Việc nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ cũng quan trọng giống như việc nuôi dưỡng tài năng của trẻ ngay từ bé.
- Những điều tuyệt vời khi sinh con mà có thể bạn chưa nghĩ tới
- 3 nguyên nhân dưỡng thành những đứa trẻ không hiếu thuận
Đứa trẻ rõ ràng biết làm một điều gì đó, nhưng vì không tự tin nên thậm chí không dám thử, mà do chưa thử nên không có khả năng thành công. Bởi vì chưa bao giờ thành công nên lại càng kém tự tin, thậm chí trở nên tự ti… cứ như vậy trở thành một vòng tuần hoàn ác tính.
Dưới đây là 10 cách để nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
1. Khuyến khích trẻ thử những điều mới
Với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho trẻ, hãy cho phép trẻ khám phá nhiều hơn, thử nhiều hơn và học thêm nhiều kỹ năng mới, thay vì tập trung toàn bộ sức lực vào việc lặp lại những kỹ năng đã học. Trên thực tế, quá trình học và thành thạo các kỹ năng mới cho phép trẻ dần dần có được sự tự tin, bởi chúng chứng tỏ được khả năng chấp nhận thử thách và thành thạo các kỹ năng mới thông qua trải nghiệm cá nhân.
2. Cho phép trẻ sai lầm và cho phép trẻ thất bại
Hãy để trẻ mắc sai lầm và để trẻ hiểu rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, không cần quá sợ hãi hay lo lắng bởi vì phạm sai lầm, điều quan trọng hơn là làm sao để trẻ có thể trưởng thành từ việc rút ra được bài học kinh nghiệm và tránh lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai.
Tương tự như vậy, chúng ta cũng phải cho phép trẻ thất bại và để trẻ hiểu rằng thất bại không có nghĩa là thua cuộc hay đánh mất tất cả, mà hoàn toàn ngược lại, khi thất bại, trẻ có thể đúc kết kinh nghiệm của mình và cố gắng hơn nữa theo cách tốt hơn vào lần sau.
Tâm thái và tinh thần khi đối mặt với sai lầm, thất bại sẽ mang lại lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
3. Kịp thời khẳng định đức tính kiên trì của trẻ
Có những người tự tin không phải vì họ không bao giờ gặp thất bại, mà vì họ không dễ dàng bỏ cuộc khi đối mặt với thất bại, ngay cả khi thất bại, họ vẫn có thể đối mặt với nó một cách lý trí.
Vì vậy, khi nhận thấy con mình đang tích cực đối mặt với thất bại, kiên trì, cố gắng hết lần này đến lần khác, hãy nhớ khẳng định và khen ngợi kịp thời vì đây là phẩm chất vô cùng quan trọng.
4. Khen ngợi nỗ lực của con bạn
Việc tiếp thu bất kỳ kiến thức hoặc kỹ năng mới nào đều đòi hỏi một quá trình làm việc chăm chỉ và chỉ sau khi trải qua quá trình nỗ lực, bạn mới có thể thấy được kết quả. Vì vậy, chúng ta cần phải cho con mình hiểu tầm quan trọng của sự chăm chỉ ngay từ khi còn nhỏ. Nếu bạn làm việc chăm chỉ, đúng hướng và đúng phương pháp, thành công cũng sẽ đến một cách tự nhiên.
5. Giúp trẻ khám phá ra sở thích, đam mê và tài năng của mình
Mỗi đứa trẻ đều có những sở thích, tài năng riêng, việc khám phá thêm những đặc điểm này cũng sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về bản thân và trở nên tự tin hơn.
6. Tạo ra tấm gương tự tin cho trẻ
Muốn con cái tự tin thì trước tiên chính chúng ta phải làm gương cho trẻ. Tất nhiên, làm gương tự tin không có nghĩa là chúng ta phải biểu hiện một cách hoàn hảo không khuyết điểm và không bao giờ thất bại trước mặt con cái. Trên thực tế, việc tạo ra tấm gương về sự tự tin chủ yếu là để trẻ thấy chúng ta tích cực chấp nhận thử thách và quá trình chúng ta đặt tâm chuẩn bị kỹ càng. Ngay cả khi chúng ta chịu áp lực và căng thẳng trong quá trình này, chúng ta cũng nên cố gắng hết sức để con cái nhìn thấy mặt tích cực và lạc quan của chúng ta.
7. Đặt mục tiêu hợp lý và làm việc chăm chỉ để đạt được chúng
Hãy cùng con bạn đặt ra những mục tiêu rõ ràng, hợp lý để tạo động lực cho con bạn khi đạt được chúng. Trong cuộc sống, hãy tìm hiểu thêm về suy nghĩ của con bạn và xem chúng muốn làm gì, muốn đạt được điều gì. Nếu đó là một mục tiêu hoặc ước mơ lớn, bạn có thể đồng hành cùng con mình phân chia mục tiêu này theo từng giai đoạn, từng bước một và từng chút một để đạt được chúng. Tất cả những điều này chính là trẻ đang học cách đặt ra mục tiêu và cách làm việc chăm chỉ để đạt được chúng, những kỹ năng này sẽ hữu ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
8. Cho trẻ tham gia vào các công việc gia đình hàng ngày
Trẻ em thường phải dành nhiều thời gian cho việc học và làm bài tập về nhà. Ngoài việc học, chúng ta cũng nên cho con tham gia làm việc nhà trong khả năng của mình. Khi trẻ tham gia vào những công việc hàng ngày này, trẻ có thể cảm thấy mình giống một thành viên trong gia đình hơn và nhận thức về giá trị của chính mình.
9. Để trẻ hiểu được ngay từ khi còn nhỏ: Không cần theo đuổi sự hoàn hảo
Trong cuộc sống có thể nhiều người đã dưỡng thành thói quen theo đuổi sự hoàn hảo. Kỳ thực, sự hoàn hảo không có nghĩa là một điều xấu, nhưng nếu tất cả mọi việc đều mong muốn đạt đến mức độ hoàn mỹ, như vậy sẽ khiến trẻ sống vô cùng mệt mỏi.
Vì vậy, tốt nhất nên để trẻ sớm hiểu rằng không cần theo đuổi sự hoàn hảo. Nếu trẻ thấy những câu chuyện hoàn hảo trên TV, phim ảnh hoặc trên mạng xã hội, hãy nhắc trẻ rằng đây chỉ là những câu chuyện hoặc chỉ là một phần của thực tế.
Con người vốn không hoàn hảo, vì vậy không có gì sai nếu chúng ta không hoàn hảo cả!
10. Yêu thương con cái của bạn và cho chúng biết chúng luôn được yêu thương
Hãy để con bạn biết rằng dù có chuyện gì xảy ra, dù có thất bại, mắc lỗi hay thi trượt thì cha mẹ vẫn luôn ở bên và luôn yêu thương chúng. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái là vô giá, tình yêu này còn là sức mạnh, có thể khiến con dũng cảm hơn, nỗ lực chăm chỉ hơn, khi trẻ phạm sai lầm thì trẻ cũng sẽ có dũng khí đối mặt với thất bại.
Tuy rằng đây là điều được đặt ở cuối cùng, nhưng đó kỳ thực là điểm quan trọng nhất và là nền tảng của mọi việc.
Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ mang lại những giá trị hữu ích cho các bậc cha mẹ. Nuôi dạy con cái là một hành trình không hề dễ dàng, chúng ta cần không ngừng học hỏi và trưởng thành, để trở thành một bậc cha mẹ tốt.
Theo Aboluowang