Bộ não của bạn được lập trình để nói thật và sống thật. Bác sĩ nổi tiếng tiết lộ, nói dối làm tăng lượng cortisol, lâu dần sẽ khiến cơ thể con người kiệt sức.
Bác sĩ Jonathan Corson, không chỉ nổi tiếng bởi chuyên môn y học, mà còn bởi những lời khuyên ý nghĩa mà ông thường chia sẻ với bệnh nhân, bên cạnh việc kê đơn thuốc.
Gần đây, Jonathan Corson bắt đầu chia sẻ với các bệnh nhân của mình rằng, việc nuôi dưỡng các giá trị đạo đức như lòng biết ơn có thể giúp cải thiện đáng kể các vấn đề sức khỏe của họ. Sự kết hợp giữa hướng dẫn mang tính triết lý và thực hành y học này đã khiến ông nhận được cả sự ngưỡng mộ lẫn hoài nghi từ mọi người.
Tỉnh ngộ sau những cơn đau đầu dai dẳng
Một ngày nọ, khi rời khỏi văn phòng, Corson cảm thấy kiệt sức sau một tuần làm việc không ngừng nghỉ và hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Khi đang vật lộn với cơn đau nửa đầu dai dẳng mà thuốc men dường như không thể làm dịu, ông bất giác suy ngẫm về những lời khuyên mà chính mình đã đưa ra.
Cơn đau nhói nhắc nhở ông về sự giới hạn của con người, rằng ngay cả một bác sĩ giỏi cũng không thể tránh khỏi bệnh tật. Sự khó chịu này đã thôi thúc một cuộc tự vấn sâu sắc, khác hẳn với bất cứ điều gì ông từng trải qua trước đây.
Corson rất tự hào về khả năng lắng nghe và đưa ra lời khuyên không chỉ giới hạn trong các triệu chứng bệnh lý, mà còn chạm đến những vấn đề đạo đức và luân lý trong cuộc sống với bệnh nhân. Nhưng khi suy ngẫm, một câu hỏi dai dẳng hiện lên trong tâm trí ông: “Liệu mình có đang thực hành những gì mình đã rao giảng không?”
Nhận thức ra điều này giống như một cú đánh mạnh giáng vào ông, có lẽ cơn đau nửa đầu kia không chỉ đơn thuần là một vấn đề thể chất. Liệu nó có liên quan đến những đức tính mà ông thường xuyên khuyên nhủ bệnh nhân, hay chính việc bản thân ông chưa thực sự sống đúng với những lời khuyên đó?
Bị cuốn vào những yêu cầu và trách nhiệm dồn dập, Corson thường bỏ sót những chi tiết nhỏ khi điều trị bệnh nhân; hứa hẹn những điều không thực tế với gia đình, hoặc chỉ nói những gì người khác muốn nghe để làm họ hài lòng. Từng chút một, áp lực phải luôn hoàn thành tốt công việc đã khiến ông nhận ra rằng chính lòng kiêu hãnh, sự ích kỷ, và cảm giác hơn người đã thúc đẩy ông chọn những cách làm tắt. “Liệu bản thân có đang thiếu trung thực trong cuộc sống?” Ông tự hỏi.
Corson quyết định rằng ông cần bắt đầu một hành trình để sống trung thực hơn – trung thực với chính mình và với mọi người xung quanh.
Ông bắt đầu ghi chép lại từng lần mình nói dối hoặc gây hiểu lầm, sau đó xem lại để suy nghĩ về cách sửa đổi và cải thiện. Đồng thời, ông cũng tìm hiểu sâu các tài liệu khoa học về những lợi ích sức khỏe mà sự trung thực mang lại.
Những căng thẳng dần tan biến
Khi bắt đầu sống chân thật hơn, Corson cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc trong tâm hồn, nó mang lại cảm giác an yên và một ý nghĩa mới cho công việc của mình. Ông nhận ra mối liên hệ rõ ràng giữa sức khỏe và những giá trị đạo đức.
Khoảng một tuần sau, trên đường về nhà, ông bất giác nhận ra mình không còn bị những cơn đau đầu khó chịu nữa! Những cơn đau, mà ông từng gọi là “bão đau”, đã trở thành điều bình thường trong cuộc sống của ông. Nhưng giờ đây, dù chỉ mới bắt đầu thực hành lối sống trung thực, Corson đã cảm nhận được rằng nó giúp ông giảm căng thẳng một cách rõ rệt.
Nhiều nghiên cứu thú vị đã chỉ ra rằng, ngay cả một khoảng thời gian ngắn không trung thực cũng có thể làm tăng mức cortisol (hay còn gọi là hormone căng thẳng) trong cơ thể.
Cortisol là cơ chế chuẩn bị sẵn sàng để đối phó hoặc chạy trốn khỏi những mối đe dọa của cơ thể. Vì vậy, khi một người nói dối, cơ thể họ phản ứng như thể đang sẵn sàng đối mặt với những rủi ro từ sự thật bị lộ hoặc tìm cách né tránh tình huống khó khăn. Khi gặp nguy hiểm, cortisol có thể giúp cơ thể bùng nổ năng lượng để làm những điều phi thường.
Tuy nhiên, con người không thể sống mãi trong trạng thái căng thẳng đó. Về lâu dài, các hormone căng thẳng có thể gây hại cho hệ tim mạch, làm tăng viêm nhiễm và thậm chí gây ra những cơn đau đầu dữ dội, giống như những gì Corson đã trải qua.
Cơ thể con người là một hệ thống sinh học được tinh chỉnh một cách cực kỳ phức tạp và tinh vi. Tuy nhiên, cũng như máy móc có thể bị hao mòn khi phải chịu quá nhiều áp lực, việc đẩy cơ thể vượt qua giới hạn của nó cũng có thể dẫn đến hư hại.
Bộ não của bạn được lập trình để sống trung thực
Trung thực là bản chất tự nhiên của bộ não. Trước đây, Corson thường “bẻ cong sự thật.” Ông hay nói với vợ rằng mình sẽ về nhà vào một giờ nhất định, nhưng lại về muộn hơn so với lời hứa. Ở nơi làm việc, đôi khi ông nói với bệnh nhân rằng mình đã xem xét kết quả xét nghiệm của họ “ngay sáng nay,” trong khi thực tế, ông chỉ lướt qua chúng vài phút trước cuộc hẹn.
Có lần, ông nói với con gái rằng ông không thể đến xem trận bóng đá của cô bé vì phải tăng ca, dù thừa biết rằng nếu muốn, ông hoàn toàn có thể tham dự. Thực tế, ông đã kiệt sức sau một tuần làm việc dài và chỉ muốn một buổi tối yên tĩnh cho riêng mình, tự nhủ rằng việc bỏ lỡ một trận đấu sẽ không gây hại gì và ông sẽ bù đắp cho con sau. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác, Ông bắt đầu dành một chút thời gian suy nghĩ trước khi nói, để chắc chắn rằng lời nói của mình thật lòng và phản ánh đúng hành động cũng như cảm xúc của bản thân.
Khi Corson dần trở nên chân thật hơn trong cách cư xử với người khác, ông bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn khi bày tỏ suy nghĩ của mình, mặc dù điều đó không hề dễ dàng.
Trong một thí nghiệm đột phá, các nhà khoa học đã theo dõi hoạt động não bộ của những người tham gia khi họ được yêu cầu nói thật hoặc nói dối. Đầu tiên, mỗi người được xem một lá bài cụ thể, chẳng hạn như lá hai cơ. Sau đó, họ được cho xem một lá bài khác và phải trả lời xem lá bài mới có giống lá bài ban đầu hay không, với câu trả lời là Có nếu giống và Không nếu khác.
Khi những người tham gia nói dối, não của họ vẫn hoạt động giống như khi họ nói thật, bởi vì não phải ghi nhớ sự thật trước tiên. Tuy nhiên, thêm vào đó, hai vùng não liên quan đến khả năng kiểm soát bản thân cũng hoạt động. Điều này cho thấy rằng con người thường nghĩ đến sự thật đầu tiên, nhưng khi nói dối, não phải ức chế sự thật để đưa ra lời nói dối.
Điều này cho thấy rằng nói thật là trạng thái nhận thức cơ bản của con người. Ngược lại, nói dối đòi hỏi thêm các nguồn lực tinh thần, dẫn đến căng thẳng tâm lý gia tăng và có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Trong một cuộc trò chuyện với đồng nghiệp là nhà thần kinh học, Corson hiểu thêm về lý do việc che giấu sự thật lại khiến con người kiệt sức. Đồng nghiệp của ông giải thích rằng các mạng lưới trong não, được kết nối với vùng vỏ não trước trán (DLPFC), chịu trách nhiệm kiểm soát hành vi và khả năng suy nghĩ phản biện.
Tuy nhiên, nguồn lực của DLPFC là có giới hạn, nếu chúng ta tiêu tốn quá nhiều năng lượng vào việc nói dối, não bộ sẽ có ít “nhiên liệu” hơn để giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Đây cũng là lý do tại sao, sau một ngày dài mệt mỏi, con người thường trở nên kém kiểm soát bản thân hơn, dẫn đến những tác động tiêu cực cho chính mình và người khác.
Nói dối khiến cơ thể căng thẳng và kiệt sức
Nghiên cứu cho thấy có nhiều loại nói dối khác nhau. Một số lời nói dối có thể được bịa ra ngay lập tức, chẳng hạn như nói dối về việc bạn đã ăn gì cho bữa trưa. Những lời nói dối khác có thể được chuẩn bị kỹ lưỡng và ghi nhớ, chẳng hạn như bịa ra một chuyến đi đến Bahamas mà bạn chưa bao giờ thực hiện.
Càng nói dối về những chuyện lớn, bạn càng cảm thấy mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất. Khi nói dối, bạn phải nhớ bối cảnh câu chuyện, hậu quả có thể xảy ra, mục đích của lời nói dối, đã nói với ai và vào lúc nào. Điều này tạo ra rất nhiều áp lực cho não bộ.
Những lời nói dối cần phải ứng biến nhanh để che đậy cho lời nói dối trước đó khiến một vùng não gọi là hồi đai trước (ACC) hoạt động mạnh hơn. Ví dụ, nếu ai đó hỏi tại sao bạn đến muộn và bạn nhanh chóng bịa ra chuyện bị kẹt xe; dù thực tế là bạn ngủ quên, vùng não này sẽ phải làm việc rất vất vả. Nó giúp bạn ngăn cản bản năng tự nhiên muốn nói thật và đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để duy trì lời nói dối sao cho hợp lý và nhất quán, nhất là khi phải trả lời thêm câu hỏi.
Những câu chuyện bịa đặt, như việc tưởng tượng ra chuyến đi Bahamas không có thật, khiến não bộ phải làm việc vất vả hơn so với những lời nói dối đơn giản. Điều này là vì bạn cần phải kiểm tra và điều chỉnh câu chuyện sao cho hợp lý và không mâu thuẫn.
Nói ngắn gọn, việc nói dối khiến bạn tốn nhiều sức lực và căng thẳng, trong khi sống trung thực lại giúp bạn cảm thấy thoải mái, không phải lo lắng hay bất an.
Sống thật khiến cuộc sống thêm ý nghĩa và làm việc hiệu quả
Corson bắt đầu nhận thấy mình có nhiều năng lượng hơn khi rời khỏi văn phòng. Ông từng nói: “Ai mà biết rằng chỉ ngồi và suy nghĩ thôi cũng đủ làm mình kiệt sức? Dù chỉ ngồi làm việc một chỗ nhưng tôi cảm thấy như lao động nặng nhọc cả ngày”.
Trước đây, ông thường quá mệt để chơi cùng con gái. Nhưng bây giờ, ông nhận thấy mình sáng tạo hơn, vui vẻ hơn và tham gia nhiều hơn vào công việc cũng như cuộc sống gia đình.
Tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn, Corson bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người. Một ngày, ông trò chuyện với Frank, người phụ trách hóa đơn y tế, và nói: “Tôi nghĩ những người trung thực chắc ít phải gặp bác sĩ hơn, nên có một nghiên cứu về điều này.”
Frank đồng tình: “Tôi cũng tin vậy,” đồng thời nhắc đến một nghiên cứu mà anh mới đọc. Nghiên cứu đó dựa trên các báo cáo bảo hiểm, chỉ ra rằng những người có đạo đức tốt thường ít bị trầm cảm và có sức khỏe tinh thần tích cực hơn.
Vào cuối một ngày làm việc dài, Corson ngả người trên ghế văn phòng. Ông nhận ra cuộc sống của mình đã thay đổi, những gánh nặng nhẹ bớt, dù rất nhỏ nhưng rất sâu sắc.
“Chỉ cần sống trung thực thôi mà đã giúp mình giảm căng thẳng, tiêu tan cả những cơn đau nửa đầu dai dẳng, thì thử hỏi còn bao nhiêu sức mạnh tiềm ẩn khác từ việc thực hành các giá trị đạo đức?” Ông tự hỏi.
Khi chuẩn bị kết thúc ngày làm việc, ông mỉm cười nhẹ nhàng. Sau khi tắt đèn văn phòng, ông bước ra ngoài, tận hưởng không khí mát mẻ của buổi tối. Trên đường trở về, dưới ánh sáng dịu dàng của hoàng hôn, ông nhận ra rằng mình không chỉ đang trở về nhà, mà còn đang tiến gần hơn tới một cuộc sống chân thật, khỏe mạnh và ý nghĩa.
Lời tác giả: Ngày nay, chúng ta đối mặt với nhiều thách thức lớn từ xã hội, y học và công việc. Câu chuyện này được lấy cảm hứng từ trải nghiệm thực tế của các đồng nghiệp và chuyên gia y tế. Những khó khăn và phần thưởng được đề cập trong câu chuyện đều dựa trên thực tế.
Với áp lực ngày càng gia tăng từ việc phải thể hiện bản thân, chạy đua với thời gian và bắt kịp nhịp sống xã hội; nhiều người rơi vào tình huống khó xử về đạo đức và sống thiếu chân thật. Tuy nhiên bộ não của bạn vốn được lập trình để sống chân thật, và chúng tôi tin rằng sống thật chính là con đường dẫn đến tự do thực sự!
Theo The Epochtimes