không thể yên bình.
Những đứa con bạc tình, bạc nghĩa sẽ không thể hiểu được những vất vả hy sinh của cha mẹ, không hiểu được đạo lý kết cỏ ngậm vành, đền ơn đáp nghĩa.
Chúng thản nhiên coi cha mẹ như công cụ, thậm chí còn có thể trách móc cha mẹ vô dụng, càng ngày càng đòi hỏi những điều tốt hơn cho bản thân.
Với những đứa trẻ không tôn kính cha mẹ, trong trái tim chúng vốn chẳng có cha mẹ, nên lại càng không thể kính lễ người già.
2. Tính cách yếu đuối, thiếu trách nhiệm
Những đứa con lớn lên dưới sự bảo bọc của cha mẹ, đứa thì không biết hàm ơn, không muốn hiếu thuận với cha mẹ, lại có đứa quá mức yếu đuối, không thể hiếu thuận với cha mẹ.
Bởi từ nhỏ đã sống như một con chim hoàng yến trong lồng vàng, quá an nhàn sung sướng, chưa từng trải qua sương gió cuộc đời. Vậy nên một khi rời khỏi vòng tay của cha mẹ, sẽ không biết sống như thế nào, bất lực trước mọi khó khăn.
Những đứa trẻ như vậy, đối với công ơn của cha mẹ, trong lòng dẫu chứa ngàn vạn tạ ơn, cũng chỉ có thể hữu tâm vô lực. Nếu như gia đình bình yên thì không sao, nhưng nếu như có biến cố ập tới, chúng sẽ không thể gánh vác trọng trách trong gia đình. Sự yếu đuối và nhu nhược, khiến chúng không có năng lực ứng biến và không ngừng muốn thoái thác trách nhiệm.
Một người có tính cách yếu đuối, hèn nhát, ngay cả cuộc sống của bản thân cũng khó lòng sắp xếp tốt được, thân mình còn chẳng lo xong, nói gì đến chuyện hiếu dưỡng và hiếu kính cha mẹ.
3. Ích kỷ, chỉ biết tới bản thân mình
Hầu hết trong bản tính mỗi người, đều có một chút vị kỷ.
Với một số người thì do hoàn cảnh tạo nên sự ích kỷ, cũng có người sinh ra đã vậy, càng ngày lại càng ích kỷ hơn. Ngay cả khi đối mặt với người thân ruột thịt đã từng hy sinh cho mình, họ cũng không chút lưu tình, luôn đặt lợi ích bản thân lên trên hết.
Nhà văn người Pháp Romain Rolland từng nói: “Nếu mục đích duy nhất trong cuộc sống của bạn là hạnh phúc vị kỷ, thì cuộc sống ấy sẽ sớm trở thành không có mục đích”.
Sở dĩ những người trẻ hiện nay không còn nghĩ tới hiếu kính, là vì bản tính ích kỷ đã chiếm cứ nội tâm họ; họ chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình mà không còn muốn quan tâm đến người khác.
Những người ích kỷ lúc nào cũng chỉ đòi hỏi của người khác và không bao giờ biết cho đi. Vậy nên việc bắt họ phụng dưỡng cha mẹ khi về già là điều không thể.
Russell có một câu nói: “Làm người, đối với cha mẹ cần phải tôn kính, đối với con cái thì cần từ ái, rộng lượng với họ hàng thân thích, đối với mọi người đều cần lịch sự, tử tế”.
Là bậc cha mẹ, nên dẫn dắt, giáo dục đức hạnh cho con ngay từ khi còn nhỏ. Dạy cho con về lòng biết ơn, dạy chúng cách tự lập, để chúng biết sống trách nhiệm hơn.
Khi con trẻ có một nhân sinh quan đúng đắn, chúng có thể có được một cuộc sống tốt đẹp và cha mẹ cũng sẽ hạnh phúc hơn.
Thương con mà chỉ bảo bọc, nuông chiều chúng, sẽ chỉ dưỡng thành những đứa trẻ không hiếu thuận và vô ơn. Mong các bậc cha mẹ có thể lý trí nhìn nhận, giáo dục các con thật tốt!
Theo Sound of hope