Site icon Nguyện Ước

Tây Tạng huyền bí: Hiện tượng ‘linh đồng chuyển thế’ của các cao tăng

Tây Tạng huyền bí: Hiện tượng ‘linh đồng chuyển thế’ của các cao tăng

Linh đồng chuyển thế của Lạt ma Yeshe (ảnh TH)

Tây Tạng huyền bí vẫn luôn ẩn chứa những câu chuyện huyền hoặc khó tin, ‘linh đồng chuyển thế’ là một trong những hiện tượng như vậy. Đây là nói về việc một người tu luyện trong Mật Tông đạt được thành tựu nhất định thì khi qua đời có thể lựa chọn địa phương mình đầu thai trong kiếp sau và tiếp tục tu luyện, cứ như vậy cho tới khi công thành viên mãn đắc chính quả. 

Sau khi một vị Lạt ma (dùng để chỉ các vị cao tăng Tây Tạng) qua đời, chùa sẽ sử dụng các loại nghi thức khác nhau để tìm được ‘linh đồng chuyển thế’ của vị lạt ma này. Đương nhiên việc lựa chọn linh đồng cũng có những tiêu chuẩn đặc biệt. Họ phải xem các dự ngôn, di chúc, chỉ dẫn hay những dấu hiệu đặc biệt. Ngoài ra còn có những “Cảm ứng đặc thù” của những người tu hành khác hoặc một số điềm báo cát tường. Họ đặc biệt coi những dấu hiệu xuất hiện trong chùa miếu là vô cùng quan trọng.

Như vậy, có thể nhìn nhận “linh đồng chuyển thế” chắc chắn khác với việc luân hồi bình thường. Số mệnh của họ cũng không giống nhau, vì có liên quan tới gia đình họ sinh ra trong kiếp này. Tuy nhiên, không phải tất cả linh đồng đều được toại nguyện. Dưới đây là hai câu chuyện điển hình:

Tây Tạng huyền bí: Vị Lạt ma chuyển sinh tại phương Tây

Vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, Yeshe, vị cao tăng nổi tiếng của Tây Tạng bắt đầu hồng dương truyền bá Phật giáo Tây Tạng đến phương Tây. Tại hơn 20 quốc gia tại đây, các đệ tử của Đức Lạt ma đã sáng lập gần 100 trung tâm Phật giáo, trung tâm Thiền định, tu viện và nhà xuất bản Phật giáo. Ngoài ra còn có các chi nhánh tại Hồng Kông và Đài Loan. Đến năm 1984 Đức Lạt ma viên tịch. 

Lạt ma Yeshe nổi tiếng với nụ cười và khiếu hài hước (ảnh yyyyiiii.blogspot.com)

Năm 1985, tại một gia đình tín phụng Phật giáo tại Tây Ban Nha có một cậu bé ra đời. Khi ấy ngoài trời đang nổi sấm sét giông gió. Lúc sinh, người mẹ không cảm thấy một chút đau đớn, đứa bé cũng chưa bao giờ khóc. Lần nọ, người mẹ cả ngày quên không cho con bú, đứa bé vẫn không khóc tiếng nào chỉ kiên nhẫn đợi. 

Lớn hơn một chút, cậu bé không thích chơi đùa với anh chị em của mình mà luôn trầm tư như đang suy nghĩ điều gì. Mọi người đều thấy biểu hiện khác thường của cậu.

Cơ duyên tìm về chốn cũ

Lần nọ, khi được mẹ đưa tới một trung tâm Phật giáo, cậu bé đột nhiên có thái độ khác thường. Cậu chủ động chạy tới trước mặt các nhà sư Tây Tạng và tỏ vẻ rất gần gũi. Sau đó, khi chưa được cho phép cậu tự ý lấy pháp khí của các tăng nhân chơi, còn sử dụng một cách thuần thục khiến các tăng nhân lấy làm kỳ lạ. 

Lúc này, Zopa Rinpoche, đệ tử của Đức Lạt ma Yeshe khi còn sống bắt đầu chú ý tới cậu bé. Sau khi Đức Lạt ma qua đời không lâu, vị đệ tử này từng nhiều lần thỉnh giáo những người có năng lực thần thông. Ông mong tìm thấy nơi sư phụ chuyển sinh. Những lời dự ngôn đều chỉ rõ, cha của Đức Lạt ma khi chuyển sinh tên “Bago”, mẹ tên “Maria”. Đây đều là những tên gọi phương Tây. Vị đệ tử cũng mơ thấy sư phụ mình chuyển sinh thành một đứa trẻ phương Tây với đôi mắt sáng ngời. 

Khi nhìn thấy cậu bé người Tây Ban Nha, vị đệ tử này lập tức nhận ra đó chính là cậu bé trong giấc mơ của mình. Ông đã mời cha mẹ cậu tới và hỏi tên tuổi. Quả nhiên, người cha tên “Bago”, người mẹ tên “Maria”.

Không thể chờ đợi thêm, Zopa lập tức hỏi họ khi con trai chào đời có gì bất thường không. Hóa ra nhiều năm trước bà Maria từng có cơ hội bái kiến Đức Lạt ma quá cố Yeshe. Bà cũng từng mơ thấy Đức Lạt ma bế một đứa trẻ đặt vào lòng bà. 

Lạt ma Yeshe chuyển sinh thành một cậu bé ở Tây Ban Nha (ảnh yyyyiiii.blogspot.com)

Lạt ma Yeshe đã từng để lại những dấu hiệu cho lần chuyển sinh của mình

Khi xem lại những video quay lại cuộc gặp với Đức Lạt ma, họ lại phát hiện những lời nói khác thường khi đó mà không ai suy ngẫm và tìm hiểu. Ví dụ, lúc đó ông từng nói: “Tây Ban Nha quả là một nơi tốt; ta muốn đến đây sống một thời gian”. Ngài cũng từng nói  với ông Bago: “Ta và anh có mối duyên phận rất đặc biệt; ta sẽ không bao giờ quên anh, dù chết cũng sẽ không thể quên”.

Lại một lần khác, khi bà Maria mời Đức Lạt ma tới chơi nhà một lần nữa, Ngài đã sờ vào bụng của bà; ông nói một cách rất vui mừng: “Đến, ta sẽ lại đến”. Đối với một tăng nhân, đây là hành động lạ lùng khó hiểu.

Vị đệ tử cũng nhận thấy, những cử chỉ của cậu bé rất giống với Đức Lạt ma khi xưa. Khi nhìn thấy chân dung của Lạt ma Yeshe, cậu bé quỳ xuống hành lễ nhiều lần, mắt lóng lánh những giọt lệ. Vị đệ tử cùng những người khác cố ý trộn những đồ dùng và pháp khí của Lạt ma khi sinh thời với những đồ của người khác để cậu bé phân biệt. Và không chút do dự, cậu có thể nhận ra những đồ dùng tiền kiếp của mình. Vì vậy mọi người xác nhận, cậu chính là Lạt ma Yeshe chuyển sinh.

Mọi sắp đặt đều có chủ ý

‘Linh đồng chuyển thế’ của Lạt ma Yeshe đã chứng thực chuyện luân hồi chuyển kiếp (ảnh xinwenjujiao.wordpress.com)

Khi cậu bé được các cao tăng trong tu viện Phật giáo Tây Tạng chính thức công nhận. Nhiều đệ tử người phương Tây cũ của Đức Lạt ma cảm thấy nghi ngờ. Họ bày tỏ: “Phải tin vào luân hồi, đối với người phương Tây là một cuộc đấu tranh từ nội tâm.  Muốn chúng tôi thừa nhận cậu bé người Tây Ban Nha này là sư phụ đã quá cố chuyển sinh là điều rất khó”. Sau đó, họ đều tìm cơ hội kiểm tra. Cuối cùng không thể không tin đó là sư phụ kiếp trước của mình chuyển sinh. 

Có một người phương Tây từng là tài xế cho Đức Lạt ma quá cố. Ông đã nhiều lần yêu cầu anh ta sửa biển số xe bị hỏng nhưng anh ta đều không làm. Lần nọ, cậu bé người Tây Ban Nha nhìn thấy và nói với anh ta: “Anh vẫn chưa sửa cái biển số à?”. Người lái xe vô cùng sợ hãi và nước mắt không ngừng tuôn rơi.

Cả đời Đức Lạt Ma nỗ lực truyền bá Phật giáo tới Tây Phương. Khi bị bệnh nặng, ông đã cố ý chọn cách qua đời tại bệnh viện hiện đại nhất để các phóng viên phương Tây chứng kiến cái chết của ông. Sau khi chết, ông chuyển sinh trong một gia đình người Tây phương. Việc này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của các kênh truyền thông. Dường như đây là sự cố ý sắp đặt của ông để cho người phương Tây có thể chứng kiến một câu chuyện chân thực về việc cao tăng chuyển sinh.

Không tin vào luân hồi, cảnh báo của Lạt Ma ứng nghiệm

Mọi người có từng nghĩ, nếu linh đồng này lớn lên, dù được xác nhận nhưng không thể quay lại chùa thì sẽ ra sao? Thực tế điều này đã từng xuất hiện. Câu chuyện của tác giả Quách Hòa Khanh dưới đây là một ví dụ như thế.

Quách Hòa Khanh (1907 -1986), là học giả hiện đại nổi tiếng, nhà Tây Tạng học, dịch giả. Ông từng theo học cao tăng Aung Wang Langga, Chong Geshe. Các cuốn sách như Bất khả tư nghị lục… đều ghi chép lại những sự việc ông từng trải qua. Câu chuyện dưới đây được dân mạng trích ghi lại. 

Ngày nọ, khi thượng sư Chong Geshe giảng kinh tại Nhã An, các đệ tử Phật môn dẫn một cậu bé khoảng mười tuổi tới và giới thiệu đứa trẻ này rất kỳ lạ. Họ mong thượng sư xem một chút. 

Mọi người kể, đứa trẻ sinh ra trong một gia đình làm nghề y họ Trương tại phố Bồ Đề trong thành Nhã An. Khi cậu lên hai tuổi, một số Lạt ma từ chùa ở Ba Đường, Tây khang đến Nhã An. Họ dựa vào bản đồ chỉ dẫn và những đặc trưng về ngày sinh tìm kiếm linh đồng chuyển thế. Cuối cùng họ tìm tới gia đình này. 

Các vị Lạt ma nhờ họ Trương dẫn cậu bé ra. Họ hy vọng nhìn thấy những đặc điểm chỉ định khi chuyển sinh như ‘đỉnh đầu có vết đỏ’. Khi đứa bé được đưa tới, các vị Lạt ma quan sát kỹ và phát hiện đúg như vậy. Các Lạt ma lập tức khẳng định đây là linh đồng chuyển sinh của vị Lạt ma nào đó trong chùa của họ. 

Gia đình cậu bé không tin vào luân hồi

Hiện tượng ‘linh đồng chuyển thế’ vẫn thường diễn ra trong Phật giáo Tây Tạng (ảnh bangqu)

Sau đó họ nhờ vợ quân đoàn trưởng Trương Tu Đình, đóng quân tại Nhã An phiên dịch; họ nói với gia đình về câu chuyện tìm kiếm linh đồng. Căn cứ vào chứng cứ và cơ sở có được, xác định đây là linh đồng chuyển sinh. Họ không tiếc của cải vật chất mong đón được cậu bé về chùa.

Khi đó, gia đình họ Trương hành nghề y, gia đình vô cùng giàu có nên cha cậu bé nói: “Tôi không tin vào luân hồi. Con cái tôi sao dùng tiền bạc mà đổi được. Dù các ông có dùng bao nhiêu tiền tôi cũng không bán con”. Gia đình họ kiên quyết từ chối, còn các vị Lạt ma không nhẫn tâm rời đi. Họ sống tại Nhã An, mỗi ngày đều đến thăm đứa trẻ và rơi lệ rời đi. Vợ quân đoàn trưởng dù là người Tây Tạng, nhưng cũng đành bất lực. 

Các Lạt ma đưa ra lời cảnh báo

Không còn cách nào khác, cuối cùng các Lạt ma quyết định quay lại chùa. Họ nhờ vợ quân đoàn trưởng cùng tới gia đình họ Trương để tạm biệt cậu bé. Tới nơi, các Lạt ma nói với cha cậu: 

“Chúng tôi từ ngàn dặm xa xôi tới đây, chính là vì cậu bé này. Nếu ông không giao cho chúng tôi, đương nhiên chúng tôi cũng không thể ép buộc. Tuy nhiên ông hãy nhớ, theo Mật Tông, nếu linh đồng chuyển thế không thể kế thừa Phật Pháp, thì sẽ từ bỏ thân xác tạm thời tới chuyển sinh vào gia đình khác. Trước khi cậu bé tròn 12 tuổi thì còn có thể ở tại nhà. Khi sắp tới thời hạn đó, nếu gia đình muốn giao cậu bé cho chúng tôi thì hãy nhờ vợ của quân đoàn trưởng đây viết một bức thư; chúng tôi sẽ chuẩn bị thủ tục long trọng đón cậu về chùa. Nếu tới lúc đó ông vẫn cố muốn giữ, e rằng cậu bé sẽ không sống nổi quá 12 tuổi”. Nói xong các vị Lạt Ma rời đi. 

Sau đó, việc kinh doanh của gia đình họ Trương ngày một sa sút. Tệ đến mức họ không đủ tiền ăn hàng ngày. Lúc này họ nghĩ tới cậu bé, muốn đổi lấy tiền nuôi sống gia đình. Tuy nhiên vì vợ của quân đoàn trưởng đã qua đời, họ đã không thể liên lạc được với những Lạt ma kia.

Các vị Đại Lai Lạt Ma trước khi chuyển sinh cũng thường có dự báo về nơi mình sẽ đầu thai (ảnh zgwxbbs.com)

Tây Tạng huyền bí: Linh đồng không kế thừa Phật Pháp phải sớm rời đi

Câu chuyện các Lạt ma tìm kiếm linh đồng nhà họ Trương lan truyền khắp trong thành. Những người hàng xóm thường quan sát hành động của cậu bé và phát hiện hai đặc điểm. Một là từ khi cậu biết nói cậu chưa bao giờ gọi bố mà chỉ gọi mẹ. Thứ hai, khi gia đình bàn chuyện tìm người đính ước cưới vợ cho con trong tương tai, đứa trẻ nghe xong thì mắc bệnh. Cậu không ăn không nói, cả ngày chỉ uống nước và ho, không uống thuốc. 

Nghe mọi người kể chuyện xong, Quách Hòa Khanh tỉ mỉ quan sát cậu bé với nét mặt thanh tú, đoan trang trước mặt. Thượng sư nhìn thấy và nói: “Đây thực sự là một linh đồng. Tuy nhiên vì sống trong gia đình tộc người Hán lâu ngày, bị ô nhiễm nhiều quá, sao có thể sống lâu được?” . Ông nói xong thở dài thương xót. 

Chớp mắt hai năm trôi qua. Ngày nọ, người hàng xóm gia đình họ Trương cũng là bạn học của Quách Hòa Khanh tên Kiều Quận đột nhiên tới nhà và nói: 

“Sáng nay cậu bé linh đồng họ Trương qua đời rồi, tuổi mới vừa 12. Cậu bé bị cảm, nhưng không chịu uống thuốc; thi thoảng miệng lẩm nhẩm nhưng không biết là tiếng gì. Cậu chỉ gọi mẹ dùng khay đèn dầu thắp nến. Cậu nói với mẹ: ‘Con phải lập tức quay về chùa đây’. Mẹ cậu dùng tay che miệng không để con nói những lời đó. Lát sau cậu lại nói: ‘Phòng này không sạch sẽ, con không muốn ngồi trên giường. Sau đó xin mẹ cậu trải đệm ngoài cửa và dìu cậu ra đó. Cậu bé ngồi ngay ngắn ngoài cửa và ra đi”. 

Luân hồi chuyển kiếp là có thật

Những câu chuyện về luân hồi chuyển kiếp vẫn luôn tồn tại chân thực và xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện tượng ‘linh đồng chuyển kiếp’ của các Lạt ma Tây Tạng lại còn đặc biệt hơn nữa, khi người sắp rời đi lại có thể biết trước nơi mình sẽ chuyển sinh đến. Những ai không tin vào Thần Phật hay luân hồi thì cũng nên thử kiểm chứng và suy ngẫm lại một chút.

Theo Epoch Times